Trả lời Thanh Niên ngày 27.5, lãnh đạo Sở TN-MT TP.HCM cho biết sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của Bộ TN-MT, đến nay có đủ cơ sở để tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, việc ban hành quyết định cưỡng chế và trách nhiệm tổ chức thi hành thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND Q.10.
Nguồn gốc khu đất
Trước đó, ngày 28.5.2021, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 1968 về việc thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 điều 65 luật Đất đai đối với khu đất 419 Lê Hồng Phong. Không đồng ý, Công ty giáo dục G Sài Gòn khiếu nại lần 1. Tháng 8.2023, UBND TP.HCM có quyết định giải quyết khiếu nại, giữ nguyên quyết định thu hồi đất. Sau đó, Công ty giáo dục G Sài Gòn khiếu nại lần 2, đơn gửi đến Bộ trưởng Bộ TN-MT.
Theo kết quả xác minh của Bộ TN-MT, trước ngày 30.4.1975, khu đất trên do Hãng giày Bata đứng bộ theo bằng khoán 509 Chợ Lớn - An Đông lập bộ ngày 15.6.1949. Sau năm 1975, hãng giày được đặt trong chế độ công quản, rồi trở thành Công ty giày Sài Gòn vào năm 1994. Tháng 11.2003, Công ty giày Sài Gòn cổ phần hóa, chuyển thành Công ty CP giày Sài Gòn, vốn điều lệ 16,5 tỉ đồng, nhà nước nắm giữ 51%. Năm 2015, nhà nước thoái vốn, 100% vốn của công ty do tư nhân nắm giữ. Đến tháng 7.2020, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty CP giáo dục G Sài Gòn.
Về pháp lý khu đất, năm 2000, Sở Địa chính - Nhà đất (nay là Sở TN-MT) ký hợp đồng cho Công ty giày Sài Gòn thuê 13.000 m2 đất tại số 419 Lê Hồng Phong vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Diện tích khu đất ghi trong hợp đồng do công ty tự kê khai, sau khi đo đạc sẽ điều chỉnh lại hợp đồng theo diện tích chính xác. Đến năm 2007, UBND TP.HCM cho Công ty giày Sài Gòn tiếp tục thuê 10.936 m2 đất làm văn phòng, nhà kho, nhà xưởng sản xuất giày, túi xách; hình thức sử dụng đất là thuê đất trả tiền hằng năm, thời hạn thuê đất đến hết ngày 31.12.2020.
[FLYCAM] Đất vàng 419 Lê Hồng Phong trong diện cưỡng chế vẫn tấp nập giao hàng
"Xẻ thịt" đất vàng
Khi doanh nghiệp rơi vào tay tư nhân, khu đất bị sử dụng sai mục đích, "xẻ thịt" cho thuê hưởng chênh lệch, dư luận bức xúc buộc Sở TN-MT vào cuộc thanh tra. Kết luận thanh tra năm 2017 của Sở TN-MT chỉ ra nhiều vi phạm, trong đó có hành vi tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm. UBND TP.HCM cũng cảnh báo nếu Công ty giày Sài Gòn tiếp tục vi phạm pháp luật đất đai thì sẽ không xem xét gia hạn sử dụng đất và thu hồi đất theo quy định.
Dù được cảnh báo nhưng doanh nghiệp vẫn tái phạm, tiếp tục cho thuê đất làm kho bãi, nơi trung chuyển xe khách. Đến tháng 5.2019, UBND TP.HCM chốt phương án "sau khi hết hạn hợp đồng thuê đất sẽ thu hồi và bàn giao toàn bộ diện tích khu đất cho UBND Q.10 đầu tư xây dựng trường trung học cơ sở đạt chuẩn theo quy định bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước". Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng giao UBND Q.10 làm việc và khẳng định với doanh nghiệp thuê đất biết rõ chủ trương thu hồi khu đất khi hết hạn ngày 31.12.2020.
Về quy hoạch, tháng 2.2020, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh cục bộ Đồ án 1/2.000 khu dân cư liên phường 2, 3, 9, 10, 11 của Q.10, khu đất 419 Lê Hồng Phong được quy hoạch đất giáo dục (trường trung học cơ sở) từ 4 - 6 tầng. Một tháng sau, HĐND Q.10 ban hành nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó có dự án xây dựng mới Trường THCS P.2 trên khu đất trên.
Trong khi đó, theo trình bày của Công ty giày Sài Gòn, giai đoạn 2016 - 2020, doanh nghiệp này có 21 văn bản gửi các cơ quan T.Ư và TP.HCM để xin gia hạn sử dụng đất, chuyển sang thuê đất trả tiền một lần, xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch và sử dụng đất làm văn phòng, thương mại... nhưng không được giải quyết. Tháng 4.2020, Công ty giày Sài Gòn nộp hồ sơ gia hạn sử dụng đất tại Sở TN-MT qua cổng dịch vụ công trực tuyến nhưng không được giải quyết.
5 tháng sau khi hợp đồng thuê đất hết hiệu lực, Sở TN-MT cùng chính quyền địa phương làm việc với đại diện Công ty giáo dục G Sài Gòn, ghi nhận hiện trạng sử dụng và thông tin về phương án thu hồi đất. Ngày 28.5.2021, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 1968 thu hồi khu đất 10.936 m2, căn cứ thu hồi đất theo điểm d khoản 1 điều 65 luật Đất đai.
Sau khi có quyết định thu hồi đất, doanh nghiệp không chấp hành mà tiếp tục chiếm dụng để cho thuê hưởng chênh lệch.
Tháng 1.2024, Bộ TN-MT tổ chức đối thoại với Công ty giáo dục G Sài Gòn và UBND TP.HCM nhưng không có thêm hồ sơ, tài liệu mới. Theo kết luận của Bộ TN-MT, việc UBND TP.HCM xác định khu đất 419 Lê Hồng Phong không đủ điều kiện gia hạn sử dụng đất và thu hồi khu đất nêu trên do hết thời hạn sử dụng đất mà không được gia hạn là phù hợp. Ngoài ra, việc thu hồi đất theo điểm d khoản 1 điều 65 luật Đất đai năm 2013, Công ty CP giáo dục G Sài Gòn không được bồi thường tài sản gắn liền với đất là phù hợp với quy định tại Điều 92 luật Đất đai năm 2013. Do đó, Bộ TN-MT công nhận và giữ nguyên quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của UBND TP.HCM, đồng thời yêu cầu Công ty CP giáo dục G Sài Gòn chấp hành quyết định thu hồi đất.
Từ giữa tháng 8.2022, Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM phối hợp UBND P.2 và Ủy ban MTTQ VN P.2 vận động Công ty giáo dục G Sài Gòn bàn giao đất nhưng doanh nghiệp này không tự nguyện chấp hành. Đến tháng 11.2023, Sở TN-MT có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND Q.10 ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi khu đất.
Bình luận (0)