Tại thị trường TP.HCM, trái cây ngoại chưa bao giờ rẻ như hiện nay. Nhiều mặt hàng cao cấp như cherry Mỹ chỉ còn trung bình từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, giảm đến 50 - 60% so với các năm trước. Các loại nho mẫu đơn của Hàn Quốc cũng chỉ còn 350.000 - 400.000 đồng/chùm.
Theo Hiệp hội Cherry Mỹ tại Việt Nam, năm nay cherry được mùa nên sản lượng tăng mạnh, hàng được chuyển bằng đường tàu biển về Việt Nam thay vì đường hàng không như trước kia. Sản lượng lớn và chi phí giảm mạnh là lý do khiến giá cherry Mỹ tại Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với những năm trước. Việt Nam chủ yếu nhập cherry từ Washington và California, năm nay tổng sản lượng cả 2 bang này khoảng trên 30 triệu thùng, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Không chỉ giá rẻ, các nhà xuất khẩu nông sản Mỹ còn thường xuyên tổ chức các chương trình quảng bá và khuyến mãi lớn. Cụ thể, trong những ngày đầu tháng 8, Phòng Nông nghiệp đối ngoại thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tổ chức chương trình "Khám phá mỹ vị Hoa Kỳ" giới thiệu nhiều loại thực phẩm và đồ uống đặc sản Mỹ đến người tiêu dùng Việt. Trong chương trình này, nhiều loại trái cây đặc sản Mỹ như cherry, việt quất, nho… được bán với giá khuyến mãi hấp dẫn.
Trái cây ngoại ngày càng rẻ và đa dạng chủng loại
Trái cây từ EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… cũng giảm mạnh trong những năm gần đây do Việt Nam tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước này, nên thuế nhập khẩu giảm. Mặt khác, trong năm nay, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng khắp nơi cắt giảm chi tiêu nên các nhà xuất khẩu cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi nhằm kích thích sức mua.
Theo một số nhà nhập khẩu rau quả, giá của hầu hết các loại trái cây ngoại giảm từ 20 - 30% so với năm trước. Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết: Kim ngạch nhập khẩu rau quả trong 8 tháng qua vẫn đạt tới 1,27 tỉ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ cùng với Newzeland, Ấn Độ, Hàn Quốc là những nước có kim ngạch xuất khẩu rau quả vào Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Trung Quốc đứng đầu nguồn cung rau quả ngoại ở thị trường Việt Nam, chiếm hơn 35% thị phần. Mỹ đứng thứ 2 với gần 18% và Úc 8% xếp thứ 3.
Bình luận (0)