Nguồn gốc tên cây giọt băng trồng thành công ở An Giang và những chuyện bên lề

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
16/03/2023 15:26 GMT+7

Vài ngày nay, thông tin Trường Đại học An Giang trồng thành công cây giọt băng sau rất nhiều lần thất bại. Cây đã phát triển tốt trong điều kiện nhà lưới của trường là điều đáng mừng. Tuy nhiên ít ai biết về nguồn gốc tên gọi cây giọt băng và nhiều chuyện ly kỳ của nó tại các nước khác.

Cây giọt băng có tên khoa học là Mesembryanthemum crystallinum L., một loài thực vật mọng nước có nguồn gốc từ châu Phi, bán đảo Sinai và Nam Âu, về sau được trồng ở nhiều nơi khác trên thế giới. Trong tiếng Anh, cây này được gọi là Ice plant hoặc Crystalline ice plant; người Trung Quốc gọi là Băng diệp Nhật Trung Hoa (冰叶日中花), Băng hoa (冰花) và Thủy tinh băng thái (水晶冰菜)…

Nguồn gốc tên cây giọt băng trồng thành công ở An Giang và những chuyện bên lề - Ảnh 1.

Cây giọt băng có tên khoa học là Mesembryanthemum crystallinum L., một loài thực vật mọng nước có nguồn gốc từ châu Phi, bán đảo Sinai và Nam Âu

mdpi.com

Nguồn gốc tên cây giọt băng trồng thành công ở An Giang và những chuyện bên lề - Ảnh 2.

Cây giọt băng hay cây băng (M. crystallinum) ở Nhật Bản

Wikipedia

Sở dĩ người ta đặt tên chúng như thế là vì bên ngoài cây bao phủ các tế bào bàng quang hoặc túi nước lớn, sáng lấp lánh giống như băng tuyết, nước đá hoặc các tinh thể nước đá.

Tên khoa học của cây giọt băng có 2 phần: Mesembryanthemum là tên chi (genus), có nghĩa là "hoa có nhụy hoa ở trung tâm", Crystallinum là "tinh thể" hoặc "pha lê".

Cây giọt băng có thân bò, dài 20 - 60 cm; lá dài 2–10 cm. Loài cây này ra hoa từ tháng 3 đến tháng 10. Hoa có nhiều cánh, rộng 2,5 cm, nở vào buổi sáng và khép lại vào ban đêm, việc thụ phấn nhờ côn trùng. Lá và thân non có thể ăn được, tương tự rau bina.

Ở Pháp, người ta gọi nó là Ficoïde glaciale, sử dụng như một thành phần trong ẩm thực Pháp. Ở châu Phi, cây này được dùng như một loại thuốc dân gian và xà phòng. Vì nó có vị nhẹ và mùi thơm nên nó thích hợp với các món như salad, tempura và các món xào. Ở miền Nam châu Phi, người ta thu lá và thân của cây này từ tự nhiên rồi ngâm chua.

Cây có thể sống một, hai năm hoặc hơn nữa, song vòng đời của nó cũng có thể kết thúc trong vòng vài tháng, tùy thuộc vào điều kiện môi trường.

Nguồn gốc tên cây giọt băng trồng thành công ở An Giang và những chuyện bên lề - Ảnh 3.

Cây giọt băng có hoa màu trắng,hồng hoặc màu hoa cà, đường kính lên tới 5 cm, hoa nở từ mùa xuân đến đầu mùa hè

worldofsucculents.com

Cây giọt băng ở Nhật Bản có gì khác lạ?

Sau khi khoa Nông nghiệp của Đại học Saga thành công trong việc trồng thủy canh cây giọt băng với số lượng, bán ra thị trường vào năm 2009 thì loại cây này trở thành một loại rau phổ biến, bày bán trong các siêu thị với những tên gọi khác nhau, tùy theo các trang trại đã trồng chúng và đặt tên, phổ biến nhất cây băng (アイスプラント), kế tiếp là lá muối (ソルトリーフ), barafu (バラフ), lá pha lê (クリスタルリーフ), sorutina (ソルティーナ) hay Shiona (シオーナ). Hạt của cây giọt băng cũng ăn được.

Nguồn gốc tên cây giọt băng trồng thành công ở An Giang và những chuyện bên lề - Ảnh 4.

Ở Nhật Bản, lá của cây băng được bán với giá 90 USD, được dùng như một loại rau gọi là Thủy tinh băng thái

888seasons.com

Ở Nhật Bản, lá của cây băng được bán với giá 90 USD/kg, được dùng như một loại rau gọi là Thủy tinh băng thái. Đây là loại cây mới ở Việt Nam, hứa hẹn nhiều tiềm năng về thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Nếu một ngày nào đó cây giọt băng Việt Nam xuất khẩu với số lượng lớn, thu về nhiều ngoại tệ thì sao? Hy vọng mơ ước sẽ thành hiện thực.

Từ 10 năm trước Đại học Saga (Nhật Bản) đã hợp tác, chuyển giao giống cây giọt băng cho Trường Đại học An Giang nghiên cứu, trồng thực nghiệm. Loại cây này đáng chú ý vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, thường được dùng làm thực phẩm và mỹ phẩm, thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.