Ngày đầu tiên đến nhận việc tại nhà chị Quyên, nhìn thấy chồng chén bát bẩn trong bồn, người giúp việc người Tây Ban Nha nói thẳng: "Tôi không rửa bát đâu!". Chị Quyên chưng hửng, vội nhắn tin cho chồng: "Bà ấy bảo không rửa bát, giờ làm sao?".
Căn hộ vợ chồng chị tọa lạc trong một căn chung cư cũ giữa trung tâm Barcelona. Có diện tích khá nhỏ nên bếp được thiết kế rất gọn để tiết kiệm không gian, vì vậy không có máy rửa chén.
tin liên quan
Osin Việt với những 'tật xấu' khó bỏ khiến chủ nhà ngao ngán chào thuaĐầu tiên, lớn nhất và cũng là nỗi ám ảnh của đại đa số gia chủ là người giúp việc (osin) là không giữ chữ 'tín'. Nhiều lần họ đã ra đi mà không trở lại mặc cho chủ nhà mong ngóng.
Có lẽ vì lý do này mà người giúp việc người bản xứ đã thẳng thừng từ chối việc "nặng nhọc" đó, vì thông thường các căn hộ ở phương Tây đều có trang bị máy rửa chén giúp tiết kiệm thời gian và công sức.
Tuy nhiên, sau khi chồng chị Quyên gọi điện cho công ty môi giới để phàn nàn thì cô đồng ý rửa bát và giặt giũ. Về sau, khi đã làm quen tay và thân thiết hơn, bà lại làm việc rất có tâm khiến chị Quyên rất hài lòng.
Chị cho biết: "Bà ấy tuy hơi khó chịu lúc đầu nhưng bây giờ lại dọn nhà rất sạch và kỹ, cứ như là đang dọn cho nhà bà ấy vậy". Quả thật, khi tôi sang Barcelona và ở nhờ nhà chị Quyên vài hôm, đã có dịp gặp người giúp việc và tận mắt chứng kiến cách bà làm việc rất chuyên nghiệp.
|
Bà rửa và xếp gọn chén bát, xoong nồi, lau sạch bàn bếp, mở tủ bếp ra lau kỹ từng chai gia vị, dọn đồ trong tủ lạnh, hút bụi từng ngóc ngách trong nhà kể cả cạnh cửa sổ, thay chăn ga gối nệm và gấp thẳng thớm như trong khách sạn, dọn dẹp nhà tắm và giặt sấy quần áo , khăn...
Với mỗi giờ làm việc, bà được nhận lương 10 Euro, mỗi lần làm từ 2-3 giờ cho một hộ gia đình, có nhà thuê 1-2 lần mỗi tuần. Chị Quyên cho biết sau này khi đã quen biết và tin tưởng, chị chủ động gọi trực tiếp cho bà và trả tiền mặt sau khi làm xong, bà rất thích vì như vậy bà không phải qua công ty và không mất tiền phí giới thiệu.
Tuy nhiên chị cho biết trước đây cũng có những người giúp việc rất nguyên tắc, khi gọi trực tiếp thì họ lại từ chối và đề nghị hãy gọi qua công ty để sắp xếp.
Trong khi đó, gia đình chị Quỳnh Linh ở thành phố Wiesbaden (Đức) thì thuê giúp việc người Đức với giá 13 euro/ giờ thông qua một trang môi giới online. Chồng chị là người Đức nên rất nguyên tắc và muốn đi đường chính thống tức là trả tiền thông qua công ty chứ không muốn thuê ở ngoài rồi trả tiền mặt, dù có thể giá rẻ hơn.
tin liên quan
'Osin cao cấp' ở Sài Gòn - Kỳ 2: Cơn lốc Philippines tràn sang ồ ạtTrong cuốn “Quẳng gánh băng đồng ra thế giới” diễn giả Nguyễn Phi Vân viết: “Người Philippines xuất khẩu lao động phổ thông ra khắp thế giới”. Và giờ thì họ đang giúp việc nhà nhiều vô kể ở TP.HCM.
Bản thân chị Linh rất tôn trọng người giúp việc vì ở châu Âu không có quan niệm chủ - osin, giúp việc là một nghề như bao nghề khác, chị thường tranh thủ dọn dẹp nhà trước khi giúp việc đến nên quan hệ giữa chị và người giúp việc rất tốt.
Có lần tôi đến thăm chị Linh ở Wiesbaden và chúng tôi cùng đi mua sắm, đến khi về thì chị Linh phát hiện mình đã đánh rơi chùm chìa khóa nhà, chồng thì đang đi làm ở xa không về kịp, trời thì lạnh mà con trai của chị thì cần được ăn, thế là chị đành phải gọi cho người giúp việc vì bà giữ một chùm chìa khóa nhà.
