Thủ tướng: Phải lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản

Mai Hà
Mai Hà
17/12/2022 18:54 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần làm lành mạnh, bền vững các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, đi đúng bản chất, hài hoà lợi ích, rủi ro chia sẻ.

Phát biểu kết luận tại phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn kinh tế Việt Nam chiều 17.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp, nhà ngoại giao, quản lý đã nêu đều rất đúng, rất trúng, song “vấn đề là phải làm thế nào?”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế Việt Nam

gia hân

Không có giải pháp nào hoàn hảo

Thủ tướng đề nghị tất cả phải vào cuộc, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải đoàn kết thống nhất, cộng đồng chung tay quyết tâm làm, với tinh thần hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, chia sẻ những khó khăn, rủi ro.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá về thể chế chiến lược, hạ tầng kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực. Dù điều kiện còn rất nhiều khó khăn, song chúng ta đang có nền kinh tế phát triển đúng hướng. Đất nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, song hàng loạt các kết quả đạt được như GDP tăng, xuất nhập khẩu tăng là điểm sáng, phải phát huy.

“Vừa rồi tôi đi hội nghị có 36 nước tham gia, ai cũng nhắc đến Việt Nam. Mình chẳng tô hồng, cũng không bôi đen, số liệu đã có ở Tổng cục Thống kê, ai thắc mắc có thể xem”, Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thuận lợi, thời cơ, khó khăn thách thức đan xen. Vì thế luôn phải sẵn sàng nhận diện, ứng phó, đối xử phù hợp, hiệu quả. Cuộc sống không lúc nào không có khó khăn, đất nước cũng không thể có thuận lợi cả mà không có khó khăn.

“Ai nghĩ năm 2019 - 2021 có đại dịch như thế? Ai nghĩ được sau kiểm soát đại dịch lại đến cạnh tranh rủi ro, xung đột, lạm phát hậu Covid-19, khủng hoảng năng lượng, lương thực. Chúng ta luôn sẵn sàng đối phó với rủi ro, thách thức, chẳng có gì phải run sợ. Tất nhiên không có giải pháp nào hoàn hảo, phải tìm giải pháp tốt nhất trong các giải pháp, ưu tiên cho nó”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh và Phó thủ tướng Lê Minh Khái tham dự diễn đàn

gia hân

Phải lành mạnh hoá chứng khoán, trái phiếu, bất động sản

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, khó khăn sau đại dịch là chúng ta chưa hồi phục được, lại có tác động từ bên ngoài, bên trong. Trong đó, nổi lên mấy việc: một là chứng khoán lên xuống, phục hồi nhưng chưa bền vững; trái phiếu doanh nghiệp rủi ro, thanh khoản, cung ứng tiền có vấn đề; thị trường bất động sản ách tắc; thị trường lao động hụt hẫng cục bộ; xăng dầu, thuốc...

Thủ tướng cũng chỉ rõ nguyên nhân do quản lý yếu kém, thanh kiểm tra chưa đến nơi đến chốn. Thủ tướng ví von như “lúc bệnh còn nhỏ thì sợ không dám xử lý, dần lan truyền ra thành ung thư thì mới xử lý sẽ mất nhiều thời gian, nguồn lực hơn. Nhưng không xử lý không được”.

Thủ tướng khẳng định, việc xử lý sẽ làm lành mạnh, bền vững các thị trường, đi đúng bản chất, phải hài hoà lợi ích, rủi ro chia sẻ. Khi đã xử lý thì không có phương án nào tối ưu, phải chọn phương án tốt nhất.

“Ví dụ như thị trường chứng khoán, doanh nghiệp thổi phồng giá lên, phải xử lý để thị trường lành mạnh, đúng bản chất. Trái phiếu cũng thế, trước đây phát hành không có tài sản đảm bảo, lãi suất càng cao thì càng rủi ro nhưng không hướng dẫn cụ thể cho khách hàng. Phải xử lý chứ, không thì đến đâu? Ngân hàng yếu kém, sở hữu chéo xử lý rồi nhưng còn non tay, phải xử lý tiếp”, Thủ tướng nêu.

