Không lãng phí tuổi 20
Tôi biết chị Thương qua dự án Thriive, một dự án hỗ trợ doanh nghiệp xã hội. Lần đầu gặp chị là một ấn tượng rất khó quên. Vào nhà chị, trong lúc chúng tôi vẫn loay hoay không thấy chị đâu thì bỗng nghe tiếng gọi “các bạn ơi, tôi đây”, tôi giật mình nhìn xuống đất và thực sự bất ngờ. Do chị bị bệnh xương thủy tinh nên không thể đứng được chứ chưa nói gì đến đi lại. Chị chỉ cao 80 cm, chị thường bảo chị “dài” chứ không phải cao.
Chị Thương sinh vào mùa thu năm 1983. Lúc mới sinh, trông chị rất bé và tội nghiệp nên bố mẹ đặt tên Thu Thương. Trò chuyện với chúng tôi, chưa lúc nào tôi thấy chị không cười, tốc độ nói còn nhanh hơn người xung quanh. Dường như ẩn chứa trong thân hình bé nhỏ ấy là một nguồn năng lượng vô hạn, tràn trề sức sống.
Chị Thương (nằm xe) đang làm việc cùng các học viên tại xưởng ở phố Lương Định Của: |
Nguyễn Văn Công |
Chị kể, mình sinh ra trong gia đình có 4 anh em. Bố mẹ sức khỏe bình thường, các anh em cũng vậy, chỉ có mỗi chị bị xương thủy tinh. Hồi nhỏ, chỉ cần va chạm nhẹ là chị bị gãy xương, rất đau đớn. Có lần gãy xương chị phải nằm yên cả tháng trời. Bố mẹ cho chị đi bệnh viện nhiều lần nhưng các bác sĩ đều bảo đây là bệnh bẩm sinh, không chữa được, nuôi được ngày nào hay ngày ấy…
Thấy mẹ chị đang dọn dẹp dưới bếp, tôi liền ra hỏi thăm. Bà tên là Việt. Khi tâm sự về tuổi thơ của chị, tôi nghĩ rằng bà sẽ rất buồn như nhiều hoàn cảnh khác. Nhưng thật bất ngờ, bà kể trong tinh thần rất vui vẻ, có lẽ mọi nỗi buồn giờ đã đi qua. Hiện tại, bà thấy chị Thương rất yêu đời, lạc quan.
Bước sang tuổi 20 - tuổi đẹp nhất của đời người, chị Thương không muốn lãng phí sự đẹp đẽ đó. Chị đã quyết tâm học nghề và nghề đầu tiên là đan đèn ngủ bằng nút áo. Tình cờ, một cô gái thấy chị Thương đan rất khéo đã ngỏ ý cung cấp nguyên liệu để chị Thương sản xuất và đem hàng đó bán tại cửa hàng đồ handmade của cô ấy. Sau đó, chị tiếp tục học nghề tại Trung tâm Vì ngày mai và bắt đầu làm lọ hoa, khăn... bằng len. Sau này, chị đã phát triển các sản phẩm bằng giấy cuộn, rất độc đáo.
Nhìn trên bốn bức tường phòng chị, tôi vô cùng ngạc nhiên bởi các bức tranh xoắn giấy tinh xảo được tạo ra bởi một nữ giám đốc xương thủy tinh. Cả cơ thể chị, chỉ có đôi bàn tay hoạt động được và lực rất yếu. Tôi còn bất ngờ hơn bởi chủ đề của các bức tranh: từ các loại hoa, chim muông, chân dung Phật, đến phong cảnh mọi miền Tổ quốc và nước ngoài... Dường như, đôi chân chị khó đi lại, chẳng biết chốn này chỗ kia nhưng tâm hồn chị có thể đi đến bất cứ nơi đâu và trao trọn tình cảm ở nơi đó, rồi truyền tải vào tác phẩm.
Sau 10 năm làm nghề, được chút vốn liếng, chị Thương quyết định mở trung tâm dạy nghề. Bởi sau nhiều năm làm việc, chị thấy các bạn khuyết tật rất mong muốn có được việc làm, tự nuôi sống bản thân. Họ không muốn sống dựa mãi vào các nguồn từ thiện. Vậy là, một ngày mùa xuân năm 2014, Trung tâm Dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật chính thức được thành lập ngay tại nhà chị. Thời gian đầu, trung tâm đã có 13 học viên đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Họ về đây như về chính mái ấm gia đình, nơi họ sẽ làm việc và có thu nhập như một người bình thường.
