Người Việt trên đất Thái - Kỳ 7: Long đong làm “sợp”

24/07/2012 03:30 GMT+7

Ở Thái Lan, “sợp” là công việc được người Việt làm nhiều thứ 2 sau ngành may.

Màn đêm buông xuống, con đường Ratchadamri phía trước Công viên Lumpini trở nên nhộn nhịp vì nó dẫn đến khu ăn chơi Patpong nổi tiếng ở thủ đô Bangkok. Hải dựng vội chiếc xe đạp vào một góc của bãi đỗ ô tô trước công viên, lách qua cổng rào và đi thẳng vào quán ăn.

Đó là nơi làm việc của Hải. Gọi là quán nhưng kỳ thực đó là quán tạm bợ vỉa hè, giống như những quán ăn dọc đường thường thấy ở Việt Nam. Cứ đến tối, nhiều quán như thế mọc lên để phục vụ cho người làm việc về đêm.

Đóng hụi chết

Công việc của Hải là “sợp” (tiếng Thái có nghĩa phục vụ bàn), điều đó có nghĩa làm tất cả những gì chủ sai bảo từ bưng tô, rửa chén cho đến dọn dẹp hoặc chạy quán mỗi khi có cảnh sát. Hải chỉ mới bắt đầu công việc này hơn 2 tháng. “Không cần kỹ năng, chỉ cần chăm chỉ và một ít tiếng Thái là có thể làm được”, Hải tâm sự.

 

Thái Lan có nhu cầu về lao động mà Việt Nam có thể đáp ứng. Chúng tôi rất mong chính phủ hai nước sớm có những ký kết để doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam có cơ hội mở rộng sang thị trường Thái Lan.

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS)

Hải từng vào Sài Gòn làm công nhân 2 năm nhưng chả dành dụm được được gì. Thất vọng, Hải quay về quê làm ruộng, thế rồi bạn bè rủ qua Thái thấy cũng hay nên đi. “Bên này có vẻ làm ăn dễ hơn ở Việt Nam, hy vọng làm vài năm kiếm được một số vốn rồi trở về quê”, Hải bộc bạch. Một ngày Hải làm cho 2 quán nên cũng kiếm được khá khá, chỗ thì được 300 baht (200.000 đồng), chỗ thì 200 baht (140.000 đồng), cộng lại cũng được 500 baht. Tất nhiên, ngày nào ốm coi như thất thu.

Cách Công viên Lumpini vài chục cây số theo hướng ngược lại, ở khu Mieng Chai, một quán ăn khá lịch sự dành cho những người luống tuổi thích thưởng thức nhạc đồng quê của những năm 60-70. Loan, một cô gái trẻ quê miền Trung, làm việc ở đó và đang phục vụ những vị khách đồng hương. Loan cho biết cô làm việc ở đây mới được 2 tháng. Loan là sinh viên theo học ngành marketing ở một trường đại học tại tỉnh Udon, miền bắc Thái Lan. Được 1 năm Loan nghỉ học, bỏ vào Bangkok kiếm việc. Loan bảo không có tiền để tiếp tục việc học, hơn nữa bố mẹ ở quê không khuyến khích chuyện học của cô vì một thân một mình, không ai chăm sóc. Vào Bangkok, Loan sống cùng với anh chị, vừa có thể kiếm tiền vừa gần gũi với người thân. Anh chị của Loan cũng làm “sợp” như cô hơn 2 năm nay ở Bangkok. Loan cho biết cô đang tìm việc thêm để làm những mong nhanh có tiền quay lại trường.

Sợp là công việc được người Việt làm nhiều thứ 2 sau ngành may. Ngoài ra người Việt còn phụ bán hàng, rửa xe, giao hàng và bảo trì bảo dưỡng máy móc... Không như ngành may, khi làm sợp, người Việt phải tự trang trải các chi phí ăn ở, đi lại đặc biệt là đóng “hụi chết” hay “thuế thân” cho cảnh sát khu vực. Người Việt phần lớn làm việc bất hợp pháp vì không có giấy phép lao động hay đúng hơn là họ không được cơ quan chức năng Thái Lan cấp vì giữa Việt Nam và Thái Lan chưa có hiệp định liên quan đến lao động. Tùy theo loại công việc, khu vực làm việc thậm chí mối quan hệ của chủ mà lao động Việt Nam phải chi cho cảnh sát bao nhiêu. Ví dụ, ngành sợp có chỗ mỗi tháng đóng 200 baht nhưng cũng có chỗ thì 500 baht. Ngành may thì một giá chung nhất là 1.000 baht (700.000 đồng) bởi được xem là ngành kiếm tiền khá hơn cả.