Với bất động sản tập trung vào phân khúc cho người giàu, nhưng tại sao các phân khúc khác cho người nghèo không để ý đến. Theo Thủ tướng, “bị bệnh rồi thì phải chữa, phải bốc thuốc, mất thời gian, công sức vì ngấm thuốc rồi mới hồi phục được”. Xử lý này phải đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các đối tượng có liên quan. Khi đã ung thư rồi thì phải cắt đi, phải chịu đau, mất mát tiền bạc.

Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, các tổ chức quốc tế với Việt Nam thời gian qua

gia hân

Nhắc lại ví dụ xăng dầu cũng dự báo không hết được tình hình, khi tình hình không bình thường không ứng xử kịp thời. Theo Thủ tướng, các bộ, ngành phải phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời và hiệu quả hơn. Về phía các doanh nghiệp phải cơ cấu lại, ví dụ như bất động sản phải cơ cấu lại phân khúc của thị trường, cơ cấu lại giá, sản phẩm.

“Khó khăn sao cứ kêu nhà nước. Nhà nước điều chỉnh chính sách, nhưng lúc khó khăn ngân hàng phải hạ lãi suất, tại sao không chia sẻ ngay, sao cá lớn ăn hiếp cá bé, xây dựng thị trường chéo, ngân hàng lại mang tiền gửi của dân đi đầu tư bất động sản... Quản lý nhà nước không tốt nên để kéo dài thời gian qua. Trái phiếu lãi cao 15 - 20%, nhưng giờ khó khăn thì phải giãn ra, cơ cấu lại, ngồi lại với nhau”, Thủ tướng nêu.

Vừa rồi Chính phủ đã lập 3 tổ công tác để ngồi lại với nhau, thị trường phải tôn trọng quy luật cạnh tranh cung cầu, nhưng nhà nước cũng cần can thiệp bằng công cụ điều tiết, doanh nghiệp phải điều chỉnh. Người dân cũng phải chia sẻ, từ lãi cao thì giờ 5 - 10%, hoặc đang lãi cao thì giảm lãi hoặc chỉ cần thu hồi là được. Các vấn đề đang mắc mớ để phải có giải pháp, dù không thể tối ưu nhất.

Không quá bi quan

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng khẳng định tinh thần đối phó với khó khăn là luôn bình tĩnh, không quá bi quan. “Chúng ta còn 4 triệu tỉ đồng của doanh nghiệp nhà nước, đẩy ra được không? Các tổ chức tín dụng còn 1,2 triệu tỉ đồng, tìm cách đẩy ra, tất cả đều phải suy nghĩ, phải làm. Lúc có lợi nhuận thì không kêu, lúc không có lợi nhuận thì lại kêu nhà nước. Tất nhiên, nhà nước có lỗi vì không làm tốt quản lý, thanh kiểm tra, vì thế phải khắc phục, làm lành mạnh thị trường”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Nhắc đến năm 2023, Thủ tướng cho biết báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội và T.Ư đã nêu rõ tinh thần không bi quan nhưng không lạc quan, yêu cầu phải bản lĩnh, nghĩ phải chín, hành động phải quyết liệt, tư duy phải mạch lạc, xác định khó khăn nhiều hơn thuận lợi.

Theo Thủ tướng, chỉ riêng hôm qua ông đã ký ban hành 4 công điện gửi các bộ, ngành, địa phương, kêu gọi người dân và doanh nghiệp đồng lòng ủng hộ về các vấn đề ngân hàng, trái phiếu, bất động sản và thị trường việc làm. “Các bộ ngành còn ì ạch quá, phải đôn đốc”, Thủ tướng nói.

Nêu các giải pháp, Thủ tướng yêu cầu chính sách tiền tệ phải chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, trong điều kiện lạm phát đang kiểm soát được, phải tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát để có ưu tiên. Nước ta là nước đang phát triển, nền phải lựa chọn thiên về tăng trưởng, hy sinh lạm phát một ít. Ngoài ra, phải cân bằng, điều hoà giữa tỷ giá và lãi suất; các ngân hàng cần chú trọng lãi suất, thanh khoản, tỷ giá, hạn mức tín dụng.

Chính sách tài khoá mở rộng, tập trung có trọng tâm, trọng điểm; thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, có chính sách dãn về thuế, phí, lệ phí. Chi phải tiết kiệm tối đa, bảo đảm thu ngân sách T.Ư là chủ đạo...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.