(TNO) Trong cuộc tiếp xúc cử tri vào ngày 4.2, đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội đã lắng nghe về thực trạng và giải pháp khắc phục thể lực và tầm vóc của người Việt.
>> Nỗi lo an toàn ở sân vận động xấu nhất Việt Nam
>> Đề xuất xổ số thể thao và đặt cược bóng đá hợp pháp ở Việt Nam
>> 6.000 tỉ đồng để VĐV Việt Nam cao thêm… 4,8 cm
|
Theo các thống kê cho thấy, trong 14 năm qua (từ năm 2010 tới 2014) tầm vóc của người Việt phát triển chậm. Trong khi đó, thể lực của thanh niên nước ta đang sa sút. Đây là một thực trạng đáng lo ngại cho tương lai phát triển của đất nước.
So sánh với các nước trên thế giới, chiều cao thân thể của nam, nữ thanh niên tăng trưởng khoảng 1,5 cm trong 14 năm. Đây là mức tăng trưởng bình thường chứ chưa đạt mức tăng trưởng nhanh.
Ông Dương Nghiệp Chí, cố vấn cao cấp Viện Khoa học Thể dục thể thao Việt Nam đã chỉ ra các nguyên nhân khiến việc tăng trưởng chiều cao, thể lực của thế hệ trẻ Việt Nam chưa được như mong muốn là do thiếu sự đầu tư bài bản, quan tâm đúng mực của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
"Có thể nói, người Việt ta hiện nay đang “đói” vận động. Đói ăn chúng ta đã khắc phục được tương đối, nhưng đói vận động lại có chiều hướng gia tăng. Đây là vấn đề đáng lo ngại. Tôi đề nghị Chính phủ và Quốc hội phải nghiêm túc xem xét vấn đề này", ông Chí cho biết.
Nhiều cử tri khác khẳng định, song song việc đảm bảo dinh dưỡng trong các bữa ăn, để tầm vóc thanh niên Việt Nam theo kịp các nước, cần phải chú trọng phát triển công tác giáo dục thể chất trong các trường học cũng như phong trào thể dục thể thao trong toàn dân.
Về vấn đề dinh dưỡng, bà Lê Bạch Mai (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khẳng định rằng, chiều cao và tầm vóc hoàn toàn không chịu sự chi phối của vấn đề gen di truyền. Bà Lê Bạch Mai đề nghị, cần sớm thực hiện việc đảm bảo dinh dưỡng và khẩu phần canxi trong các bữa ăn vào các bậc học từ mầm non cho đến đại học. "Sự cải thiện dinh dưỡng là một trong những biện pháp tiên quyết thúc đẩy sự cải thiện về tầm vóc và thể lực, theo đó trí tuệ cũng được nâng cao", bà Mai phát biểu.
|
Đối với việc phát triển thể chất, thể lực, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục Đào tạo) cho rằng công tác giáo dục thể chất (GDTC) trong trường học có vị thế hết sức quan trọng. Ngành Giáo dục đã đưa môn GDTC vào giảng dạy tại các bậc học nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản cho các em học sinh, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Ngũ Duy Anh cũng khẳng định, nguồn lực đầu tư của quốc gia cho GDTC còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu để đảm bảo chất lượng cho công tác GDTC.
Một vấn đề hết sức bất cập hiện nay được các đại biểu, cử tri nêu ra là Đề án 641 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 nhưng cho tới nay vẫn chưa có kinh phí thực hiện khiến việc triển khai Đề án gặp nhiều khó khăn. Đây là đề án về tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, Ủy viên Ủy ban Khoa Học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, bà rất ngạc nhiên vì suốt gần 4 năm qua, đề án chưa được Bộ Tài chính đồng ý rót tiền và Quốc hội sẽ sớm chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề này.
Trước những thắc mắc, băn khoăn và góp ý của các cử tri tại hội nghị, Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Hoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng xin tiếp thu và cảm ơn những ý kiến rất thực tiễn trên, đồng thời rất mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp để việc thực hiện Đề án 641 được thành công.
Bài, ảnh: Đỗ Hải
Bình luận (0)