Người Việt may quốc phục Nhật Bản

14/01/2014 19:50 GMT+7

(TNO) Ở Việt Nam, gia đình anh Trần Duy Hùng và Nguyễn Thị Thu Thủy là những người tiên phong trong việc may áo Kimono - quốc phục của người Nhật Bản.

 Vải may Kimono xuất xứ từ Nhật Bản, nên việc cắt vải phải hết sức cẩn thận
Vải may Kimono xuất xứ từ Nhật Bản, nên việc cắt vải phải hết sức cẩn thận

Trong cơ sở may mặc thứ tư được tạo lập bởi cặp vợ chồng trẻ này nằm tại 16 Tôn Đản (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) có hơn 80 công nhân lành nghề đang tỉ mẩm luồn từng sợi chỉ qua kim may thủ công để làm nên những chiếc áo Kimono sặc sỡ.

Năm 2008, cơ duyên đến với gia đình anh Hùng khi chị Thu Thủy, bằng vốn tiếng Nhật tự học lưu loát của mình đã tiếp cận được công nghệ may áo Kimono và hợp tác cùng một số đối tác người Nhật chuyên may Kimono cho người dân Nhật Bản.

Ban đầu từ một xưởng may ở quận Gò Vấp (TP.HCM) với 50 công nhân, chị Thu Thủy lần lượt ký kết các hợp đồng may gia công Kimono cho các đối tác. Đơn đặt hàng ngày càng nhiều và rồi chị tiếp tục mở thêm xưởng thứ hai tại quận Tân Phú (TP.HCM). Sau đó, lần lượt các xưởng may ở thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng ra đời với tổng số hơn 700 công nhân.

“Người Nhật cực kỳ khó tính. Vì vậy, may áo Kimono cho họ cũng phải hết sức tỉ mỉ, khéo léo, sạch đẹp, không để lại một vết dơ nào trên áo”, anh Trần Duy Hùng bật mí về một số chi tiết khi làm ăn với người Nhật, nhất là khi may quốc phục cho người dân Nhật Bản.

“Người công nhân nào bị ra mồ hôi tay là xin thua, không thể nhận vào làm công nhân may Kimono được. Bởi chỉ một vết dơ nhỏ trên áo thôi, người Nhật cũng lắc đầu, trả sản phẩm về”, anh Hùng nói. Chưa hết, theo anh Hùng, mọi công đoạn từ cắt, may cho đến đóng gói sản phẩm và xuất đi đều tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Rồi anh ví dụ một chuyện tưởng nhỏ: “Như cái kim may hay kim cúc nếu công nhân bỏ quên trong áo thôi, thì qua đó đối tác phạt rất nặng”.

“Ngoài ra, thời gian từ khi nhận hàng cho đến khi giao hàng chỉ gói gọn trong vòng tuần lễ. Do đó, chỉ vận chuyển qua lại bằng đường hàng không mới kịp giao hàng. Không đáp ứng được thì… chia tay”, anh Hùng nói vui về kinh nghiệm làm ăn, kinh doanh với người Nhật.

Hiện mỗi tháng, bốn cơ sở may Kimono của vợ chồng anh Hùng - chị Thủy xuất đi Nhật từ 5.100 - 5.200 áo Kimono đủ loại.

Ngoài ra, gia đình anh cũng có một xưởng chuyên may Yamato - là đồ phục vụ tang lễ cho người Nhật.

Là gia đình duy nhất ở Việt Nam may quốc phục cho người dân Nhật Bản, giải quyết việc làm cho hơn 700 công nhân với mức lương từ 3,5 - 15 triệu đồng/tháng, song vợ chồng anh Hùng - chị Thủy rất giản dị, hiền hòa. 

“Chúng tôi chỉ mong làm sao giữ được chữ tín với bạn hàng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho công nhân với mức thu nhập ổn định”, anh Trần Duy Hùng bộc bạch về mong ước đầu năm của mình.

Bài, ảnh: Hữu Trà

>> Hình ảnh bộ quốc phục Trương Thị May sẽ mặc tại Hoa hậu hoàn vũ 2013
>> Áo dài là một trong 5 quốc phục đẹp nhất Hoa hậu Hoàn vũ 2013
>> Không nước nào quy định quốc phục
>> Bầu chọn quốc phục, quốc hoa và quốc tửu 
>> Nhật Bản bình yên và hòa nhã: Bên trong tấm áo kimono

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.