Người Việt chuộng thực phẩm ngoại

13/12/2022 06:31 GMT+7

Có lẽ không nhiều người biết, Việt Nam là nước tiêu thụ thực phẩm Na Uy nhiều nhất Đông Nam Á, đặc biệt là cá hồi. Tại thị trường nội địa, hải sản, thịt ngoại đang tràn ngập với giá rẻ và nhận được sự lựa chọn của nhiều bà nội trợ cũng như giới trẻ .

Tiêu thụ hàng đầu Đông Nam Á

Ông Trần Văn Trường, Tổng giám đốc Công ty Hải sản Hoàng Gia, cho biết thời gian gần đây giá các loại hải sản nhập khẩu rẻ hơn trước trung bình từ 5 - 15%. Nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế khó khăn, sức mua yếu nên các nước xuất khẩu giảm giá bán để kích cầu. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển logistics giảm giúp giá thành sản phẩm cũng hạ so với thời điểm đầu năm. Điều này càng khiến thực phẩm ngoại nhập được các bà nội trợ ưa chuộng.

VN đang trở thành nơi tiêu thụ hải sản nhập khẩu số một khu vực Đông Nam Á

Chí Nhân

Vì thế, dù là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới với kim ngạch vượt 10 tỉ USD nhưng thị trường nội địa VN lại là mảnh đất màu mỡ với các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC), thông tin VN hiện là thị trường tiêu thụ hải sản Na Uy lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng sản lượng năm 2022 khoảng 50.000 tấn. Theo vị này, người Việt tiêu thụ hải sản thuộc nhóm đầu thế giới số lượng bình quân lên đến 37 kg/người/năm.

Trong các sản phẩm từ Na Uy được người Việt ưa chuộng là cá hồi, năm 2022, tăng trưởng đến 49% so với cùng kỳ năm trước; bên cạnh đó là các loại động vật có vỏ (tôm, nghêu, sò, ốc) tăng trưởng 9% so với năm 2021. Để khai thác tối đa tiềm năng thị trường, trong năm 2023 NSC sẽ tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để đưa hàng đến tay người tiêu dùng VN nhiều hơn.

Nhiều nước đang đẩy mạnh xuất khẩu trái cây tươi vào VN

Tương tự, ông Michael Young, Chủ tịch Hiệp hội Thịt bò Canada, thông tin: “Năm 2021, Canada đã xuất khẩu được vào VN hơn 12.100 tấn, tăng 92% so với năm 2020, tương đương 85,4 triệu đô la Canada, tăng 109% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, xuất khẩu sản phẩm thịt bò vào VN tiếp tục tăng trưởng 2 con số, 24% về khối lượng và 15% về giá trị. VN cũng là 1 trong 2 thị trường nhập khẩu thịt bò Canada lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

“Gã khổng lồ” Mỹ cũng coi VN là thị trường lớn cho hàng nông sản của nước này. Các doanh nghiệp và cơ quan thương vụ nước này thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa hàng vào VN. Theo ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Mỹ, thương mại song phương trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước đã tăng từ hơn 4 tỉ USD năm 2011 lên hơn 9 tỉ USD vào năm 2021.

VN hiện là thị trường xuất khẩu nông sản và thực phẩm lớn thứ 8 của Mỹ. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng nông sản của Mỹ vào VN đã vượt kim ngạch của cả năm 2021 là 3,1 tỉ USD. Những sản phẩm nông sản của Mỹ được người tiêu dùng VN đón nhận rộng rãi như thịt bò, trái cây tươi, thịt gà…

Một nhà nhập khẩu thịt bò từ Mỹ cho biết tại thị trường Mỹ sức mua giảm do suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó hàng của họ xuất khẩu đi các nước đặc biệt như Trung Quốc giảm mạnh. Chính vì vậy, các nhà xuất khẩu đẩy mạnh đưa hàng vào VN với giá rất cạnh tranh và nhận được sự lựa chọn của nhiều bà nội trợ trong nước.

Hàng ngoại ngày càng rẻ

Khảo sát một số bà nội trợ tại TP.HCM về việc sử dụng thực phẩm ngoại cho thấy đáp số chung là giá ngày càng rẻ, chất lượng tốt và sử dụng tiện lợi. Chị N.H (Q.4) nhận xét đã hơn 5 năm nay nhà chị chỉ dùng thịt bò Mỹ đóng vỉ từ ba rọi, dẻ sườn, gầu... “Bò nội thái khó, nấu chỉ cần quá tay là dai ngay mà bọn trẻ bây giờ không thích ăn cái gì quá khó khăn. Chưa kể bò ngoại đóng vỉ, thái lát sẵn, cứ mua về nhúng lẩu hay xào, làm salad ăn đều tiện dụng”, chị N.H giải thích. Chị Lương Kim Mai, ngụ Q.10 (TP.HCM) kể những ngày gần đây nghe xe bán hàng rong đi ngang nhà rao hàng mà giật mình vì thịt bắp bò chỉ có 120.000 đồng/kg, gà bọng không đầu có giá 40.000 - 50.000 đồng/con.

