Người xây những nhịp cầu kim cương

18/05/2022 09:00 GMT+7

Quan niệm xưa cho rằng việc làm đường, xây cầu sẽ tạo được nhiều công đức. Chắc cũng đúng bởi những việc làm đó thường đem lại lợi ích cho số đông, cho cả một cộng đồng. Và có lẽ những người xây cầu từ thiện thì phước báu còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Tôi biết một người như vậy qua những trang sách anh viết và được kết bạn facebook với anh nhờ một cơ duyên cũng liên quan đến văn chương. Anh là Võ Đắc Danh, nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch, đạo diễn phim tài liệu, tác giả của rất nhiều bài bút ký và phóng sự nổi tiếng một thời. Nếu ai đã từng đọc các tác phẩm của anh hẳn sẽ hiểu rõ hơn về một cuộc đời nhiều thăng trầm và một trái tim luôn đồng cảm với những nỗi khổ đau, bất hạnh ở đời, đặc biệt là với những người nông dân nghèo vùng đồng bằng sông nước Cửu Long.

Võ Đắc Danh bên cây cầu vừa hoàn thành

tác giả cung cấp

Khi có ý định viết về anh, tôi cảm thấy vô cùng áp lực. Ấy thế nhưng đáp lại lời đề nghị rào đón và dè dặt của tôi, anh chỉ buông một câu nhẹ nhõm: "Ok em! Cho địa chỉ mail rồi anh sẽ cung cấp một số thông tin". Bấy nhiêu cũng đủ khiến cho tôi tự trút đi gánh nặng tâm lý, chợt nhận ra con người anh thật thân thiện, giản dị và đáng mến biết chừng nào. Giúp đỡ một người xa lạ mà không chút màu mè, khách sáo trong khi anh có quyền lo lắng và hoài nghi một kẻ nghiệp dư như tôi có thể làm hỏng hình ảnh một "ông hoàng bút ký" như anh lắm chứ. Vậy mà anh đã rất tận tâm, như một người anh, giúp để em gái có thể hoàn thành tốt bài viết của mình, đơn giản vậy thôi.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2014, khi anh đến ấp Gành Hào, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau để thực hiện một bộ phim tài liệu. Anh thấy ở đây người ta vẫn tham gia giao thông trên những cây cầu khỉ. Người lớn đi trên cầu ấy thì còn được, trẻ nhỏ thì vô cùng nguy hiểm vì vậy các em phải đi bộ đường vòng rất xa mới đến được điểm trường. Người dân đề xuất mong muốn anh tìm giúp một nhà tài trợ để xây cầu. Anh thấy mình mắc nợ ân tình họ và lời hứa về cây cầu khiến lòng anh day dứt suốt mấy năm. Mãi đến cuối 2017, khi phát hành cuốn Người Sài Gòn bất đắc dĩ và thực hiện "Bán sách xây cầu" cùng sự giúp đỡ của một số bạn bè như anh Bùi Bình hay anh Nguyễn Minh Nhật (giám đốc Nhà xuất bản Trẻ lúc bấy giờ) thì cây cầu ấy mới được hoàn thành. Thậm chí kinh phí còn thừa, đủ để xây thêm hai cây cầu khác nữa.

Từ cây cầu đầu tiên cho đến nay đã có hàng trăm cây cầu ở những miền quê khác nhau được xây dựng bằng dự án "Xây cầu nông thôn". Hàng ngàn chiếc xe đạp đã được mua và trao tặng, rất nhiều trẻ em vì nghèo buộc phải nghỉ học được tiếp tục đến trường. Quỹ "Vượt lên số phận" được anh sáng lập ra để phục vụ cho những hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn như vậy.

Có nhiều người khuyên Võ Đắc Danh nên làm một cuốn kỷ yếu để lưu giữ hình ảnh và thông tin về những cây cầu anh đã từng xây. Anh định làm vậy nhưng rồi lại thôi vì nghĩ rằng: cái gì đã đem cho thì tốt nhất là quên đi, chỉ nên nhớ những gì mình được nhận để mà trân trọng và yêu thương những con người và việc làm tử tế ở quanh mình.

Khoảng giữa năm 2021, dịch covid-19 bùng phát khủng khiếp tại TP.HCM. Chẳng cần phải nói thì ai cũng rõ đã có rất nhiều đau thương và mất mát xảy ra. Nhưng có một nỗi đau khác, thầm lặng hơn, song song cùng dịch bệnh, đó là nỗi đau khổ của những người không có đủ cái ăn. Toàn thành phố giãn cách theo chỉ thị 16, nhiều người phải nghỉ việc ở yên trong nhà. Trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân mà nhu yếu phẩm khan hiếm, giá cả leo thang. Người có chút điều kiện thì không sao, người nghèo cầm cự vài ba ngày là đứt bữa. Có những người đã phải cầm cố cả điện thoại, không còn phương tiện, mù mịt thông tin nên phải nhờ người khác kêu cứu giùm.

