Cứ 10 doanh nghiệp thành lập thì 7 doanh nghiêp rút lui khỏi thị trường

Lê Quân
Lê Quân
14/12/2022 19:46 GMT+7

Đây là số liệu đáng chú ý khi được TS Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), chia sẻ tại hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023 ".

123.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng

Ngày 14.12, hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023" do Báo Xây dựng tổ chức thu hút đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư… tham dự.

Phát biểu tại đây, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, cho rằng 2022 là năm kinh tế rất khó khăn. Trong 11 tháng năm nay, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 33% so với năm 2021. Điều này minh chứng cho việc trong khó khăn các doanh nghiệp trẻ vẫn có tinh thần khởi nghiệp cao.

TS Vũ Tiến Lộc thông tin tại hội thảo

ctv

Tuy nhiên, cũng trong 11 tháng này đã có 123.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. Đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, cứ 10 doanh nghiệp được thành lập thì 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Bản chất của hiện tượng này là sự tổn thất của thị trường. Đó là vấn đề tăng trưởng, vấn đề việc làm, vấn đề niềm tin trong nền kinh tế. Đây là điều đáng phải suy nghĩ”, ông Lộc nói.

Cũng theo ông Lộc, nếu nhìn sâu vào "bức tranh" doanh nghiệp sẽ thấy họ đang gặp rất nhiều khó khăn khi hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Năm 2020, 39,7% doanh nghiệp có lãi, 41% hòa vốn. Thế nhưng năm 2022, hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp không tăng vì doanh nghiệp đã suy kiệt sau 2 năm chống chọi Covid-19, giờ lại đương đầu với nhiều khó khăn từ suy thoái, xung đột trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…

6 tháng đầu năm 2023 chưa hết khó khăn

TS Lộc cho rằng, 6 tháng đầu năm 2023 nền kinh tế chưa hết khó khăn. Doanh nghiệp cần phải nâng cao nội lực để ứng phó với sự thay đổi.

PGS - TS Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho rằng doanh nghiệp cần phải tự tái cấu trúc để vượt qua khó khăn

CTV

Doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển tốt, cần phải đi theo hướng phát triển bền vững. Cụ thể, doanh nghiệp phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Chuyển đổi số chỉ là phương thức, cần có những chính sách, giải pháp để thúc đẩy điều này.

Một trong những yếu tố quan trọng nữa là các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý, không chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn cần môi trường an toàn. "Các doanh nghiệp cần đưa nội dung quản trị rủi ro vào những chiến lược kinh doanh", ông Lộc nói.

PGS - TS Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho rằng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng nên tái cấu trúc mạnh mẽ, đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, quản lý rủi ro tốt hơn.

Xét về tổng thể, có thể thấy "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh.

Chẳng hạn như các dự án liên quan đến bất động sản thì còn vướng mắc nhiều ở luật Đất đai, hay đầu tư công vẫn còn vướng ở quy trình, thủ tục… Do đó, giải quyết "nút thắt" thể chế cũng là yếu tố quan trọng, nếu tháo gỡ được sẽ tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.

Một số bất cập trên thị trường đất đai, tài chính, bất động sản, lao động, y tế đã được nhận diện và đang được tiếp cận, tháo gỡ... Với những lợi thế này, cơ hội để vượt "điểm nghẽn" trong năm tới là rất lớn.

Nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng kết quả phát triển kinh tế năm 2022 tương đối khả quan so với những khó khăn đã trải qua. Tuy nhiên, thời gian tới cũng đặt ra nhiều thách thức ở nội tại và bên ngoài, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng Nhà nước cần bám sát khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết vướng mắc giúp doanh nghiệp

ctv

Năm 2023 là năm phải thực thi các hành động mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời và đầy đủ các giải pháp đã đề ra. Nhà nước cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Một trong những vấn đề đó là cơ chế, thể chế; cần tập trung giải quyết các vấn đề căn cơ như đầu tư công.

Bên cạnh đó, giải quyết các vấn đề phát sinh mới, vướng mắc, tránh những giải pháp đột ngột, không dự báo trước được khiến cho các doanh nghiệp khó khăn trong việc thích ứng, chuyển hướng.

Đồng thời, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và quan tâm đặc biệt là sự minh bạch và công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn, không chỉ đơn thuần là giải quyết các thủ tục hành chính. Sự tham gia này không chỉ của mỗi Nhà nước mà có trách nhiệm của tất cả các chủ thể. Bản thân doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.