Ai trục lợi đất vàng 419 Lê Hồng Phong?

Nguồn lực đất vàng 419 Lê Hồng Phong đang rơi vào tay tư nhân

29/03/2023 10:22 GMT+7

Việc xử lý vi phạm trong sử dụng khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10, TP.HCM) đã kéo dài từ năm 2017, gây ra nhiều bức xúc bởi nguồn lực đất vàng của nhà nước đang rơi vào tay tư nhân.


Liên quan vi phạm trong sử dụng khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong, suốt 7 năm qua, kể từ năm 2017 khi Thanh tra Sở TN-MT TP.HCM xử phạt Công ty CP giày Sài Gòn (đổi tên thành Công ty CP giáo dục G Sài Gòn, từ tháng 7.2020) đến nay, ở Q.10 đã trải qua 4 đời Chủ tịch UBND quận. Còn ở UBND TP.HCM trải qua tới 5 đời Phó chủ tịch phụ trách đô thị.

Thế nhưng, việc xử lý vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, mặc dù UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi đất từ tháng 5.2021. Căn cứ thu hồi đất dựa theo điểm d, khoản 1, điều 65 luật Đất đai (đất được nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn). Khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong, rộng gần 11.000 m2 được TP.HCM cho thuê đất có thời hạn, đã hết hạn thuê ngày 31.12.2020 và không được gia hạn.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM VÕ VĂN HOAN

Về nguyên tắc, đất công hết thời hạn thuê đất thì doanh nghiệp phải giao lại cho nhà nước để nhà nước sử dụng theo đúng quy hoạch

Dư luận bức xúc kéo dài về nghi vấn lợi ích nhóm thâu tóm, trục lợi đất vàng của nhà nước

Chiều 28.3, trao đổi với PV Thanh Niên, 1 lãnh đạo Thường trực Quận ủy Q.10 cho hay, thẩm quyền thu hồi đất thuộc về UBND TP.HCM.

"Nhân dân Q.10 mong chờ bao nhiêu năm trời rồi! Chỗ đó sẽ xây dựng trường THCS công lập. Mỗi lần tiếp xúc cử tri với Tổ đại biểu Quốc hội và Tổ đại biểu HĐND TP.HCM, thì cử tri phát biểu kiến nghị phải thực hiện thu hồi", vị lãnh đạo này chia sẻ.

Một vị lãnh đạo trong Thường trực UBND Q.10 cũng chia sẻ: "Đợt nào tiếp xúc cử tri cũng tiếp tục kiến nghị thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong để xây trường THCS công lập cho con em trên địa bàn quận".

Nguồn lực đất vàng 419 Lê Hồng Phong đang rơi vào tay tư nhân - Ảnh 1.

Từ năm 2016, chính quyền TP.HCM đã phát hiện trên khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong vi phạm xây dựng, thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ không theo quy hoạch

NGỌC DƯƠNG

Cần phải nói rõ, khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong với vị trí đắc địa, có giá trị hàng nghìn tỉ đồng, vốn là đất công, thuộc sở hữu nhà nước. Thời điểm UBND TP.HCM cho Công ty giày Sài Gòn vào thời điểm trước năm 2000 thuê để phục vụ sản xuất, thì công ty này cũng thuộc nhà nước.

Việc sử dụng đất vàng 419 Lê Hồng Phong chỉ biến tướng kể từ 2007 - sau thời điểm công ty này cổ phần hóa thành Công ty CP giày Sài Gòn. Các vi phạm về sử dụng đất, cho tư nhân thuê trái quy định pháp luật, hợp tác, biến tướng thành bến bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ không theo quy hoạch…, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận về nghi vấn lợi ích nhóm thâu tóm, trục lợi đất vàng của nhà nước.

Liên quan đến các vi phạm của bên được cho thuê đất vàng, 7 năm trước, Thường trực UBND TP.HCM từng có văn bản yêu cầu Công ty CP giày Sài Gòn phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm quy định pháp luật về sử dụng đất của Nhà nước.

