Người Việt ham chơi

12/02/2016 10:51 GMT+7

Nhìn vào tết cổ truyền, thấy người Việt còn ham chơi lắm, không chịu làm ăn dù có cơ hội. Người Thái Lan làm du lịch cả trong ngày tết cổ truyền, không hề nghỉ ngơi. Làm mà như chơi nhưng hiệu quả cao chính là ở đó.

Nhìn vào tết cổ truyền, thấy người Việt còn ham chơi lắm, không chịu làm ăn dù có cơ hội. Người Thái Lan làm du lịch cả trong ngày tết cổ truyền, không hề nghỉ ngơi. Làm mà như chơi nhưng hiệu quả cao chính là ở đó.

Đường phố Hà Nội vắng tanh trong ngày tết - Ảnh: Hà anĐường phố Hà Nội vắng tanh trong ngày tết - Ảnh: Hà an
Tết Nguyên đán năm ngoái, bạn tôi, một người Mỹ dạy tiếng Anh ở Thẩm Quyến đã đến Việt Nam để du lịch vì anh không muốn ở lại Trung Quốc để không biết làm gì, chơi gì. Anh tới Hà Nội từ trước tết, đi dọc đất nước hình chữ S và vào TP.HCM đúng 3 ngày đầu năm.
Trước khi qua Việt Nam, tôi đã cảnh báo bạn là du lịch ngày tết ở thành phố không có gì để chơi đâu vì nhiều cơ sở dịch vụ đóng cửa, chẳng khác gì tết ở Trung Quốc. Quả thật, bạn rất thất vọng vì vào quán ăn nào cũng phải chờ đợi rất lâu do không đủ người phục vụ. Hơn nữa, giá cả lại cao hơn ngày thường rất nhiều. Việc di chuyển cũng khó khăn vì nhiều công ty không mở cửa. Chỉ được cái thành phố yên bình, vắng vẻ nhưng bạn tôi, một người đi dạy tiếng Anh ở các nước châu Á chỉ cốt để thuận tiện khám phá văn hóa, cảnh quan của điểm đến, thì sự tĩnh lặng của TP.HCM không phải là mục đích tìm đến của anh.
Thế là tết năm nay, bạn tôi không quay lại Việt Nam trong những ngày này, cũng không ở lại Trung Quốc. Anh quay về Mỹ để gần gũi người thân. Tuy nhiên, quyết định của anh cho hành trình kế tiếp khiến tôi ngạc nhiên: đến Thái Lan tham gia ngày tết cổ truyền của nước này vào tháng tư. Đây là lần thứ ba bạn quay lại Thái Lan để vui chơi trong tuần lễ tạt nước Songkran.
Sự khởi nguồn của tết Thái và tết Việt đều cơ bản giống nhau, đó là đón năm mới. Nhưng người Thái đã biến một lễ hội truyền thống thành một sự kiện du lịch để thu hút du khách, khiến gần như chẳng ai nhớ đây là ngày tết cổ truyền của họ. Du khách đơn giản chỉ nhớ Songkran là một lễ hội mà ở đấy, họ được tham gia vào nhiều trò chơi; được phục vụ chu đáo, tận tình; mỗi năm các sự kiện đều được biến tấu cho mới mẻ, để du khách lại hẹn hò nhau quay lại vào năm sau. Từ đầu năm, chính quyền và ngành du lịch trên khắp nước Thái đã đưa ra kế hoạch tổ chức các sự kiện trong Songkran để du khách tiện bề đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn và mua vé tham quan…
Sự khởi nguồn của tết Thái và tết Việt đều cơ bản giống nhau, đó là đón năm mới. Nhưng người Thái đã biến một lễ hội truyền thống thành một sự kiện du lịch để thu hút khách du lịch.
Cho dù Songkran bị chê bai không còn giữ được ít nhiều nét đẹp truyền thống, nhưng cứ xem, du khách ồ ạt đổ về Bangkok trong tuần lễ năm mới là đã thấy thành công. Thành công này không đơn thuần là quảng bá văn hóa, mà còn mang lại thu nhập cho người dân bản địa thông qua sự chi tiêu khủng khiếp của hàng triệu du khách đến Thái Lan trong ngày lễ này.
Ngày 26 tết Nguyên đán năm nay, khi ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để ra nước ngoài vì công việc, tôi thật sự choáng ngợp trước dòng người nước ngoài lên máy bay về nước hoặc đi du lịch đâu đó, dĩ nhiên không phải ở Việt Nam. Qua tìm hiểu, tôi biết phần lớn họ là những người nước ngoài làm ăn, kinh doanh ở Việt Nam. Dịp nghỉ tết dài ngày nên ra đi, qua tết sẽ quay trở lại. Tại sao họ không ở lại Việt Nam chơi tết? Câu trả lời thật đơn giản: không muốn bị “chặt chém” với giá phòng khách sạn, giá bữa ăn, giá tàu xe, giá vé máy bay tăng chóng mặt… Tại các điểm đến du lịch trong nước, năm nào du khách cũng kêu ca vì bị “bóp cổ”.
Việt Nam không thiếu những lễ hội địa phương có thể được “nâng cấp” để trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách quốc tế, thay vì khư khư bảo tồn chỉ để phục vụ người trong nước. Trong thế giới phẳng, người thành công chính là người đưa được giá trị truyền thống, văn hóa của mình ra bên ngoài, để mọi người biết tới và ngưỡng mộ tìm đến. Như Thái Lan đã làm với Songkran. Lúc tôi trở về Việt Nam trên chuyến bay ngày 28 tết, có rất ít du khách nước ngoài, chủ yếu là người Việt đi chơi hoặc làm ăn xa về quê. Sân bay Tân Sơn Nhất rất vắng vẻ ở ga đến.
Không có gì chơi, không được đón tiếp tận tình cũng đã khiến hàng ngàn khách Việt đi du lịch nước ngoài trong mấy ngày nghỉ tết. Tỷ lệ du khách đi chơi nước ngoài với đi chơi trong nước ở các công ty lớn được thống kê ở mức 50 – 50. Đó chính là thất bại của ngành du lịch Việt Nam. Bởi anh không giữ được chân “người nhà” thì làm sao thu hút được “người ngoài”? Nhìn vào tết cổ truyền để thấy rằng, người Việt vẫn còn ham chơi lắm, không chịu làm ăn dù có cơ hội. Đây là điều đã được chứng minh qua nhiều khảo sát, khi năng suất lao động Việt Nam còn kém xa so với các nước trong khu vực. Người Thái Lan làm du lịch cả trong ngày tết cổ truyền của họ, không hề nghỉ ngơi. Vừa làm vừa chơi nhưng mang lại hiệu quả cao chính là ở chỗ đó.
Những năm gần đây, nhiều cửa hàng, quán ăn ở TP.HCM vẫn mở cửa xuyên giao thừa, không nghỉ. Tuy nhiên, đấy vẫn còn là số ít. Tôi nói với người bạn dạy tiếng Anh đang ở Mỹ rằng, tết sang năm sau hãy quay lại Việt Nam đi, bởi tôi tin rằng nhiều người Việt đang nhìn thấy cơ hội trong những ngày lễ tết, sẽ không bạc đãi anh như trước đâu. Cứ hứa như vậy đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.