Loan, cô gái Việt đang làm “sợp” ở Bangkok - Ảnh: Minh Quang
Loan, cô gái Việt đang làm “sợp” ở Bangkok - Ảnh: Minh Quang
 

Sợ cảnh sát “buồn”

Chị T., hằng ngày đẩy xe kem báo dạo quanh khu vực China Town. Chị vừa bán nhưng cũng vừa cảnh giác. Thấy chỗ nào cảnh sát để ý đến mình thì chị lẻn đi chỗ khác. Với chị đó là cách an toàn. Chị qua đây chẳng có giấy tờ gì cả. Chị bảo mỗi tháng kiếm không được bao nhiêu tiền nhưng phải đóng “thuế thân” đến 2.000 baht (1.400.000 đồng). Chúng tôi nghĩ mình nghe nhầm, hỏi lại, chị buồn rầu than: “Biết làm sao được nếu không thì họ sẽ bắt nhốt vào tù vì mình làm việc trái phép ở đây mà”.

Chị L., đang làm ngành may, cho biết trước đây xin được giấy phép lao động từ giới chức Thái Lan. Sở dĩ chị xin được là vì sử dụng tên của người khác mang quốc tịch Lào (người Lào, Campuchia và Myanmar dễ xin được giấy phép lao động ở Thái Lan hơn người Việt Nam). Nhưng từ sau khi phát hiện ra chị là người Việt, họ không gia hạn giấy phép lao động cho chị nữa. Rất may là chị không bị bắt vì sử dụng giấy tờ giả mạo.

Không phải cứ đóng “hụi chết” là những lao động bất hợp pháp như người Việt có thể yên tâm làm việc ở Thái Lan. Tài, 25 tuổi làm nhân viên giao hàng trong ngành điện máy ở Pattaya, cho biết khi nào vui, cảnh sát khu vực làm ngơ nhưng khi nào buồn thì họ bắt. Có lẽ chị Hà, một phụ nữ trên 50 tuổi, làm sợp ở một quán ăn ở Bangkok, hiểu được thế nào là cảnh sát “buồn”. Một lần cảnh sát kiểm tra giấy tờ chị không có, thế là họ nhốt chị vào tù. Theo quy định của Thái Lan, người nhập cư bất hợp pháp bị nhốt 48 ngày và phải nộp phạt 200 baht/ngày. Sau đó bị đuổi về nước. Dù bị bắt, bị phạt và bị đuổi về nước nhưng chị Hà vẫn tiếp tục quay lại Thái Lan làm việc. “Nếu không thế thì làm sao có tiền nuôi con trong khi ở quê không có gì để làm”, chị than vãn.

Thỏa thuận lao động

“Có nhiều người Việt sang Thái Lan làm việc không phép. Đó là bất lợi cho lao động Việt Nam vì giữa Việt Nam và Thái Lan chưa có hiệp định trong lĩnh vực này. Trong khi các nước có biên giới với Thái Lan như Campuchia, Lào và Myanmar được phép nhờ hiệp định biên giới ký kết giữa chính phủ các nước với Thái Lan. Một trong những mục tiêu hiện nay của Đại sứ quán Việt Nam chính là xúc tiến ký thỏa thuận về lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Thái Lan để tạo điều kiện cho lao động giữa hai nước qua lại dễ dàng. Đó là nhu cầu chính đáng của người lao động”.

Ông Ngô Đức Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan

Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)

>> Người Việt trên đất Thái - Kỳ 6: Khu “Bảy Hiền” ở Bangkok
>> Người Việt trên đất Thái - Kỳ 5: Thống lĩnh “nghề dynamo”
>> Người Việt trên đất Thái - Kỳ 4: Làng Việt ở Nakhon Phanom
>> Người Việt trên đất Thái - Kỳ 3: Phố chả Việt trên đất Ubon
>> Người Việt trên đất Thái - Kỳ 2: Thợ ảnh ở Wat Phra That Phanom
>> Người Việt trên đất Thái - Nem nướng Việt vào Hoàng cung Thái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.