Hơn 30 năm định cư ở Úc, ông Trần Hùng, sống ở ngoại ô Sydney, luôn giữ truyền thống đón tết như ở quê hương. Cứ mỗi dịp tết đến, ông Hùng (65 tuổi), chủ một nhà hàng ở thành phố Sydney, lại gọi điện cho các con trở về nhà chuẩn bị đón tết.
Cả gia đình dọn dẹp nhà cửa, ra khu chợ Việt mua sắm nhiều thứ từ bánh mứt, bánh tét cho đến trái cây và dưa hấu để thờ cúng ông bà. Bên trong căn nhà ở ngoại ô Sydney, ông Hùng bày trí bàn thờ tổ tiên theo truyền thống Việt Nam.
“Tết là thời khắc quan trọng để tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Một truyền thống quan trọng mà tôi luôn giữ gìn trong gia đình. Có năm tôi về Việt Nam để tảo mộ”, ông Hùng cho biết.
|
Tuy nhiên, năm nay do con cái bận rộn học hành và làm việc nên gia đình ông đón tết ở Úc. “Tôi hơi buồn vì không thể về nước để tôn tạo mồ mả ông bà nhưng đã gọi điện thoại về căn dặn người thân phải làm thay tôi thật chu đáo”, ông Hùng nói.
Vào đêm giao thừa, ông Hùng mời gia đình bên vợ gần đó và cả hàng xóm, những người bạn Úc bản xứ đến nhà đón giao thừa.
Đi chùa thắp nhang, dạo đường hoa
Năm nay, cộng đồng gốc Việt ở Úc có điều kiện tổ chức lễ hội mừng năm mới đa dạng và nhiều người có thể dễ dàng tham gia do Tết âm lịch rơi vào dịp cuối tuần.
“Mọi người có thể đến tham dự lễ hội, đường hoa, chợ tết với nhiều món ăn Việt ở khu Springvale, có cả bắn pháo hoa tại khu Crown Casino và chương trình biểu diễn ca nhạc mừng xuân. Nhiều gia đình mặc áo dài truyền thống đến chụp ảnh tại những khu vực có trang trí hoa mai, hoa đào”, cô Nguyễn Xuân Linh, một trưởng phòng marketing sống ở thành phố Melbourne, cho biết.
|
Đêm giao thừa, sau khi xem pháo hoa, nhiều người gốc Việt rủ nhau đi chùa thắp nhang cầu an cho năm mới ở Melbourne.
“Sau đêm giao thừa, đa số mọi người ở Úc ăn tết, sum họp gia đình và dùng bữa cơm đầm ấm chỉ trong mùng 1 Tết rồi hôm sau quay trở lại làm việc như bình thường. Một số bạn bè của tôi thì chọn trở về Việt Nam thăm gia đình”, cô Linh cho biết.
Dù đang phải đối mặt bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng xuất phát từ thảm họa cháy rừng lan rộng khắp nước Úc, nhưng người gốc Việt nỗ lực vượt qua khó khăn, hướng đến năm mới an khang thịnh vượng.
“Chúng tôi kỳ vọng bầu không khí trong lành, bớt ô nhiễm vào những ngày Tết Nguyên đán và lực lượng cứu hỏa sớm kiểm soát, dập tắt những đám cháy rừng”, cô Nguyễn Duy Hiên, làm việc tại một trường mầm non ở thành phố Sydney, cho biết.
|
Theo cô Hiên, không khí tết thật sự sum vầy khi cộng đồng người Việt cùng nhau gói bánh chưng và bánh tét. Cô giáo này cho biết một ngôi trường dạy tiếng Việt ở Sydney hằng năm đều tổ chức hoạt động mừng tết cổ truyền và dạy cho trẻ em độ tuổi 5 - 8 cách gói bánh tét, bánh chưng.
“Các em còn được cha mẹ cho mặc áo dài truyền thống đến chụp ảnh và tham gia nhiều hoạt động hữu ích về truyền thống Việt Nam, như trò chơi dân gian. Đây là nỗ lực rất lớn của nhà sáng lập và giáo viên tình nguyện tại ngôi trường hoàn toàn miễn phí do một cô giáo gốc Việt sáng lập”, cô Hiên nói.
Tiếng pháo đêm giao thừa ở California
Tại một số khu vực ở bang California của Mỹ, cộng đồng người gốc Việt được phép đốt pháo tại nhà đón giao thừa. Phong tục đốt pháo đêm giao thừa vẫn được gìn giữ trong cộng đồng người Việt, miễn sao người dân tuân thủ các quy định về an toàn của chính quyền địa phương.
“Tôi ủng hộ Việt Nam cấm đốt pháo vì lý do an toàn. Tuy nhiên, tiếng pháo đêm giao thừa trở thành nét đẹp và khắc sâu trong ký ức những người sinh ra vào thập niên 1960 như tôi”, ông David Nguyen, cư ngụ tại thành phố Garden Grove (California), cho biết.
Ông Nguyen rất vui khi trẻ con của các gia đình láng giềng vẫn có thể nghe được tiếng pháo đì đùng vào thời khắc chuyển giao của năm và sang nhà hàng xóm nói lời chúc mừng năm mới. “Tôi cũng chuẩn bị sẵn bao lì xì cho các bé”, ông Nguyen cho biết.
|
Điều thú vị là ông Nguyen đang làm việc trong nhà máy sản xuất thiết bị y tế với khoảng 80% số lao động là người Việt. Hằng năm, trong những ngày cận tết, người lao động gốc Việt mặc áo dài đến nơi làm và tổ chức bữa tiệc tất niên.
“Suốt những năm qua, chúng tôi luôn giữ truyền thống tốt đẹp đó, thậm chí đồng nghiệp không phải gốc Á cũng hào hứng tham gia chúc tết nhau”, ông Nguyen cho biết.
|
Ban quản lý nhà máy cũng tạo điều kiện cho người Việt về sớm để đón giao thừa và thậm chí ưu tiên cho họ nghỉ phép vài ngày để đón tết. Năm nay, ông cùng đồng nghiệp tập trung tại nhà một người bạn để tự gói bánh tét, làm mâm cỗ cúng đêm giao thừa.
“Chúng tôi sẽ đi chùa cầu an, dạo đường hoa và xem cuộc diễu hành truyền thống được tổ chức mỗi năm”, theo ông Nguyen.
“Tết là thời khắc thiêng liêng đối với cộng đồng người gốc Việt. Mọi người quây quần bên mâm cơm gia đình, còn trẻ nhỏ nhận phong bao lì xì”, cô Linh chia sẻ.
Bình luận (0)