Người Việt vòng quanh siêu thánh địa kỳ lạ

04/06/2017 09:33 GMT+7

Đi kora hay còn gọi là đi nhiễu Phật là đi trọn vòng quanh một địa điểm linh thiêng nào đó để thể hiện lòng thành kính và niềm tin của người theo đạo Phật.

Nhưng có nhất thiết phải khổ sở và thậm chí đánh cược cả mạng sống của mình cho chuyện đi kora quanh ngọn Kailash ở Tây Tạng hay không? Kailash có gì mà mỗi năm, hàng vạn tín đồ từ khắp nơi trên thế giới phải đổ về đây để thực hiện tâm nguyện cả đời mình?
Để đến được Kailash hiện chỉ có cách đi bằng đường bộ theo hai ngả là từ Kathmandu thuộc Nepal hoặc từ Shigatse, thành phố lớn thứ hai ở Tây Tạng.

tin liên quan

Chàng trai Việt cưỡi xe máy đi khắp thế gian
Chạy chiếc Wave cà tàng gần 10 tuổi đời đi vòng quanh thế giới trong 600 ngày... Đó là kế hoạch 'điên rồ' của chàng trai 30 tuổi Trần Đặng Đăng Khoa. Hành trình của Khoa sẽ trải dài trong 600 ngày đi khoảng 45.000 km qua ít nhất 30 nước trên khắp các châu lục.
Cả hai hướng này đều “gặp nhau” ở Saga và đi con đường này thêm khoảng 500 km để tới Darchen, thị trấn nhỏ ngay gần chân núi, nơi mà các đoàn hành hương sẽ nghỉ đêm và chuẩn bị để xuất phát đi kora.
Đỉnh Kailash chụp trên đường đi kora
Ngồi xe xuyên Tây Tạng
Đoàn chúng tôi chọn lộ trình từ Shigatse qua. Sau 10 tiếng ngồi xe từ thủ phủ Lhasa (Tây Tạng) để đến được Shigatse, Penpa, một hướng dẫn viên địa phương, kéo tôi lại tấm bảng to màu nâu sẫm hệt như các bảng viết của các lớp tiểu học đặt ngay lối ra vào khách sạn mà trước đó tôi không hề để ý. Đó là tấm bản đồ chi tiết về các địa điểm và đường đi ở Tây Tạng. Hắn chỉ cung đường từ thủ phủ Lhasa tới Shigatse (đoạn mà chúng tôi vừa đi hôm nay), rồi tới Saga, Prayang, rồi mới tới Darchen, nằm gần sát rìa bên trái bản đồ. Cứ mỗi điểm như vậy, mặt tôi cứ như dài ra thêm theo tay hắn chỉ.
Tôi hỏi: “Mày có biết ở nước tao, từ TP.HCM tới Hà Nội là bao xa không?”. Không đợi hắn trả lời, tôi tiếp: “Ngang ngửa với đoạn mày vừa chỉ. Mày có biết nếu đi bằng tàu hỏa liên tục, ở nước tao người ta mất hơn 2 ngày để đi hết đoạn đường đó không? Không mấy ai đủ tiền đi du lịch nước ngoài lại phải ngồi xe buýt cho một đoạn đường dài như vậy thời buổi này...”. Hắn như trấn an tôi rằng tuy đoạn đường xa như vậy nhưng cảnh hai bên đường sẽ rất đẹp. Rằng xe sẽ dừng nhiều lần cho mọi người chụp hình, nghỉ ngơi, blah blah...
Dẫu hắn có nói gì đi nữa, cũng không thể phủ nhận rằng 2 ngày tiếp theo đó, sẽ là 2 ngày đường dài liên tục như hôm nay. Chúng tôi còn cách xa Darchen cả ngàn cây số, cỡ như từ Nha Trang phải ngồi xe buýt ra Hà Nội.
Đó là tôi không dám nghĩ tới những ngày sau quay về sẽ như thế nào, sẽ vẫn là 3 - 4 ngày dài liên tục hệt như vậy, bởi đây là con đường độc đạo duy nhất xuyên ngang Tây Tạng.
