Nguồn thu từ dân cần minh bạch và sử dụng hiệu quả

Kim Lan
Kim Lan
12/07/2021 05:00 GMT+7

Nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên cho rằng tiền thu giá thoát nước phải đảm bảo minh bạch, được tái đầu tư hiệu quả vào hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt.

Như Thanh Niên đã đưa tin, TP.HCM vừa ban hành quyết định thu giá thoát nước, lộ trình thu từ 2022 - 2025, với mức thu tăng dần. Cụ thể, giá nước sinh hoạt bình quân hiện nay giữ nguyên đến năm 2022 là 9.590 đồng/m3; giá dịch vụ thoát nước bình quân là 1.439 đồng/m3 (chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng). Đến năm 2025, giá nước sinh hoạt bình quân sẽ tăng lên 11.422 đồng/m3; giá dịch vụ thoát nước bình quân là 3.426 đồng/m3 (chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng).
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tổng lượng nước thải sinh hoạt của TP hiện được xử lý chỉ dưới 10%, gần 90% nước thải đô thị chưa được xử lý đang đổ trực tiếp ra sông, kênh, rạch. Đây là một trong những lý do để sở trình đề xuất thu giá thoát nước. Nguồn thu này sẽ dần bù vào chi phí phục vụ công tác thoát nước và xử lý nước thải đô thị, vốn chỉ đáp ứng 30 - 35% nhu cầu hiện nay, còn lại vẫn phải chờ ngân sách cấp bù.

Lo lắng con số 10%

Bạn đọc (BĐ) Truong San Dao cho rằng chỉ có gần 10% lượng nước thải sinh hoạt của TP.HCM được xử lý là một điều đáng lo lắng: “Tôi rất lo là tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt chỉ 10%, còn lại 90% thì đổ ra môi trường, không xử lý”. BĐ đồng thời đề nghị TP.HCM cần tập trung nguồn lực để giải quyết con số 90% này: “Cần phải đề ra phương án cụ thể, thời gian cụ thể, thông báo công khai cho mọi người dân biết, vì môi trường nước thải sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”.
Thu phí xử lý là đúng nhưng thu như thế nào cho hợp lý, chứ đừng bảo là các nước họ như thế này thì ta cũng phải làm theo. Phải xem hoàn cảnh và điều kiện cụ thể để quyết định.    

ductribk

 Giá nước căn cứ vào đồng hồ tiêu thụ mà tính, còn thất thoát nước phải thu ngược lại nhà cung cấp vì họ quản lý yếu kém nên để thất thoát nhiều. Theo tôi như vậy mới sòng phẳng.     

Ngoctu Ks

Cùng suy nghĩ, BĐ Tan Doan Thanh cho biết sẽ không tranh luận nhiều về chuyện thu giá hay thu phí, mà chỉ chốt điểm cơ bản là giá nước sinh hoạt sẽ tăng có lộ trình để nâng tỷ lệ xử lý nước thải. BĐ Tan Doan Thanh đồng thời đặt ra yêu cầu: “Khi thu tiền người dân thì phải đảm bảo chất lượng môi trường nước sinh hoạt, nước thải ra môi trường”.
Tán thành, BĐ Phuong Vo đề nghị: “Đã thu thêm tiền thì công tác cải thiện môi trường nước thải sinh hoạt đến mức độ nào cũng phải công khai cho người dân tham gia giám sát”. Cùng quan điểm, BĐ Tri đặt câu hỏi: “Thu phí thoát nước rồi có dùng cho đầu tư xử lý nước thải hay không?” và cho rằng người dân sẽ vui vẻ đóng thêm tiền nước nếu biết chắc chắn khoản tiền mình đóng là khoản đầu tư lâu dài cho sức khỏe.

Mong chờ hiệu quả

Nhận xét về quyết định thu giá thoát nước mà TP.HCM sẽ triển khai từ năm 2022, BĐ Qui Tran nêu: “Tôi rất hoan nghênh chủ trương này. Chỉ băn khoăn về cách làm sẽ mang lại hiệu quả tới đâu thôi...”. Băn khoăn của BĐ Qui Tran cũng là băn khoăn chung. BĐ Nguyễn Bình lưu ý cơ quan quản lý đang khuyến khích người dân chuyển từ nước giếng khoan sang nước thủy cục thì thông tin “thu giá thoát nước” sẽ gây ra e ngại nếu không được giải thích rõ ràng, thấu đáo, thuyết phục.
BĐ ductribk góp ý: “Thu phí xử lý là đúng rồi, nhưng thu như thế nào cho hợp lý, đừng để kế hoạch không hiệu quả, không tính toán đường dài, mà chỉ thấy tới đâu làm tới đấy để rồi người dân phải gồng gánh”.
Nhiều BĐ cũng băn khoăn hiện nay trong giá nước sạch đã có phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, thì việc thu giá thoát nước liệu có phải là một hình thức phí chồng phí? Phát biểu trên Thanh Niên, ông Đặng Phú Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, khẳng định chính sách giá mới không phải là phí chồng phí. Khi áp dụng quy định mới này thì phí bảo vệ môi trường sẽ được bãi bỏ, thay bằng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.