Người Việt chán ô tô cỡ nhỏ, chuộng xe 'gầm cao, máy thoáng' nhiều trang bị

Hoàng Cường
Hoàng Cường
20/02/2023 20:35 GMT+7

Ô tô cỡ nhỏ, giá rẻ, trang bị cơ bản… chỉ để "che mưa, che nắng" không còn là lựa chọn của số đông người Việt khi mua sắm ô tô, thay vào đó những mẫu Crossover, SUV gầm cao máy thoáng vận hành linh hoạt đang trở thành ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng ô tô tại Việt Nam.

Người Việt chán ô tô cỡ nhỏ, chuộng xe 'gầm cao, máy thoáng' nhiều trang bị - Ảnh 1.

Khách hàng đang dần "ngó lơ" ô tô cỡ nhỏ, giá rẻ để chuyển sang lựa chọn xe Crossover, SUV gầm cao máy thoáng

Bá Hùng

Thời gian cùng xu hướng thời trang, công nghệ… thay đổi đang tạo ra sự chuyển đổi về thị hiếu lựa chọn ô tô của người Việt. Những mẫu ô tô cỡ nhỏ, trang bị cơ bản, có tầm giá 350 - 500 triệu đồng từng một thời là lựa chọn phổ biến của người tiêu dùng ô tô tại Việt Nam giờ đây đang dần lép vế trước xu hướng nở rộ của dòng xe Crossover, SUV gầm cao máy thoáng. Điều này thể hiện rõ nhất qua doanh số bán hàng của từng phân khúc ô tô trên thị trường Việt Nam.

Ô tô năm 2022: Doanh số kỷ lục, Toyota và Hyundai lại "đua song mã"

Nếu như những năm trước đây, phân khúc ô tô cỡ nhỏ hạng A với những mẫu mã như Hyundai Grand i10, Kia Morning, VinFast Fadil luôn được xem là một trong những phân khúc ô tô bán chạy nhất Việt Nam với khoảng 40.000 xe/năm, thì năm 2022 vừa qua, doanh số ở phân khúc này đã giảm đáng kể. Số liệu bán hàng từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho thấy, năm 2022 tổng doanh số bán ô tô cỡ nhỏ hạng A tại Việt Nam đạt 27.833 xe, giảm 38%, tương đương 17.293 xe so với năm 2021.

Tổng doanh số trung bình hàng tháng của phân khúc này đều đạt mức hơn 3.000 xe/tháng, tuy nhiên trong tháng mở đầu năm 2023, lượng tiêu thụ ô tô cỡ nhỏ hạng A chỉ đạt chưa tới 800 xe.

Người Việt chán ô tô cỡ nhỏ, chuộng xe 'gầm cao, máy thoáng' nhiều trang bị - Ảnh 2.

Giá rẻ không còn là lợi thế để giúp ô tô cỡ nhỏ hạng A duy trì sức hút với người tiêu dùng trên thị trường ô tô

Bá Hùng

Với thiệt kế nhỏ gọn, trang bị cơ bản và sử dụng động cơ có dung tích chỉ từ 1.2 - 1.4lít… ô tô cỡ nhỏ hạng A là phân khúc ô tô giá rẻ nhất Việt Nam. Thế nhưng, yếu tố này giờ đây không còn là lợi thế để giúp ô tô cỡ nhỏ hạng A duy trì sức hút với người tiêu dùng trên thị trường ô tô.

Sự xuất hiện của những mẫu Crossover/SUV đô thị như Kia Sonet, Kia Seltos, Toyota Raize, Mazda CX-3, MG ZS hay sự trở lại của Hyundai Creta… đang hình thành nên xu hướng mới, tạo được sức hút trên thị trường.

Thay vì chỉ được trải nghiệm các trang bị, tính năng cơ bản trong một không gian nhỏ hẹp của một chiếc ô tô cỡ nhỏ hạng A, nhiều người tiêu dùng ô tô tại Việt Nam hiện nay không ngần ngại chi thêm tiền hoặc thông qua các kênh hỗ trợ tài chính, cho vay để sở hữu những chiếc Crossover/SUV đô thị vốn có tầm giá từ 550 - 700 triệu đồng.

Người Việt chán ô tô cỡ nhỏ, chuộng xe 'gầm cao, máy thoáng' nhiều trang bị - Ảnh 3.

Nhiều người tiêu dùng ô tô hiện nay không ngần ngại chi thêm tiền hoặc thông qua các kênh hỗ trợ tài chính, cho vay để sở hữu những chiếc Crossover/SUV đô thị

Bá Hùng

Thậm chí, ngay những khách hàng lần đầu mua ô tô cũng đang bỏ qua những chiếc ô tô cỡ nhỏ hạng A vốn có giá rẻ nhất thị trường để tìm mua một chiếc Crossover/SUV đô thị. Bởi theo nhiều khách hàng, dù mức giá chênh thêm khoảng 200 triệu đồng so với ô tô cỡ nhỏ hạng A tuy nhiên về tính đa dụng, không gian và trang bị Crossover/SUV đô thị đều đáp ứng tốt hơn. Bên cạnh đó, với địa hình, đường sá Việt Nam Crossover/SUV đô thị cũng vận hành linh hoạt, mạnh mẽ hơn so với những dòng xe cỡ nhỏ.

Vì vậy, thời gian gần đây nếu như phân khúc ô tô cỡ nhỏ hạng A ngày càng "lụi tàn" và ít dần lựa chọn khi Honda Brio, VinFast Fadil bị "khai tử" thì Crossover/SUV đô thị đang nở rộ với nhiều mẫu mã mới xuất hiện. Doanh số bán những mẫu Crossover/SUV đô thị như Kia Sonet, Kia Seltos, Toyota Raize liên tục gia tăng. Thậm chí ngay cả một mẫu xe mới "chân ướt chân ráo" trở lại thị trường Việt Nam như Hyundai Creta cũng liên tục góp mặt trong Top 10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam hàng tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.