Tỷ lệ giải ngân đầu tư công bấp bênh

Mai Hà
Mai Hà
17/12/2022 10:48 GMT+7

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, tỷ lệ giải ngân đầu tư công qua các năm vẫn rất bấp bênh. Đây không phải là vấn đề mới mà đã bàn nhiều, nói nhiều nhưng chưa giải quyết được căn cơ.

Sáng nay 17.12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” do Chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư phối hợp tổ chức.

Hội thảo Ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức do Chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư phối hợp tổ chức

MT

Phát biểu khai mạc phiên thứ 3 với chủ đề giải ngân đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho rằng đầu tư công là kênh quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau Covid-19, tình hình thế giới có nhiều biến động.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng nhắc lại tình trạng giải ngân chậm, đầu tư công hiệu quả chưa cao được nói nhiều trong năm nay. Cụ thể, năm 2017, đầu tư công giải ngân đạt 73%, năm 2018 tụt xuống 66%, năm 2019 là 67%, năm 2020 cao nhất là 82%, tới năm 2021 còn 72%, 11 tháng năm 2022 mới đạt trên 58%.

“So cùng kỳ năm ngoái tỷ lệ giải ngân 11 tháng là 63,8% cho thấy việc này rất bấp bênh. Đây không phải vấn đề mới, mà đã bàn nhiều, nói nhiều nhưng chưa đc giải quyết căn cơ”, ông Hưng cho biết.

Về nguyên nhân, các bộ, ngành, địa phương đã có báo cáo Chính phủ, trong đó nêu 25 - 30 khó khăn, vướng mắc trong 3 nhóm lĩnh vực. Nhóm thứ nhất là thể chế, pháp luật chính sách thiếu đồng bộ, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng... Đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc khó khăn thông qua việc hoàn thiện các quy định liên quan.

Nhóm thứ 2 là tổ chức thực thi, cùng hệ thống pháp luật như nhau, nhưng có tỉnh rất tốt, có bộ, ngành, địa phương còn kém. Ví dụ, Thanh tra Chính phủ giải ngân 100%, Tiền Giang 82%... trong khi đó có 12 bộ và 1 địa phương thấp hơn 30%. Thể chế là cản trở lớn, nhưng tổ chức thực thi của các cơ quan cũng là một trở ngại, cần sự quyết tâm vào cuộc trong việc quyết liệt triển khai đầu tư công. Nhóm 3 là các yếu tố khách quan, đặc thù trong năm 2022.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, “kế hoạch đầu tư công năm 2022 thực hiện trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thay đổi nhanh, mạnh cùng những yếu tố mới xuất hiện, nằm ngoài dự báo”. Số vốn cần giải ngân khá lớn, tăng 26% (120.000 tỉ đồng) so với kế hoạch năm 2021, trong khi chịu nhiều tác động bên ngoài từ giá nguyên nhiên vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hoá quốc tế... tăng cao.

Ông Phương cũng cho biết, kết quả giải ngân 11 tháng đã đạt kết quả khá tích cực. Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách từ đầu năm đến 30.11 là 338.000 tỉ đồng, đạt 58,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây; song đây là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây.

Năm 2023 giải ngân 700.000 tỉ đồng

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỉ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỉ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỉ đồng so với kế hoạch 2021.

Đây cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, trong khi hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế đã tồn tại từ lâu, chưa xử lý được trong thời gian ngắn như giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực ban quản lý dự án, nhà thầu...

Từ góc độ bộ, ngành, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT, chia sẻ giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội chung.

“Tăng trưởng kinh tế cả nước nhiều năm qua gắn liền với tăng đầu tư công, tăng vốn 1% sẽ tăng GDP lên 0,06%, Chính phủ cũng đã xác định đây là một trong 5 mũi giáp công để phục hồi kinh tế giai đoạn này”, ông Sang nói.

Về phía Bộ GTVT, năm 2019 giải ngân được 26.500 tỉ đồng, đạt 88,2%, cả nước là 76,5%. Năm 2020, Bộ GTVT giải ngân hơn 35.000 tỉ đồng, đạt 97%; năm 2021 trên 40.000 tỉ đồng, trên 93,7%; với năm 2022, đến nay trên 40.000 tỉ đồng, đạt 74%, phấn đấu cả năm đạt trên 90%, tương ứng 53.000 tỉ đồng.

Dự báo rủi ro, thách thức sắp tới còn rất lớn, ông Sang cũng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT ưu tiên thực hiện giải ngân đầu tư công với mức độ cao nhất.

Cụ thể, năm 2023 giao 94.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước tới nay, cao gấp 2,2 lần năm 2021. Đây là nhiệm vụ khó khăn, nhất là triển khai các dự án còn vô cùng rủi ro như giá nhiên vật liệu tăng đột biến, giải phóng mặt bằng vẫn phức tạp, quá trình thực hiện có thể phát sinh ảnh hưởng đến triển khai dự án; năng lực các ban quản lý, nhà thầu khó đáp ứng yêu cầu khi khối lượng công việc lớn tập trung vào một thời điểm.

Từ kinh nghiệm thực tế, Bộ GTVT đề xuất tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thể chế, tăng cường kiểm tra giám sát, có kế hoạch theo dõi chi tiết hàng tuần, hàng tháng, quý...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.