Hồ thiêng Masananova (hồ mặt trời) dưới chân núi Kailash Ảnh: Thành Cao
Kỳ lạ ở Darchen
Tới thị trấn Darchen đã 8 giờ 30 tối, mọi người không còn lạ gì với việc tới khách sạn trễ và ăn tối khuya, bởi đây đã là ngày thứ 3 liên tiếp di chuyển gần 500 km mỗi ngày, và đã bước qua ngày thứ 6 chúng tôi ở Tây Tạng. Nhưng sở dĩ tôi nhớ chính xác giờ khi đến đây đó là vì một sự cố khá lạ lùng xảy ra: đồng hồ trên điện thoại của tôi tự động lùi lại 2 giờ.
Ban đầu tôi không để ý và nghĩ rằng có lẽ điện thoại tự chỉnh giờ theo định vị quốc gia đến hoặc điện thoại bị vấn đề gì. Hà, cô gái trẻ làm trưởng đoàn hẹn mọi người 9 giờ tối xuống sảnh để tập trung ăn tối. Hơn 9 giờ, tôi nhìn quanh và thấy thiếu 2 người. Tôi chạy lên phòng gõ cửa để gọi 2 người này xuống đi ăn với đoàn và nhận được câu nói từ trong phòng vọng ra: “Nãy hẹn 9 giờ mới ăn kia mà. Giờ mới hơn 7 giờ, sao xuống gấp vậy?”.
Đó là lúc tôi giật mình nhận ra rằng không chỉ có điện thoại của tôi bị chỉnh giờ mà những người khác cũng bị như vậy. Chúng tôi đang ở Darchen, ngay dưới chân Kailash. Tôi đọc ở đâu đó rằng từ trường hay năng lượng của Kailash rất mạnh, mạnh đến mức có người phát điên hay mất trí nhớ mà phải bỏ xác vĩnh viễn lại đây. Phải chăng đây chính là nguyên nhân đã dẫn đến sự cố điện thoại hay các thiết bị chạy pin tự động chỉnh giờ hay do một tác động nào khác? Lùi lại 2 múi giờ, đó không phải là giờ của Nepal, Ấn Độ gần bên, cũng chả phải giờ VN.
Vòng kora khắc nghiệt
Ngày đầu tiên đi kora, mặc dù phải di chuyển nhiều nhất với lộ trình dài nhất trong 3 ngày là 20 km nhưng mọi việc diễn ra tương đối suôn sẻ. Các thành viên còn thỉnh thoảng đưa điện thoại lên chụp hình. Chỉ một vài thành viên bị mệt do tăng độ cao và trời đổ gió rét buốt. Nắng lên khiến tuyết bốc hơi nên độ ẩm ở đây khá cao. Khoảng 8 giờ tối, sau gần 10 tiếng đi bộ, đoàn cũng tới được Dirapuk, điểm nghỉ đêm đầu tiên. Đây là trạm dừng chân có điều kiện vật chất khá sơ sài được dựng lên sát bên một tu viện. Mọi người tranh thủ ăn uống rồi luồn mình vào túi ngủ nhưng đêm đó, cả đoàn gần như không ai ngủ được. Bên ngoài, tuyết rơi mỗi lúc một dày. Gió và gió.
4 giờ sáng hôm sau, mọi người bị đánh thức dậy để đi tiếp. Ngoài trời vẫn tối đen nhưng may mắn thay tuyết đã ngừng rơi. Penpa cảnh báo mọi người cần chuẩn bị mọi thứ thật kỹ và không để hở bất kỳ chỗ nào trên cơ thể vì ngoài trời đang rất lạnh, nhiệt độ xuống khoảng âm 15, 16 độ, bước ra khỏi trạm cần liên tục di chuyển để tránh cho cơ thể bị đông cứng lại. Những bước chân nặng nhọc và chậm rãi trong đêm. Người đi sau chỉ nhìn thấy bóng của người đang đi ngay trước mình. Những ánh đèn pin thi thoảng le lói trong đêm như một tín hiệu cho thấy đoàn vẫn còn đang di chuyển. Những ánh đèn pin xa nhất chỉ lờ mờ, chớp nhoáng như ánh sáng của một con đom đóm sắp tàn hơi. Một cảm giác yên ắng, thanh bình và hư vô khó tả.
