Vua Lê Thánh Tông tìm di văn Nguyễn Trãi
"Than ôi! Sách vở các đời đã từng tản mát, sách mất đã khó sưu tầm, sách còn lại nhiều sai lẫn, đằng đẵng ngàn năm, biết theo vào đâu mà khảo xét? Nhưng sự học của nhà nho quý ở tìm rộng, cần phải tìm tòi ở giấy má còn lại, đừng đồ cho là không có sách vở để làm bằng. Tôi bèn xét tìm sử cũ, tham khảo các nhà, biên hết tên sách"… "Trong đó có nhiều thứ tên thì còn mà sách thì đã mất, cũng nêu đủ và chua rõ", Phan Huy Chú tỏ bày sự tiếc nuối với sách vở các đời mất mát trong Lịch triều hiến chương loại chí như thế.
Sau lần Chế Bồng Nga đánh Đại Việt cuối thời Trần khiến sách vở mất mát, là một đợt tìm lại sách vở trong nhân gian, thông tin từ Đại Việt thông sử. Dạo Minh thuộc, sách vở cổ kim nước ta phần lớn bị đưa về phương Bắc. Toàn thư cho hay sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, đuổi giặc Minh, lập lại nền thái bình cho nước nhà, vua Lê Thái Tổ lên ngôi đã "ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu nhập sách vở, mở mang trường học".
Việc này còn được thực hiện ở các đời vua Lê về sau. "Các bậc danh nho như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên cùng nhau sưu tầm các sách vở, giấy tờ, nhặt nhạnh từng tờ giấy còn sót lại; nhưng sau cuộc binh hỏa, mười phần còn được bốn năm phần". Trong thời trị vì gần 40 năm của mình, vua Lê Thánh Tông có lần hạ chiếu tìm tòi sử của tư nhân, thu thập những truyện ký cổ kim còn chứa trong nhân gian. Tiếp đó, vua còn "hạ chiếu cầu những sách còn sót lại đem chứa cất ở bí các. Trong dịp này, có người đem dâng những sách lạ, sách bí truyền, đều được khen thưởng nhiều. Do đó, những sách của đời trước cũng dần dần được đưa ra".
Nói đâu xa, trường hợp danh thần Nguyễn Trãi, sau vụ án oan liên quan cái chết của vua Lê Thái Tông, đến đời vua Lê Thánh Tông, "nhà vua hạ lệnh tìm di tập thơ và văn của Lê Trãi", Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi. Việc tìm lại ấy là bởi Nguyễn Trãi "tài trí, phép tắc, mưu mô, đạo đức, đều vượt hơn hết mọi người lúc bấy giờ". Đồng thời, ông có nhiều tác phẩm có giá trị như Quân trung từ mệnh, Dư địa chí, Ngọc đường di tập, Giao tự đại lễ, Thạch bàn đồ, Ức Trai tập... "Đến khi bị giết, di thảo của ông phần nhiều bị mất mát, chỉ còn sót lại được chút ít, nhà vua xem đến, đặc biệt ngợi khen, cho nên hạ lệnh sưu tầm", vẫn lời Cương mục.
Trịnh Hoài Đức dâng vua sách Gia Định thông chí
Thời nhà Mạc cũng thực hiện việc sưu tầm, biên chép những sách vở bị hư, mất, "dần dần những sách ấy cũng được thu thập biên chép lại". Thời Lê Trung hưng, chiến tranh, nội loạn khắp nơi, "những sách do các quan và nhân dân còn chứa cất được cũng phần ít còn giữ được". Nhưng không vì thế mà sự quan tâm đến sách xưa sách cũ bị sao lãng. Tỉ như đầu năm Nhâm Tý (1732) vua Lê xuống chiếu tìm sách còn sót lại, "ai có sách cổ, thơ văn của nước nhà cùng văn chương cử nghiệp, bất câu rách nát đều cho dâng lên, tùy ít, nhiều mà có báo đáp và ban thưởng", Đại Việt sử ký tục biên chép.
Đầu thời Nguyễn, sau khi nước nhà trải qua binh lửa chiến tranh kéo dài, việc thu thập sách vở của các đời thực quan trọng. Năm Tân Mùi (1811), vua Gia Long xuống chiếu về việc sưu tầm các truyện cổ, sách vở đời xưa. Ai dâng hiến sẽ được nêu gương và ban thưởng. Đại Nam thực lục ghi nhà nước nhận được nhiều sách vở các nơi dâng lên: Mạc Văn Diên dâng sách Hồng Đức luật lệ, Tri huyện Thủy Đường là Nhữ Công Quý dâng sách Hoàng Việt thống chí, Hoàng Quý Chi, Cao Văn Tình, Lê Doãn Khản dâng các sách quan chế và điều luật triều Lê trước. Những người dâng sách đều được thưởng tiền theo mức khác nhau. Cũng năm này, vua Gia Long ra chiếu cho các trấn Bắc Thành: "Ai mà thâu lục sự tích nhà Lê và Tây Sơn, thời đem sách dâng lên". Tuân theo lời chiếu này, nhiều người trữ sách cũ trong nhà đã đem sách ra dâng, Quốc triều chánh biên toát yếu ghi nhận.
Thời Minh Mạng, ông vua yêu sách vở, văn thơ này cũng ra chiếu cầu sách vào năm Canh Thìn (1829). Trịnh Hoài Đức dâng Gia Định thông chí; Cung Văn Hy dâng 7 quyển Khai quốc công nghiệp diễn chí; Nguyễn Đình Chính dâng 34 quyển Minh lương khải cáo lục; Võ Văn Biều dâng quyển Cố sự biên lục. Những người dâng sách được thưởng bạc, lụa tùy mức.
Đến năm Đinh Dậu (1837), Quốc sử di biên ghi nhận, vua Minh Mạng lại hạ chiếu cầu những sách hay, lạ: "Nước Việt ta từ Hồng Bàng về sau, con hiếu cháu hiền, nghĩa phu tiết phụ không lúc nào thiếu. Các chuyện điềm lành kỳ lạ của các thế gia như các loại long quy chim thú cho đến những chuyện tầm thường đều không thiếu. Hễ có chuyện lý thú, có thể mua vui thì không cứ ca dao ngạn ngữ, lời lẽ quê mùa, biên chép thành tập, nối nhau mà dâng lên". Những việc làm trên cho thấy sách vở dù cũ hay mới đều đáng được trân trọng, giữ gìn bởi giá trị trường tồn về nội dung nó chuyển tải. (còn tiếp)
Bình luận (0)