Võ Đắc Danh khi đó đang ở Mỹ (vợ chồng anh sang thăm con rồi bị kẹt lại vì dịch bệnh) nhưng anh vẫn luôn theo dõi mọi diễn biến tại quê nhà. Vì trái múi giờ nên mỗi sáng thức dậy anh mở điện thoại là nhận được dồn dập biết bao tin nhắn kêu cứu qua messenger được gửi đến. Tiếp nhận thông tin rồi lại phải qua nhiều kênh để kiểm chứng cũng thật mệt mỏi và mất thời gian. Cuối cùng anh nghĩ: "trong tình cảnh này, nếu cứ nghi ngờ thì sẽ chẳng làm được việc gì, thậm chí lòng nghi ngờ sẽ dẫn đến vô tình mà mình giết chết bà con mình". Bằng sự từng trải và thấu hiểu, anh quyết định tin vào cách cảm kiểm chứng bằng trực giác của mình.

Anh cũng không đơn độc, có rất nhiều người khác cùng giúp sức, cả kiều bào ở Mỹ và các nhóm thiện nguyện ở Sài Gòn, cả người quen và cả người xa lạ. Anh nói anh chỉ là cây cầu và nguyện là cây cầu nối giữa hai bờ cho và nhận. Tôi cho rằng cây cầu ấy còn để nối dài niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời này.

Cây cầu mới và những em học sinh được tặng xe đạp

tgcc

Tôi đã ứa nước mắt vì cảm động trước những câu chuyện. Có cô gái Việt làm nghề nail ở bang Florida bên Mỹ, cuộc sống cũng không mấy sung túc nhưng sẵn sàng bán cả dây chuyền và gom góp được 1000 USD, cô nói: "bà con mình đói thì mình đeo trang sức để làm gì?". Hay có bé gái ở Thanh Hoá nhịn ăn sáng gom được 200 ngàn, chuyện nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Công Khả và một hòn đá bán đấu giá mua được 39 tấn gạo... Còn nhiều, nhiều nữa những tấm lòng được anh Danh ghi chép lại với thái độ rất trân trọng mà trong khuôn khổ bài viết này tôi không thể kể ra hết được.

Tôi cũng không hiểu trong lúc chuyện làm từ thiện đang gặp rất nhiều những thị phi mà lời kêu gọi đóng góp của anh vẫn được mọi người đặt niềm tin và có sức lan tỏa đến như vậy. Mỗi người một chút, thậm chí có người chuyển khoản cả trăm triệu đồng mà không cần được nêu tên tuổi. Và từ sự chung tay đó qua nhịp cầu nhân ái Võ Đắc Danh, đã có hàng trăm tấn gạo được chuyển đến tay bà con ở những xóm trọ của Sài Gòn. Dẫu mỗi người chỉ nhận được xíu xiu thì cũng đủ ấm lòng để vượt qua những ngày khốn khó.

Người ta trao gởi niềm tin cũng phải có cơ sở và bằng cả quá trình chứ không phải ngày một ngày hai hoặc bỗng dưng. Họ tin khi nhìn vào một nhân cách đẹp thể hiện trong từng trang viết thắm đượm tình người của anh. Và cụ thể hơn thể hiện trong những việc thiện mà anh đã làm từ nhiều năm trước đó. Xin được mượn một câu tôi đọc được mà không nhớ rõ tên người comment rằng: "Cả hai vợ chồng anh đều là những người có tấm lòng Bồ Tát".

Cho đi đôi khi cũng không phải chuyện dễ dàng bởi con người ta nếu chạm đến lòng tự tôn thường rất nhạy cảm và mong manh. Nếu cho không đúng cách hoặc thiếu sự chân thành rất dễ gây tổn thương. Làm cầu nối giữa người cho và người nhận cũng khó khăn không kém. Bởi không những chỉ mang niềm tin và trách nhiệm mà người khác trao gửi, đôi khi cây cầu ấy còn phải chấp nhận mang cả những thị phi oằn nặng trên mình.

Khi tôi viết những dòng này thì vợ chồng anh Danh cũng đã chấm dứt những ngày làm "Việt kẹt" và về tới quê nhà. Dự án "xây cầu nông thôn" sau một thời gian gián đoạn vì dịch bệnh sẽ và sắp được khởi động lại. Tôi cũng muốn dùng nhuận bút của bài viết này như góp một cây đinh nhỏ bé vào việc xây cầu. Và biết đâu chính nó lại tạo cơ duyên cho tôi có thể được gặp anh để trực tiếp nói lời cảm ơn.

Tuy anh vẫn cho rằng mình không phải là người làm từ thiện mà chỉ là một cây cầu nối. Nhưng trong mắt nhiều người cây cầu ấy giống như một cây cầu kim cương, vững chãi niềm tin và lấp lánh những tia sáng thiện lành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.