Đáng nói là, bất chấp chỉ đạo của UBND TP.HCM vào thời điểm 2017, bất chấp quyết định của UBND TP.HCM về việc thu hồi lại đất công cho nhà nước vào năm 2021, đến nay khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong vẫn tiếp tục bị sử dụng sai mục đích. 

Nguồn lực đất vàng của nhà nước đang rơi vào tay tư nhân, những ai phải chịu trách nhiệm?

Nguồn lực đất vàng 419 Lê Hồng Phong đang rơi vào tay tư nhân - Ảnh 2.

Việc sản xuất trên đất vàng 419 Lê Hồng Phong đã "đứng bánh". Tháng 3.2017: Thanh tra Sở TN-MT TP.HCM phạt Công ty CP giày Sài Gòn 720 triệu đồng vì vi phạm điều cấm của luật Đất đai: "không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích" (khoản 3, điều 12)

NGỌC DƯƠNG

Đến bao giờ trường học mới được xây?

Thực tế, quỹ đất dành cho giáo dục trên địa bàn Q.10 còn thiếu so với quy định và quy hoạch được duyệt, đặc biệt là quỹ đất dành cho trường THCS còn thấp, không đáp ứng được nhu cầu học tập cho học sinh tiếp tục gia tăng.

Giải quyết tồn tại và bất cập đó, năm 2019, Thường trực UBND TP.HCM đã có chủ trương thu hồi khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong ngay sau khi hết thời hạn thuê đất (là ngày 31.12.2020) để bàn giao cho Q.10 xây trường học.

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng trường học, tháng 2.2020, UBND TP.HCM quyết định điều chỉnh cục bộ khu đất 419 Lê Hồng Phong từ đất công nghiệp sạch sang đất giáo dục để xây trường THCS công lập. 

Hơn 1 tháng sau, HĐND Q.10 thông qua danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có dự án xây dựng mới trường THCS tại khu đất này. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 316 tỉ đồng, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2023.

Khi trả lời PV Thanh Niên về việc Công ty CP giáo dục G Sài Gòn kiến nghị đầu tư trường học (trường tư) tại khu đất 419 Lê Hồng Phong, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan từng khẳng định dự án trường THCS mà Q.10 triển khai tại khu đất 419 Lê Hồng Phong là dự án đầu tư công, xây dựng trên đất công.

Theo ông Võ Văn Hoan, nếu doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục thì xây dựng trên khu đất do doanh nghiệp tự tạo lập. Còn về nguyên tắc, đất công hết thời hạn thuê đất thì doanh nghiệp phải giao lại cho nhà nước để nhà nước sử dụng theo đúng quy hoạch.

Đất vàng 419 Lê Hồng Phong với 3 mặt tiền là các tuyến đường Lê Hồng Phong, Vĩnh Viễn và Trần Nhân Tôn, P.2, Q.10, TP.HCM

Nguồn gốc: Đất công

Năm 2007: UBND TP.HCM tiếp tục cho Công ty CP giày Sài Gòn thuê, sau khi Công ty giày Sài Gòn cổ phần hóa

Năm 2015: Công ty CP giày Sài Gòn tự ý cho thuê lại mặt bằng

Năm 2016: Chính quyền phát hiện vi phạm xây dựng, thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ không theo quy hoạch

Tháng 3.2017: Thanh tra Sở TN-MT TP.HCM phạt Công ty CP giày Sài Gòn 720 triệu đồng vì vi phạm điều cấm của luật Đất đai: "không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích" (khoản 3, điều 12)

Tháng 4.2017: UBND Q.10 kiến nghị UBND TP.HCM chấm dứt cho doanh nghiệp thuê khu đất 419 Lê Hồng Phong, giao về cho Q.10 quản lý và sử dụng

Tháng 5.2019: Thường trực UBND TP.HCM có chủ trương thu hồi

Tháng 5.2021, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi, vì đã hết hạn thuê ngày 31.12.2020 và không được gia hạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.