Khi trời bắt đầu tờ mờ sáng, đủ để nhìn thấy mặt nhau, tôi thấy mình đã vượt qua được 2 ngọn đồi, hay đúng hơn là con dốc, nhưng đây không phải là thử thách lớn nhất. Điều khủng khiếp nhất đang ở ngay trước mắt: đèo tử thần Dolma-la với độ cao hơn 5.600 m!
Trời bắt đầu hừng lên những tia nắng đầu tiên và trở nên quang đãng hơn. Tôi ngước mặt nhìn lên và chỉ muốn ngã quỵ xuống. Tôi ước gì mình cứ nhìn xuống mà bước đi và chưa từng một lần nhìn lên để nhìn thấy cảnh này: trước mắt tôi, đoạn đường lên đến đỉnh đèo Dolma-la như mảnh lụa dài, trắng toát, dựng ngược lên. Tôi đang ở chân đèo còn đỉnh đèo thì cao và xa tít tắp, chọc thẳng vào mây.
Vậy mà cứ từng bước, từng bước đoàn người đã vượt qua được ngọn đèo. Lúc đã qua được phía bên này đèo
Dolma-la, điều đó cũng có nghĩa là chúng tôi đã vượt qua được thử thách lớn nhất ở vòng kora và chắc chắn rằng sẽ về được đến đích, tôi thấy nhiều người sụp xuống và khóc ngon lành như một đứa trẻ. Tôi không biết phải gọi tên những giọt nước mắt ấy là gì: là hạnh phúc khi đã chinh phục được thử thách; là hãnh diện khi chiến thắng được bản thân mình, là sự thanh tẩy sau đợt "chết đi sống lại"; hay chỉ đơn giản là sự "giác ngộ" ra rằng cuộc sống quý giá và mầu nhiệm như thế nào, để rồi chúng ta phải trân quý và sống có ý nghĩa hơn.
Về mặt địa lý, Kailash là một quả núi nằm trong dãy Himalaya, về mạn phía tây của Tây Tạng, sát với Ấn Độ và Nepal. Với chiều cao 6.714 m, Kailash thật “khiêm tốn” so với các ngọn núi khác trong dãy núi này mà cao nhất và nổi tiếng nhất đó là đỉnh Everest. Nói không ngoa, nếu đem “cắt ngọn” Everest vài trăm mét, hẳn Everest sẽ bị chìm nghỉm trong hàng vạn ngọn núi ở đây. Riêng Kailash thì không bởi đặc điểm hình thù và vị trí địa lý có một không hai của mình. Đỉnh Kailash khá đối xứng theo kiểu một kim tự tháp tự nhiên. Các nhà nghiên cứu nhận thấy các “mặt” của Kailash quay đều 4 hướng hệt như các kim tự tháp cổ đại còn tồn tại tới ngày nay ở Ai Cập vậy. Kim tự tháp ngày nay như bản sao của Kailash. Dưới chân núi, là hai trong năm hồ thiêng nhất trên đất Tây Tạng nằm cân xứng đến mức khó hiểu.
Kailash cũng được coi là một “siêu thánh địa” của cả bốn nền tôn giáo gồm Phật, Hindu, đạo Jains và đạo Bon (một bản giáo tồn tại ở Tây Tạng trước khi Phật giáo được truyền bá vào đây).
Bạch Vân Tuyết Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.