Một sản phẩm handmade của Thương Thương Handmade |
“Sản phẩm bán nhờ vào chất lượng, không phải hàng từ thiện”
Tiếng lành đồn xa. Học viên của trung tâm tăng lên nhanh chóng. Đa phần họ đều ở xa, vậy nên chị Thương đã nhờ mẹ bố trí ăn ở cho các bạn, mỗi tháng mỗi người chỉ phải đóng 300.000 đồng. Nhiều khoảng thời gian, hàng chưa bán được, đơn hàng mới chưa về nhưng chị vẫn cố duy trì việc làm, chỗ ăn ở cho các bạn.
Bà Việt - một người mẹ đã quá hiểu sự mất mát của người khuyết tật - sẵn lòng hằng ngày cùng các bạn lo cơm nước cho gần mấy chục người. Ở đó, vượt qua khuôn khổ của một trung tâm dạy nghề, mà trở thành tổ ấm của người khuyết tật.
Đây là trung tâm dạy nghề, không phải trung tâm từ thiện. Các bạn đến đây đều sẽ làm việc và sống bằng đồng lương của mình.
Chị Nguyễn Thị Thu Thương
Đến với trung tâm, trước tiên là đến với sự đồng cảm, yêu thương. Tuy nhiên, ngay sau đó, chị Thương đã “truyền” cho các bạn nội lực và tâm thế vươn lên, tự lao động bằng sức của mình mà không phải dựa vào sự thương hại. Chị nói thẳng với các học viên: “Đây là trung tâm dạy nghề, không phải trung tâm từ thiện. Các bạn đến đây đều sẽ làm việc và sống bằng đồng lương của mình”.
Chị cho biết, trung tâm nỗ lực làm ra sản phẩm có chất lượng và bán hàng dựa trên chất lượng. “Chúng tôi rất cảm ơn những tấm lòng thiện nguyện, ủng hộ nhưng chúng tôi muốn nhận được số tiền bằng chính công sức chúng tôi bỏ ra. Người bình thường một ngày làm ra 3 sản phẩm, người khuyết tật 3 ngày mới xong một sản phẩm. Tuy nhiên, chất lượng đều như nhau. Họ khuyết tật nhưng họ lao động và không bao giờ bỏ cuộc. Trên thực tế, rất nhiều công ty đã đặt hàng quà tết, quà kỷ niệm dài hạn; nếu thương hại thì họ chỉ mua một lần”, chị Thương chia sẻ.
Năm 2018, chị bị gãy xương khá nặng, nằm bệt 3 tháng liền. Nén cơn đau, chị dồn tâm huyết thành lập Công ty CP thương mại và sản xuất Thương Thương Handmade tại số nhà 13, ngõ 11, phố Lương Định Của, Hà Nội. Sản phẩm của chị đa dạng hơn, mới nhất là đôi bông tai giấy cuộn hình lá bồ đề. Sản phẩm mang đủ màu sắc của ngũ hành và được khách hàng rất ưa chuộng.
Từ đây, đơn hàng về tấp nập. Trang web bán hàng thuongthuong.net của chị được nhiều người biết đến. Thu nhập của các bạn khuyết tật dần được cải thiện, có bạn dư tiền gửi về nhà cho gia đình.
Dẫu khuyết tật nhưng chị Thương luôn nhận mình là người may mắn, bởi luôn có gia đình bên cạnh và những “ông Bụt” xuất hiện đúng lúc. Chị kể, lúc mình đang cần máy tính mà không có tiền mua thì được một bạn Việt kiều khuyết tật ở Úc gửi tặng. Lúc cần một trang web bán hàng thì có người nhận làm giúp, nên chị rất tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Vì vậy, mỗi sản phẩm bán được, chị đều trích ra 5% để tặng cho trẻ em khuyết tật ở các trung tâm nhân đạo tại Hà Nội.
Tính đến nay, đã có không ít bạn khuyết tật được chị đào tạo nghề và một số bạn đã về quê mở được tiệm nhỏ hoặc nhận việc về nhà làm. 12 bạn khuyết tật, chạy thận đang làm việc cùng chị là 12 số phận khác nhau. Điểm chung giữa họ là nghị lực vươn lên, khát khao lao động và ước mơ về một ngày mai tươi sáng hơn.
Hiện tại, chị đang sống và làm việc cùng vợ chồng em trai trên phố Lương Định Của. Mong muốn của chị không gì khác là tạo được công việc thường xuyên cho người khuyết tật. Hy vọng công việc của chị sẽ gặp nhiều thuận lợi và giúp nhiều người khuyết tật vươn lên, có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Bình luận (0)