20 phút sau, bà giúp việc người Đức lái xe đến và đưa chìa khóa. Chị Linh cho rằng nếu so với Việt Nam thì giúp việc ở Đức làm việc đúng giờ, dựa nhiều vào máy móc và quy củ hơn, chẳng hạn đồ đạc của chị để đâu là chị giúp việc lau dọn xong để nguyên chỗ cũ, không sai lột li.
Trong khi chị osin hồi ở Việt Nam thì lại cẩn thận và "sáng tạo" hơn, thỉnh thoảng lại sắp xếp lại đồ đạc cho chị sao cho ngăn nắp nhất.
Hay như có lần tôi đến London (Anh) và ở nhờ nhà bạn trong hai tuần. Bạn của tôi - Filip - làm việc trong ngành tài chính nên có thu nhập rất cao. Nhà của anh ấy nằm trong khu Marylebone đắt đỏ nhất nhì London, lại khá rộng với tổng cộng 3 tầng lầu, vậy nên phải cần đến 2 người giúp việc đến làm cùng lúc mỗi tuần một lần.
Đó là hai anh chàng người Trung Quốc còn khá trẻ, nói tiếng Anh tốt và nhất là phải có sức khỏe để làm hết những công việc trong nhà. Hai anh đến làm hết một buổi sáng, dọn sạch các phòng, giặt thảm, giặt mền gối, lau chùi vật dụng trong nhà, tưới cây... Mỗi giờ mỗi anh được nhận 20 bảng.
Một câu chuyện vui là lần đầu tiên gặp tôi, hai anh tỏ ra ngạc nhiên và hỏi có phải tôi là người giúp việc đến phụ trách phần nấu ăn không, vì hai anh cứ đinh ninh rằng người châu Á xuất hiện trong khu nhà giàu này thì hẳn phải là giúp việc!
Chuyện này làm tôi nhớ đến một chuyện tương tự cũng xảy ra với Royani - cô bạn người Indonesia của tôi. Royani lấy chồng người Bồ Đào Nha và định cư ở Dubai. Một lần, một người giao hàng đến và nói với Royani hãy vào gọi ... "ông chủ" của cô ra ký tên để nhận hàng, đơn giản vì anh ta cho rằng cô hẳn là một osin châu Á sang Dubai làm việc.
tin liên quan
'Osin cao cấp' ở Sài Gòn - Kỳ 1: Một ngày kín lịch, kiếm cả triệu đồngTrung bình mỗi ngày chị H. làm 6-8 căn, vì làm mỗi ngày nên chỉ kiểm tra chứ không phải dọn kỹ, 50 ngàn đồng/giờ nếu thuê lẻ, 2 triệu đồng nếu thuê nguyên tháng.
Còn khi ở Lisbon (Bồ Đào Nha), tôi có dịp được ở cùng nhà với chị Rosiane đến từ Barzil. Rosiane rời quê hương đến Bồ Đào Nha theo lời mời của một công ty giới thiệu việc làm với hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên khi đến nơi chị đã bị bóc lột sức lao động mà không nhận được số tiền như đã hứa, và cũng không có giấy tờ hợp pháp.
Vậy nên giờ đây chị ở nhờ trong một gia đình người bản xứ, hàng ngày giúp nấu ăn và dọn dẹp. Thời gian trống chị nhận làm giúp việc ở những hộ xung quanh. Chị kiếm được khoảng 8 euro/giờ. Chị bảo mình rất thích viết văn và đã viết xong cuốn tiểu thuyết về những ngày bươn chải của mình ở châu Âu.
Có giấy phép lao động
Ở phương Tây, lực lượng người giúp việc cũng được chia ra làm hai loại: người bản xứ và người nước ngoài. Ngược lại với Việt Nam, người giúp việc bản xứ lại được đề cao hơn vì họ nói được tiếng bản địa (tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan...), được đào tạo bài bản và quan trọng nhất là họ đạt độ tín nhiệm về lòng trung thực cao hơn.
Trong khi đó, người giúp việc nước ngoài chủ yếu đến từ các quốc gia Mỹ Latinh như Peru, Bolivia, Colombia, hoặc các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Philippines... Lực lượng này thường có giá rẻ hơn, nhiều người trong số họ là lao động chui.
Tuy nhiên hầu hết người giúp việc ở phương Tây đều làm việc cho một công ty môi giới, được kiểm tra rất kỹ về nhân thân và giấy phép lao động. Cũng có người không qua công ty thì tự quảng cáo dịch vụ của mình trên báo địa phương đăng kèm hình ảnh và nhận xét của khách hàng.
Ngoài ra, một nguồn khác để tìm người giúp việc là tham khảo ý kiến, kinh nghiệm và giới thiệu của bạn bè, người quen để đánh giá mức độ tin tưởng.
|
Bình luận (0)