Người Việt vẫn ‘cuồng’ bất động sản

Lê Quân
Lê Quân
12/01/2023 16:35 GMT+7

thị trường bất động sản (BĐS) đang trong giai đoạn khó khăn về vốn, pháp lý… nhưng phần lớn người dân vẫn sẵn sàng chi mạnh để sở hữu nhà, đất; người đang nắm giữ nhiều BĐS lại càng muốn mua thêm.

Người dân tin giá bất động sản sẽ tăng

Đơn vị nghiên cứu thị trường batdongsan.com.vn mới công bố Báo cáo tâm lý người tiêu dùng BĐS đầu năm 2023. Đây là báo cáo được công bố 2 lần/năm. Báo cáo xây dựng Chỉ số tâm lý thị trường BĐS dựa trên 6 yếu tố: mức độ hài lòng về thị trường, khả năng mua nhà, tình hình thị trường, lãi suất, chính sách của Chính phủ và giá BĐS trong tương lai.

Người dân vẫn đặt niềm tin vào thị trường bất động sản

lê quân

Theo đó, dịp đầu năm 2023, chỉ số tâm lý của người tiêu dùng giảm nhưng phần lớn vẫn tin rằng giá BĐS sẽ tăng. Cụ thể, Chỉ số tâm lý thị trường BĐS Việt Nam đầu năm 2023 là 36 điểm, giảm khá nhiều so với mức 47 và 40 điểm của nửa đầu và nửa cuối năm 2022. Trong đó, mức độ lạc quan của người mua/bán BĐS sụt giảm mạnh nhất đối với lãi suất vay mua BĐS (giảm 15 điểm).

Nếu như nửa năm trước, 41% người tham gia khảo sát cho rằng lãi suất ngân hàng đang ở mức hợp lý, thì hiện tại, chỉ còn 26% đồng tình với chính sách lãi suất, hầu hết đều đánh giá lãi suất đang ở mức cao hoặc quá cao.

Đầu năm 2023, chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người tiêu dùng BĐS về thị trường, về triển vọng tăng giá BĐS trong tương lai và khả năng mua nhà cũng giảm so với nửa cuối năm 2022.

Tuy chỉ số về triển vọng tăng giá BĐS trong tương lai không còn cao như đầu năm 2022, nhưng 80% người tham gia khảo sát vẫn nhận định giá địa ốc sẽ tăng trong 1 - 5 năm tới, với 40% dự báo mức tăng là 5 - 10% và 23% cho rằng giá nhà, đất sẽ tăng trên 10%.

Nhiều người Việt sẵn sàng chi từ 40 - 60% tổng thu nhập để trả góp vay mua nhà

Theo khảo sát của batdongsan.com.vn, ở những người có thu nhập hộ gia đình dưới 40 triệu/tháng, tỷ lệ sẵn sàng dành khoảng 40 - 60% tổng thu nhập cho khoản trả góp vay mua nhà là 46%.

Người Việt vẫn sẵn sàng chi phần lớn thu nhập vào việc mua nhà, đất

lê quân

Tỷ lệ này tăng lên với các đối tượng có thu nhập hộ gia đình cao hơn, cụ thể là 67% ở những người có thu nhập 40 - 70 triệu/tháng, 73% ở những người có thu nhập 70 -100 triệu/tháng và 74% với những người có thu nhập hàng tháng trên 100 triệu.

Theo batdongsan.com.vn, bất chấp những biến động trong năm qua, nhiều người vẫn mua nhà, đất, thậm chí là mua đến 3 hoặc 4 sản phẩm BĐS. Báo cáo Chỉ số tâm lý thị trường BĐS Việt Nam đầu năm 2023 cho thấy 70% người có thu nhập hộ gia đình 40 - 70 triệu/tháng đã mua ít nhất 1 BĐS trong năm 2022. Tỷ lệ này lên đến 75% và 86% đối với những người có thu nhập từ 70 - 100 triệu/tháng và trên 100 triệu/tháng.

Đáng chú ý, tâm lý của nhiều người đang nắm giữ nhiều BĐS lại càng muốn mua thêm nhà, đất trong thời gian tới. Lý do mua BĐS chủ yếu là để đầu tư.

Cũng theo báo cáo của batdongsan.com.vn, giá và vị trí là 2 yếu tố người tiêu dùng quan tâm hàng đầu khi đưa ra quyết định mua bán BĐS, sau đó mới đến diện tích, loại hình BĐS, an ninh, mức độ phát triển và quy hoạch tương lai của khu vực.

Đa số người mua sẽ lựa chọn BĐS quanh khu vực sinh sống, chỉ một bộ phận nhỏ có xu hướng “đánh bắt xa bờ”. Khẩu vị đầu tư của người ở các vùng miền khác nhau có sự khác biệt.

Cụ thể, có 16% người được khảo sát sống ở Hà Nội dự định mua BĐS ở TP.HCM, Đà Nẵng hoặc các tỉnh miền Trung; chỉ 7% người ở TP.HCM muốn mua BĐS thuộc các tỉnh ngoài miền Nam.

Trong khi đó, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Dự toán ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Trong đó, đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, bảo đảm ổn định hệ thống tài chính ngân hàng trong mọi tình huống.

Đối với thị trường vốn, nghị quyết cũng thể hiện quyết tâm cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản nhằm lành mạnh hóa, phát triển an toàn, bền vững các thị trường này được coi là yếu tố giúp tăng nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.