Việt Nam hiện có 11 ngày nghỉ lễ chính thức, thấp hơn các nước còn lại ở Đông Nam Á khoảng 5 – 6 ngày.
Muốn đi chơi xem túi tiền
Anh Nhật Vũ (28 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp), nhân viên công ty bất động sản cho biết dịp lễ này có 2 bữa nhậu cùng bạn bè, tốn khoảng hơn 1 triệu đồng. Với anh, đó là cách tận hưởng kỳ nghỉ lễ vừa túi tiền nhất mà vẫn vui, không cần phải đi chơi xa khỏi thành phố.
Lương cố định của anh Vũ khoảng 8 triệu đồng/tháng. Thu nhập tăng thêm phụ thuộc phần nhiều vào hoa hồng chốt các hợp đồng bán và cho thuê bất động sản, tuy nhiên khá bấp bênh.
"Mỗi năm tôi chỉ về quê 1 – 2 lần vào dịp tết hoặc khi gia đình có việc đột xuất. Quê tôi ở Quảng Trị, không có sân bay nên nếu về bằng máy bay thì phải ghé TP.Huế sau đó đi xe đò hơn 100 km nữa mới đến nhà, mất thời gian và tốn kém", anh Vũ chia sẻ.
Thăm dò ý kiến
Kỳ nghỉ lễ ở Việt Nam, bao nhiêu ngày là phù hợp?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Không đi du lịch trong những ngày nghỉ lễ là lời khẳng định của chị Nguyễn Thị Trinh Thùy (35 tuổi, ở Q.7). Chị Thùy cho rằng du lịch trong dịp nghỉ lễ thường là "cực hình", không còn là thư giãn, nghỉ ngơi một cách đúng nghĩa. "Nhiều điểm du lịch đông đúc, người người chen nhau, giá cả dịch vụ tăng chóng mặt, chưa kể mất thời gian di chuyển", chị bày tỏ.
Kế đến, là đi lại cũng chiếm nhiều thời gian. "Nếu tự đi xe cá nhân hoặc máy bay chúng tôi cũng mất gần 2 ngày di chuyển. Kỳ nghỉ lễ 2.9 còn lại 2 ngày nghỉ ngơi và vui chơi, như vậy thì quá ít. Đến ngày cuối trở về đường sá đông đúc, kẹt xe, về đến nhà quá trễ sẽ không đủ sức khỏe để làm việc trở lại", chị đúc kết.
Cuối cùng, điều cản trở việc đi chơi của gia đình chị Thùy dịp lễ đó là vấn đề kinh tế. Chị Thùy ước tính mỗi chuyến đi chơi dài hay ngắn ngày dành cho cả nhà 3 người thường mất từ 10 – 20 triệu đồng. Trong khi đó, mức lương của 2 vợ chồng cộng lại cũng không hơn một chuyến du lịch là mấy. Chưa kể những chi tiêu "lặt vặt" của mọi người có thể tăng theo.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung sáu tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,4 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,1 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, PV Thanh Niên khảo sát giá vé máy bay khứ hồi của 2 thành phố lớn là Hà Nội – TP.HCM dịp lễ 2.9 năm nay ở mức khá cao, khoảng hơn 5 triệu đồng. Điều này khiến những người xa quê như anh Vũ, thu nhập không cao như chị Thùy, dù muốn về thăm gia đình hay đi du lịch xa khó lòng thực hiện.
Từ những thống kê và khảo sát, có thể thấy chia sẻ của chị Thuỳ ở trên thời gian nghỉ lễ hiện nay chưa đủ để người dân lên kế hoạch vui chơi trọn vẹn, chất lượng. Với những người không có khả năng chi trả tiền vé máy bay, nếu lựa chọn phương tiện khác như tàu hoả, xe khách thì không đủ thời gian. Lễ đơn giản có thể là khoảng thời gian đủ để mọi người nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng.
Thu nhập ảnh hưởng đến chất lượng kỳ nghỉ
Với những người có "máu xê dịch", vì muốn tận dụng triệt để khoảng thời gian nghỉ lễ, họ chọn cách đi xe máy về quê, sắp xếp lịch vui chơi kín mít. Để tiết kiệm, nhiều người chọn cách đi chơi tự túc, đi bằng xe máy, lựa chọn các dịch vụ giá rẻ nhất.
