Kinh tế Việt Nam sẽ thế nào trong năm 2023?

Lê Quân
Lê Quân
17/12/2022 16:38 GMT+7

Chuyên gia kinh tế vĩ mô dự báo, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với áp lực lãi suất , tỷ giá tăng; thu ngân sách sẽ khó khăn hơn do doanh nghiệp còn nhiều rào cản...

Ngày 17.12, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Chính phủ tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức.

TS Cấn Văn Lực chỉ ra nhiều khó khăn nền kinh tế thế giới và trong nước phải đối mặt trong năm 2023

Đậu Tiến đạt

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề: Lành mạnh hoá thị trường tài chính thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng năm 2022, kinh tế thế giới hồi phục tốt trong 2 tháng đầu năm, khi dịch bệnh được kiểm soát và hầu hết các nước dần mở cửa nền kinh tế.

Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đã đánh mất cơ hội phục hồi khi khủng hoảng nổ ra tại Ukraine từ cuối tháng 2 đến nay và dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng mạnh tại hầu hết các nước, buộc ngân hàng T.Ư các nước liên tục tăng lãi suất nhanh và mạnh; mặt bằng lãi suất, tỷ giá tăng nhanh; giảm mạnh sức cầu thương mại, đầu tư, tiêu dùng, tăng rủi ro tài chính, rủi ro nợ tại nhiều quốc gia, nguy cơ suy thoái hiện hữu.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm mạnh từ 6% năm 2021 xuống khoảng 3% năm 2022 và 2,2 - 2,7% năm 2023; nhiều nền kinh tế như Mỹ, châu Âu phải đối mặt với rủi ro suy thoái trong năm 2023.

Theo TS Lực, năm 2023, có 6 rủi ro, thách thức chính mà kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phải đối mặt. Thứ nhất, dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác diễn biến phức tạp, khó lường.

Thứ 2, rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn còn hiện hữu. Thứ 3, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng chậm.

Thứ 4, lạm phát còn ở mức cao, áp lực lãi suất, tỷ giá tăng còn diễn ra (ít nhất là hết quý 2/2023), khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái ngắn hạn ở một số quốc gia.

Thứ 5, thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu bất thường ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.

Thứ 6, rủi ro tài chính (nợ công, nợ doanh nghiệp và hộ gia đình, thanh khoản thị trường tài chính...) ở mức cao khi lãi suất còn cao và tỷ giá chưa giảm nhiều.

6 khó khăn, thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2023

TS Lực cũng nêu ra, kinh tế vĩ mô trong nước năm 2022 đạt được 8 kết quả tích cực. Thứ nhất, dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi để hồi phục mọi hoạt động kinh tế - xã hội từ tháng 3.

Thứ 2, kinh tế phục hồi mạnh mẽ với sản xuất công nghiệp dự báo cả năm tăng khoảng 10% so với năm trước.

Thứ 3, tiêu dùng phục hồi nhanh với doanh thu bán lẻ tăng khoảng 15 - 16%.

Thứ 4, xuất, nhập khẩu tăng trưởng tích cực, trong đó, xuất khẩu năm 2022 ước đạt 380 - 384 tỉ USD, tăng khoảng 14%, cán cân thương mại thặng dư (khoảng 10 tỉ USD), góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác.

Thứ 5, giải ngân FDI tiếp tục khả quan, ước đạt 21 - 22 tỉ USD, tăng 13% so với năm trước.

Thứ 6, thu - chi ngân sách đạt kết quả tích cực nhờ kinh tế phục hồi; trong đó ước thu ngân sách cả năm 2022 vượt 14% kế hoạch đề ra và tăng mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2021, giúp ngân sách nhà nước thặng dư (một phần do chi đầu tư phát triển còn ở mức thấp so với kế hoạch).

Thứ 7, lãi suất và tỷ giá tăng mạnh song vẫn trong tầm kiểm soát; dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 8 - 9% so với đầu năm (trong bối cảnh đồng USD tăng giá, đã tăng khoảng 12% so với đầu năm).

Thứ 8, hoạt động doanh nghiệp phục hồi mạnh, nhờ các hoạt động kinh tế - xã hội được mở rộng; dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi lãi suất, tỷ giá tăng, khả năng tiếp cận vốn khó khăn hơn và nhu cầu bên ngoài suy giảm. Tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%; lạm phát được kiểm soát tốt, với CPI bình quân dự báo tăng khoảng 3,3%.

Tuy nhiên, theo TS Lực, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với 6 khó khăn, thách thức chính. Thứ nhất, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi; một số khu vực, quốc gia, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái nhẹ, làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế.

Thứ 2, giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi 2022 - 2023 vẫn còn chậm.

Thứ 3, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất còn tăng và vẫn là thách thức lớn trong năm 2023.

Thứ 4, nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới.

Thứ 5, rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt.

Thứ 6, thị trường lao động xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và một số nước có thể rơi vào suy thoái cục bộ, ngắn hạn và so với mức nền cao của năm 2022, dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn đứng ở mức khá, khoảng 6 - 6,5% (kịch bản cơ sở).

Trong đó, xuất khẩu dự báo tăng khoảng 8 - 10%, đầu tư (trong và ngoài nước) tăng khoảng 8%, tiêu dùng cuối cùng tăng khoảng 9 - 10%.

Về lạm phát, dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4 - 4,5% (từ mức 3,3% năm 2022) do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022; và năm tới cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...).

Áp lực lãi suất, tỷ giá tăng vẫn còn lớn và đang là thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ mô; thu ngân sách cũng sẽ khó khăn hơn do doanh nghiệp còn nhiều rào cản, thách thức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.