Người Việt chi hơn trăm tỉ đồng mỗi năm để ăn cua Hoàng đế Na Uy

Chí Nhân
Chí Nhân
26/09/2023 19:32 GMT+7

Chỉ tính riêng giá trị nhập khẩu cua Hoàng đế (King Crab) từ thị trường Na Uy, năm 2022 người Việt đã chi đến 108 tỉ đồng.

Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) cho biết, ngoài cá hồi thì cua Hoàng đế là mặt hàng được người Việt Nam tiêu thụ rất mạnh trong số các mặt hàng hải sản của nước này xuất khẩu vào Việt Nam.

Người Việt chi hơn trăm tỉ đồng mỗi năm để ăn cua Hoàng đế Na Uy - Ảnh 1.

Các nhà xuất khẩu Hải sản Na Uy đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Việt Nam

CHÍ NHÂN

Ngày 26.9, ônng Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) trong hoạt động quảng bá sản phẩm với các kênh phân phối ở TP.HCM cho biết: Năm 2019, tổng lượng cua Hoàng đế mà Na Uy xuất khẩu vào Việt Nam là 73 tấn tương đương 53 tỉ đồng. Đến năm 2020 sản lượng tăng lên đến 163 tấn, đạt giá trị đến 121 tỉ đồng. Hai năm sau đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sản lượng và giá trị nhập khẩu giảm nhẹ nhưng vẫn trên mốc 100 tỉ đồng. Đáng chú ý, năm 2022 dù sản lượng chỉ có 83 tấn nhưng giá trị lên đến 108 tỉ đồng. "Điều này cho thấy người Việt ngày càng chấp nhận chi nhiều tiền cho các sản phẩm có chất lượng cao hơn, đặc biệt là có nguồn gốc từ các nơi có uy tín như Na Uy", ông Asbjorn nhấn mạnh.

Đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện quảng bá hải sản Na Uy ở thị trường Việt Nam được chính thức khởi động vào đầu tháng 12.2022. NSC rất coi trọng thị trường Việt Nam vì xét về lượng Việt Nam là nước nhập khẩu hải sản từ Na Uy nhiều nhất Đông Nam Á (xếp sau Thái Lan về giá trị). Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu hải sản từ Na Uy ước tính khoảng 50.000 tấn các loại.

Ông Trần Văn Trường, CEO Công ty Hải sản Hoàng Gia, cho biết từ năm 2016 đã thành công đưa cua Hoàng đế sống về Việt Nam. Hiện tại, đơn vị này có hơn 2.000 đối tác là các nhà hàng khách sạn trên khắp cả nước. Hải sản nhập khẩu ngày càng có giá thành cạnh tranh hơn nhờ chính sách thuế giảm dần theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.