Thăm dò ý kiến
Nghỉ lễ 4 ngày: Theo bạn nhiều hay ít?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Từ những điều kiện nói trên, ông Trần Anh Tuấn (Phó chủ tịch Hội giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM) lại nhìn nhận: "Trên thực tế, người Việt khó có thể tận hưởng một kỳ nghỉ lễ chất lượng đúng nghĩa vì thu nhập bình quân không cao".
Ông Tuấn cho rằng kỳ nghỉ ngắn hay dài thì Nhà nước đã có những tính toán để đưa ra quyết định chung. Tuy nhiên, thu nhập mới là điều cốt lõi ảnh hưởng trực tiếp đến cách lựa chọn hình thức vui chơi giải trí, cách tận hưởng kỳ nghỉ của người dân.
Nhiều người không có đủ tiền chi trả cho một chuyến đi chơi xa hay về quê nên chọn cách ở lại thành phố, gặp gỡ bạn bè tổ chức ăn uống… Trong những cuộc vui cũng khó tránh khỏi việc dùng rượu bia từ ngày này sang ngày khác khiến kỳ nghỉ không còn là dịp để tái tạo năng lượng mà vô tình khiến con người mất sức hơn.
Đó là trường hợp của anh Nhật Vũ là một điển hình mà ông Tuấn nhắc đến. "Vì nghĩ còn nghỉ lễ nên tôi uống thả ga. Hậu quả là ngủ li bì đến gần trưa hôm sau mới thức dậy, người uể oải nhưng chưa kịp hồi sức thì lại có ngay kèo nhậu mới vào buổi tối", trích lại lời của Vũ.
Do đó, ông Tuấn phân tích thêm: "Khác với các bạn trẻ đi du lịch kiểu tự chạy xe máy để trải nghiệm, khám phá. Những gia đình có con nhỏ muốn tiết kiệm, di chuyển về quê hay đi chơi bằng xe máy cùng khiến có cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng kỳ nghỉ".
Như anh Phạm Cường (35 tuổi), quê ở Vĩnh Long, có quê cách TP.HCM gần 150 km nên việc di chuyển bằng xe máy khá thuận tiện. Tuy nhiên, giống như mọi năm, đường về quê của anh Cường thường được dân mạng ví von là "bộ phim dài tập" vì tình trạng xe cộ đông đúc, kẹt kéo dài.
Anh thường tranh thủ chở vợ con về quê ngay trong buổi chiều trước ngày nghỉ lễ. "Có năm tôi chọn cách chạy xe từ rạng sáng, hoặc đêm khuya nhưng chắc cũng có nhiều nghĩ như mình nên đường về cũng khá gian nan", anh Cường nửa đùa nửa thật nói.
Với anh Cường, quê nhà và những món ăn bình dị, không khí trong lành khiến anh thấy thoải mái trong dịp lễ. Tuy nhiên, việc phải tranh thủ từng giờ chở con tham quan một số điểm du lịch trong tỉnh khiến anh hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, luôn cảm thấy thiếu ngủ.
"Ngày lễ, dù không phải bận tâm đến công việc nhưng tôi hầu như chạy xe máy liên tục nên 1 – 2 ngày sau lễ thường thấy hơi uể oải", anh Cường nói.
Trước thực tế này, TS kinh tế Lê Bá Chí Nhân đề xuất tăng thêm số ngày nghỉ trong các đợt đại lễ như Quốc khánh 2.9. "Cụ thể như năm nay, tôi nghĩ cần có thêm khoảng 2 ngày nữa thì người dân mới dễ dàng sắp xếp lên kế hoạch vui chơi, nghỉ ngơi trước khi quay lại làm việc".
Chuyên gia phân tích, với những người muốn đi du lịch hay về quê xa, cụ thể như TP.HCM đến các tỉnh phía bắc hoặc đi du lịch nước ngoài thì cần 2 ngày để di chuyển thoải mái. Như vậy, họ cần thêm khoảng 3 ngày để vui chơi và 1 ngày nghỉ ngơi lấy lại sức, trước khi đi làm lại thì mới gọi là có một kỳ nghỉ trọn vẹn đúng nghĩa.
Bình luận (0)