“Cũng hiểu đây là hàng chất lượng thấp hoặc nhập khẩu cận date (hạn sử dụng) nhưng rẻ tới cỡ này thì đúng là không tưởng tượng nổi”, chị Mai cho biết. Thực tế, không chỉ hàng cận date, ngay cả hàng ngoại chất lượng cao cũng ngày càng rẻ hơn. Khảo sát giá ở một số địa chỉ uy tín nhập khẩu sản phẩm có thương hiệu từ Mỹ, Úc, Nhật Bản cho thấy chỉ cần chi chừng 500.000 - 850.000 đồng là có một ký thịt bò thượng hạng từ Nhật. Tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, giá thịt bò nhập khẩu trung bình chỉ từ 260.000 - 350.000 đồng/kg, tùy loại. Chưa kể từ đầu tháng 12 tới nay, mặt hàng này còn được khuyến mãi từ 20 - 25%.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Phương (Q.3) nhận xét giá thịt ngoại không chỉ ngày càng rẻ mà có tính tiện dụng cao. Thứ nhất là các loại thịt nhập khẩu đều có địa chỉ hoặc thương hiệu cụ thể; miếng thịt được cắt gọt đẹp mắt, bao bì nhãn hiệu đều được đầu tư chăm sóc nên khi mua về sử dụng cũng yên tâm. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm thịt còn được tư vấn nấu thế nào và có gia vị kèm theo. “Là một người không giỏi về nội trợ, tôi chỉ cần mua về là có thể dùng ngay để nhúng lẩu, ăn mì, xào rau củ hoặc làm món bít tết mà không quá lo đến việc nấu thế nào để đủ lửa hoặc vừa miệng”, chị Phương nói.

Theo khảo sát của chúng tôi, không chỉ thịt bò mà các loại hải sản nhập khẩu gần đây cũng giảm giá mạnh. Một mặt hàng phổ biến nhất VN là cá hồi, trước tháng 6 năm nay là 450.000 - 500.000 đồng/kg (nguyên con) nay chỉ còn 300.000 - 400.000 đồng/kg. Các loại hải sản cao cấp như tôm hùm, cua hoàng đế, bào ngư… cũng giảm giá từ 200.000 - 500.000 đồng/kg, tùy loại. Tương tự, các loại trái cây ngoại nhập từ lê, nho, cam, táo… đều tràn ngập thị trường với giá dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Cá biệt ngay cả táo nhập khẩu chính thức từ Mỹ bán ở siêu thị vào các đợt khuyến mãi giá chỉ còn 79.000 đồng/kg. Thị ba chỉ bò Mỹ cắt lát 115.000 đồng/gói 500 gr…

Thị trường tràn ngập hàng ngoại với giá rất cạnh tranh khiến sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Anh Lâm Minh, chủ trại bò tại Đắk Lắk, than thở: “Giá bò hơi nhiều tháng nay chỉ từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Thời gian gần đây lại rộ lên thông tin bò thẩm lậu qua biên giới khiến nhiều thương lái chỉ hỏi chứ không mua. Càng gần tết người chăn nuôi lại càng lo vì đủ thứ chi phí, trong khi bò thì không bán được. Năm nay cám tăng giá, thức ăn tăng giá, nhưng giá bò lại không tăng khiến người chăn nuôi gánh lỗ”.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Vụ Khoa học - Công nghệ - Môi trường (Bộ NN-PTNT) phân tích: Nói về ngành chăn nuôi gia súc lớn thì điểm yếu cố hữu lâu nay là quản lý chuỗi chưa đồng bộ, người dân chủ yếu là chăn thả, chưa áp dụng nhiều vào việc thâm canh. Nhà nước cũng có nhiều chương trình về cải tiến giống, hiện nay các giống bò lai Sind, bò BBB cũng thay thế dần các giống cũ năng suất, trọng lượng kém. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được công nghệ, chưa có sự đồng bộ trong từng khâu nên hiện nay người chăn nuôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do với các nước chúng ta phải chấp nhận nguyên tắc có đi có lại. Nhìn ở mặt tích cực nó có lợi cho người tiêu dùng. Mặt khác nó cũng là áp lực để doanh nghiệp và người dân VN phải đầu tư để phát triển ngành chăn nuôi trong nước.

Đại diện Vụ Khoa học - Công nghệ - Môi trường (Bộ NN-PTNT)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.