Phó chủ tịch UBND TP.HCM: 'Muốn tiêu nhưng không có tiền'

Mai Hà
Mai Hà
17/12/2022 16:00 GMT+7

Lãnh đạo UBND TP.HCM chia sẻ, có 2 tình trạng, một là có tiền mà tiêu không được, hai là muốn tiêu nhưng không có tiền.

Thảo luận tại phiên chuyên đề về giải ngân đầu tư công trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam sáng nay 17.12, nhiều đại biểu tiếp tục nêu tình trạng "có tiền mà không tiêu được".

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan

sỹ đông

Có tiền mà không tiêu được

Tại diễn đàn, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chia sẻ rất thích câu: “Có tiền mà không biết tiêu, tiêu không được”. Theo ông, TP.HCM đúng là có tiền mà tiêu không được, thậm chí muốn tiêu nhưng không có tiền.

Theo ông Võ Văn Hoan, kế hoạch đầu tư công đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định, trong đó TP.HCM được dành khoảng 146.000 tỉ đồng. Song số này chỉ vừa đủ giải quyết các dự án, công trình của nhiệm kỳ trước đây, còn nhiệm kỳ này không dự án nào triển khai được nếu không có tiền.

TP.HCM đã dự báo trong 5 năm tới, thành phố có thể thu 119.000 tỉ đồng, nhưng trong kế hoạch đầu tư công lại không xác định. Như vậy, thành phố "có khả năng, có tiền nhưng muốn sử dụng nó trong tương lai thì chắc chắn phải xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội".

“Đây là điểm khó, có tiền mà không tiêu được. Nếu không xác định sớm, liệu chăng có hoàn thành các nhiệm vụ, nghị quyết Đại hội Đảng thành phố đặt ra hay không?”, ông Hoan nói.

Lãnh đạo TP.HCM cũng đề cập đến thực trạng “muốn tiêu nhưng không có tiền”. Xét về tầm nhìn, TP.HCM có rất nhiều dự án đầu tư quy mô lớn như nhà hát, bệnh viện, quảng trường, các tuyến metro... lên tới vài trăm nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, theo quy định, "room" trần nợ công của thành phố theo Nghị quyết 54 chỉ là 90% nguồn thu để lại, tức là khoảng 70.000 tỉ đồng. Với "room nhỏ này sẽ không thể có tầm nhìn", vì một dự án metro vốn 70.000 tỉ đồng là bình thường.

Vậy 6 tuyến metro là bao nhiêu, các đường trên cao là bao nhiêu, một loạt dự án đầu tư công khác?, ông Hoan nêu vấn đề và cho rằng, nếu "không nhìn xa mà cứ nhìn gần thế này thì thành phố ngày càng đi xuống, hạ tầng ngày càng xuống cấp và không thể đầu tư".

Mặt khác, đầu tư cho TP.HCM là từ ngân sách thành phố, không phải ngân sách T.Ư, tức chỉ cần cho cơ chế, chính sách.

"Đâu đó room nhỏ vì không làm ra tiền, nhưng TP.HCM là nơi bỏ ra một đồng rồi thu hút cả vài nghìn đồng, không chỉ cho thành phố mà cả nước. Đề nghị có cơ chế về room cho TP.HCM”, ông Hoan nêu.

Mặt khác, nhiều dự án đầu tư xã hội như văn hóa, thể thao lên tới vài nghìn tỉ đồng, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách không thể nhanh, kịp thời, thay vào đó có thể huy động nguồn lực tư nhân.

Toàn cảnh phiên thảo luận về giải ngân đầu tư công

M.H

Có nơi 6 tháng danh mục giải ngân bằng 0

Tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, năm 2023 rất thách thức về giải ngân đầu tư công do con số phải giải ngân rất lớn. Ngoài ra, tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giá cả rất khó dự báo, khó lường, lạm phát có thể vẫn ở mức cao.

Ông Phương cũng nêu một thực tế có 3 trạng thái giải ngân chậm: một là không thể giải ngân; hai là không dám giải ngân vì quá trình thực hiện phát sinh rất nhiều thứ phải điều chỉnh, luôn phải đặt câu hỏi đúng hay sai nên những người đặt bút ký giải ngân chần chừ. Thứ 3 là nhóm không muốn giải ngân, chủ yếu là các nhà thầu dồn giải ngân tập trung vào cuối năm.

Chia sẻ về quan điểm "có tiền không tiêu được", ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cho biết đây không chỉ là trăn trở trong phạm vi phiên thảo luận mà Thủ tướng cũng đã nhiều lần quán triệt.

Về phía Bộ Tài chính, cơ chế chính sách quản lý, thanh toán vốn đầu tư công đã được triển khai theo hướng tinh giản thủ tục tuyệt đối. Trước đây là kiểm toán trước thanh toán sau, đến nay ngược lại là thanh toán trước kiểm toán sau. Thủ tục nếu đủ hồ sơ đã giảm từ 4 ngày xuống còn 1 ngày. Việc thanh toán cũng được đưa lên cổng dịch vụ công, có thể ngồi tại cơ quan thanh toán thay vì hồ sơ giấy như trước đây.

Nói về việc chậm giải ngân, ông Đức cho rằng vướng mắc lớn nhất là ở khâu tổ chức thực hiện. Trước đây nói rằng bộ, ngành giao danh mục dự án làm ảnh hưởng đến địa phương. Nhưng hiện nay luật đã được sửa đổi theo hướng giao toàn quyền cho địa phương, bao gồm cả phân bổ và điều chỉnh kế hoạch.

“Vừa rồi Thủ tướng lập 6 đoàn công tác, chúng tôi đã đi thực tế một số địa phương, có những nơi 6 tháng trời vẫn có danh mục giải ngân bằng 0. Chứng tỏ là các anh có vấn đề”, ông Đức dẫn chứng.

Đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận vẫn có một số vướng mắc, điển hình là với các dự án quan trọng quốc gia hoặc liên vùng, tỷ lệ các dự án này là rất lớn. Các bộ đang tổng hợp, xử lý theo hướng trình nghị quyết để Quốc hội ban hành, trước khi tiến tới sửa đổi các luật có liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.