Với nhiều người Việt ở Israel, một năm qua họ từng trải qua những khoảnh khắc không thể nào quên bởi xung đột Hamas – Israel. Cầm tay con chạy trốn ra khỏi nhà, rời dải Gaza đi đến chỗ ở mới, chuẩn bị tinh thần vào hầm trú ẩn bất cứ lúc nào… là những gì người Việt trải qua trong năm có sự xung đột về chính trị.
Tất bật với công việc nhưng nhiều người vẫn dành thời gian chia sẻ với Thanh Niên chia sẻ cảm xúc khi nhìn lại một năm qua và dự định năm mới ở nơi xa.
Hạn chế tụ tập
Chị Kim Golbari (quê Đồng Nai) sống và làm việc ở TP.Tel Aviv, Israel 14 năm nay. Chị cho biết, những năm trước, cộng đồng người Việt thường tập trung ở trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Israel để đón tết. Tuy nhiên, năm nay các hoạt động đón tết vào tháng 3, khi giai đoạn bầu cử người đứng đầu các thành phố kết thúc. Thời điểm đó, tình hình an ninh sẽ an toàn hơn so với thời điểm đúng vào dịp Tết Nguyên đán.
"Dịp Tết Giáp Thìn chắc chỉ có bạn bè gặp nhau rồi tranh thủ đi thăm người lớn tuổi và không tổ chức các hoạt động lớn. Tình hình xung đột vẫn diễn ra nên mọi người chủ trương không tổ chức đón tết, ăn uống linh đình", chị chia sẻ.
Cũng theo chị Kim, không khí đón tết năm nay trầm buồn hơn so với các năm trước. Khi xung đột chưa xảy ra căng thẳng, mọi người có cơ hội gặp gỡ, tổ chức văn nghệ chào mừng năm mới. Vì tổ chức thời gian trễ, chị băn khoăn không khí tết sẽ trầm buồn, không rộn ràng.
"Tôi cũng không đi chơi hay đến thăm những người ở xa vì tình hình an ninh chưa an toàn tuyệt đối. Ai cũng có chủ trương không tụ tập đông người. Khu vực tôi sống tương đối an toàn nhưng cũng không dám tổ chức đón tết cho cả cộng đồng vì nếu có chuyện gì xảy ra không thể chịu trách nhiệm được", người phụ nữ bày tỏ.
Chồng chị Kim là người Do Thái. 14 năm qua, chị thường xuyên giới thiệu những phong tục tốt đẹp của người Việt trong ngày Tết Nguyên đán để anh biết rõ.
Nhớ lại khoảnh khắc bế con chạy đi lánh nạn, chị có chút đượm buồn. Chị không nghĩ sẽ có ngày xung đột diễn ra căng thẳng như vậy. Đã có lúc chị thấy lung lay về tình cảm giữa con người với con người nhưng bản thân cũng đã chiêm nghiệm ra gia đình được quây quần bên nhau là một niềm hạnh phúc to lớn. Tết Nguyên đán đến gần, chị ước mơ cho gia đình và người dân xung quanh được sống trong hòa bình.
"Tôi luôn vun vén hạnh phúc, cố gắng sống tốt từng ngày. Chứng kiến xung đột diễn ra căng thẳng, tôi nghĩ con người không cần sân si vì không biết cuộc sống sẽ diễn ra như thế nào. Mỗi lần nghĩ lại cảnh ôm con chạy xuống cầu thang, tôi không khỏi rùng mình vì không biết rocket có rơi trúng hai mẹ con hay không", chị xúc động.
Cố gắng nấu món ăn truyền thống
Anh Lê Văn Quốc (25 tuổi, quê Quảng Nam) sang Israel thực tập được gần 6 tháng, hiện đang ở vùng Arava. Những ngày cuối năm, chàng trai không khỏi chạnh lòng nghĩ đến cảnh sẽ đón tết xa nhà. Đến nay, tình hình xung đột đã không còn ảnh hưởng đến cuộc sống của anh, khu vực gần Dải Gaza vẫn còn bắn tên lửa nhưng không nhiều.
Khu vực anh sống đã bình yên, mọi hoạt động chuẩn bị đón tết diễn ra bình thường. Đoàn sinh viên ở khu vực miền nam có khoảng 80 người sẽ tổ chức đón tết tại một địa điểm, có đại diện trường và Đại sứ quán tham gia.
"Đoàn sinh viên ở miền bắc Israel có gần 100 người mới qua được khoảng một tháng. Mọi người đã chuẩn bị tâm lý trước khi bay nên nghe tiếng tên lửa bắn vẫn bình thường, không có gì lo lắng. Ngay đêm giao thừa Tết dương lịch, họ đón năm mới bằng việc nghe 10 quả tên lửa bắn", anh chia sẻ.
Những thực tập sinh như anh Quốc dự định sẽ làm bánh chưng, bánh tét và các món ăn truyền thống để đón tết. Hiện, quân đội cũng không còn canh gác trước cửa nhà, không còn lo lắng như những ngày đầu xảy ra xung đột.
Trước ngày 12.10.2023, chị Thùy Dung cùng một số ít người Việt khác ở TP.Sderot. Đây là khu vực gần Dải Gaza, nơi có rủi ro cao trong xung đột giữa Hamas và Israel. Sau đó không lâu, chị phải di chuyển xuống TP.Kiryat Malakhi để đảm bảo an toàn.
"Chúng tôi được biết vì tình hình chính trị chưa ổn định nên Tết Nguyên đán của người Việt ở Israel sẽ tổ chức vào tháng 3. Tuy nhiên, mọi người sẽ xin nghỉ vào ngày 30, mùng 1 tết để cùng nhau đón giao thừa", chị nói.
Cũng theo chị Dung, nhiều lúc chị không khỏi rùng mình khi nghĩ lại khoảng thời gian phải đi lánh nạn nhưng điều đó cũng giúp bản thân mạnh mẽ hơn khi ở đất khách quê người.
"Chúng tôi có mua được ít thịt heo do người Thái bán nên sẽ nấu các món truyền thống của Việt Nam dịp tết cổ truyền. Hy vọng sang năm mới bản thân và gia đình luôn mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc", cô gái bày tỏ.
Bình luận (0)