Bộ TN-MT vừa có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 đối với Công ty CP giáo dục G Sài Gòn liên quan đến việc thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10, TP.HCM).
Khu "đất vàng" này bị sử dụng sai mục đích nhiều năm qua, người dân sinh sống xung quanh bức xúc, báo chí phản ánh nhiều lần nhưng đến nay chưa được thu hồi về để xây dựng trường học.
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết theo luật Đất đai 2013 và luật Khiếu nại 2011, quá trình giải quyết khiếu nại về thu hồi đất được thực hiện theo 2 bước.
Lần 1, khiếu nại lần đầu được giải quyết bởi cơ quan ban hành quyết định thu hồi đất, trong trường hợp này là UBND TP.HCM. Công ty CP giày Sài Gòn đã khiếu nại và UBND TP.HCM giữ nguyên quyết định thu hồi đất.
[FLYCAM] Đất vàng 419 Lê Hồng Phong trong diện cưỡng chế vẫn tấp nập giao hàng
Lần 2, Công ty CP giày Sài Gòn tiếp tục khiếu nại lần 2 lên Bộ TN-MT. Bộ TN-MT cũng giữ nguyên quyết định thu hồi đất của UBND TP.HCM.
Viện dẫn điều 33, luật Khiếu nại 2011, luật sư Thanh thông tin, sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 mà người khiếu nại không đồng ý, họ có quyền khởi kiện ra tòa án.
Liên quan đến quy định cưỡng chế, luật sư Thanh cho biết cơ quan nhà nước có thể tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất khi đủ các điều kiện sau:
- Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi được vận động, thuyết phục.
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành.
- Người bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định thì UBND cấp xã lập biên bản.
Trên thực tế, từ khi UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi đất (tháng 5.2021) đến nay, Công ty CP Giày Sài Gòn vẫn chiếm dụng khu đất 419 Lê Hồng Phong để cho thuê, hưởng tiền chênh lệch.
Về xử lý khoản tiền thu được từ việc chiếm dụng mặt bằng sau khi có quyết định thu hồi đất, luật sư Thanh cho rằng phải tuân theo quy định về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.
Cụ thể, căn cứ điều 41, luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và Nghị định 151/2017 của Chính phủ thì tài sản công sử dụng không đúng mục đích, không đúng thẩm quyền phải được thu hồi và toàn bộ số tiền thu được từ việc sử dụng không đúng mục đích này phải được nộp vào ngân sách nhà nước.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thực hiện kiểm tra, thanh tra để xác định số tiền doanh nghiệp đã thu được từ việc cho thuê mặt bằng trái phép. Toàn bộ số tiền này phải được thu hồi và nộp vào ngân sách nhà nước.
“Nếu có hành vi vi phạm nghiêm trọng, cơ quan chức năng có thể xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm”, luật sư Thanh nói thêm.
Bình luận (0)