Ý tưởng biến sông Tô Lịch thành công viên

Lê Quân
Lê Quân
20/09/2020 06:46 GMT+7

Sau khi chưa thành công với thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor, mới đây Công ty CP Tập đoàn môi trường Nhật Việt JVE lại gây chú ý bằng đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo toàn bộ dòng sông này.

Công ty CP Tập đoàn môi trường Nhật Việt JVE (Công ty JVE) cho biết đã gửi đến Thành ủy, UBND TP.Hà Nội đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Công ty JVE cho rằng nhiều năm qua, sông Tô Lịch luôn bị coi là “dòng sông chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng chưa có giải pháp nào xử lý hữu hiệu.

Chuyên gia Nhật Bản lội bùn đen làm sạch nước sông Tô Lịch siêu ô nhiễm tháng 6.2019

Tôi băn khoăn nhất là giải quyết triệt để được 2 vấn đề: thực trạng ô nhiễm dòng sông hiện nay và làm sao để duy trì bổ cập nước sạch thường xuyên cho sông Tô Lịch ?

GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty JVE, cho biết theo giải pháp tổng thể do đơn vị này phối hợp đối tác phía Nhật Bản xây dựng, đề án không đơn thuần là xử lý môi trường mà còn xây dựng hệ thống cảnh quan công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh. Đặc biệt là đề xuất xây dựng cả hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông để đảm bảo thoát lũ, chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch. Hệ thống này tương tự hệ thống chống ngập tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản.
Công ty JVE cho hay để làm hồi sinh sông Tô Lịch, cần có giải pháp tổng thể về các vấn đề: thu gom nước thải; bổ cập nước cho sông sau khi thu gom hết nước thải; xử lý triệt để nguồn gốc gây ra mùi hôi thối; xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; thoát nước chống ngập khi mưa bão; bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; phát triển du lịch...
Ý tưởng biến sông Tô Lịch thành công viên

Phác thảo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh

ẢNH: CÔNG TY JVE

Cũng theo Công ty JVE, ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch là sẽ xây kè thẳng đứng, kè đáy theo kiểu mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay; dọc hai bên sông là hàng cây, đường đi dạo; dưới lòng sông là làn nước trong xanh, có thuyền du lịch... Sẽ xây dựng hệ thống bãi đỗ xe tự động, tích hợp các tấm pin năng lượng mặt trời, góp phần giảm chi phí điện chiếu sáng cho hệ thống đèn ở công viên.
Dọc theo bờ sông dài khoảng 15 km sẽ là công viên tái hiện cội nguồn lịch sử dân tộc từ thời Lạc Long Quân - Âu Cơ, Vua Hùng, các triều đại lịch sử Việt Nam, hoạt động cách mạng của Bác Hồ, chiến thắng Điện Biên Phủ, đại thắng mùa xuân 1975... Xen lẫn là không gian nghệ thuật hát ca trù, quan họ, dân ca ba miền, chèo, tuồng... cho đến các trò chơi dân gian, hội hè, câu lạc bộ, dưỡng sinh...

Ngỡ ngàng dân Hà Nội ra sông Tô Lịch ngủ trưa, câu cá dưới nắng 40 độ tháng 6.2019

Cần làm rõ nguồn tiền thực hiện dự án

KTS Trần Huy Ánh, thành viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho hay trước khi Công ty JVE có ý tưởng dự án, đã có một số dự án về cải thiện ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch, hồi sinh dòng sông... từng tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng chưa phát huy hiệu quả thực sự. Do vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi, đề xuất của Công ty JVE nhằm mục đích gì?

Không thể làm sạch sông Tô Lịch một cách tức thời

TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng giải pháp tổng thể hay công nghệ gì, thì cũng không thể làm sạch sông Tô Lịch một cách tức thời, mà vẫn phải thu gom nước thải, xử lý rồi tìm nguồn nước bổ cập cho sông để tạo dòng chảy, sông mới từ từ hồi sinh. Khi sông đúng nghĩa là sông rồi, mới có thể tính toán những chuyện khác. Thực tế hiện nay, người dân TP.Hà Nội đang sống cạnh bể chứa nước thải khổng lồ, chứ không phải dòng sông đúng nghĩa, nên các ý tưởng hồi sinh sông Tô Lịch đều đáng được khích lệ. Nhưng để làm được hay không còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Cần tính toán các giải pháp làm sao để lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân được hài hòa và làm rõ được vấn đề được gì, mất gì nếu thực hiện theo ý tưởng đề xuất dự án.
“Công ty JVE là đơn vị tư nhân nhưng đang có ý tưởng dự án liên quan đến công sản là dòng sông Tô Lịch, không gian này nằm trong hạ tầng đô thị và là tài sản của TP. Lấy nguồn lực ở đâu để triển khai dự án, khai thác gì từ dự án hồi sinh dòng sông Tô Lịch, khai thác như thế nào để thu hồi vốn? Ngân sách liệu có phải bỏ tiền để chi trả cho đơn vị thực hiện dự án? Đề xuất của Công ty JVE ghi chung chung nguồn vốn từ Nhật Bản, nhưng quan trọng nhất là làm rõ nguồn vốn thực hiện dự án của Công ty JVE và đối tác là cho vay mượn hay là tặng không cho TP.Hà Nội?”, KTS Trần Huy Ánh băn khoăn.
Theo KTS Ánh, Hà Nội lấy sông Tô Lịch làm xương sống dự án, đã mất hàng chục năm và nhiều triệu USD cho dự án thoát nước và xử lý nước thải, nhưng TP vẫn còn ngập úng, ô nhiễm nước tràn lan. Vậy cần phải làm rõ về giải pháp kỹ thuật là liệu dự án này có mâu thuẫn gì với dự án thoát nước thực hiện cống ngầm đô thị, đầu tư Nhà máy xử lý nước Yên Xá...

Đi dọc sông Tô Lịch mời người tập thể dục về nhà cách ly xã hội tháng 4.2020

GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN-PTNT), bày tỏ quan điểm ủng hộ việc hồi sinh sông Tô Lịch. Tuy nhiên, GS Hồng cho rằng, nếu triển khai, dự án của Công ty JVE chỉ nên thực hiện trên diện tích đất hiện có của dòng sông, không nên lấy thêm. Bên cạnh đó, ông cũng băn khoăn để có kinh phí duy trì sức sống cho dự án hồi sinh sông Tô Lịch, cần tính toán làm sao để có tiền. Muốn vậy, có thể tận dụng không gian dòng sông, phát triển du lịch, dịch vụ phục vụ du lịch trên sông, tạo nguồn quỹ lâu dài. Dọc hai bờ sông còn nhiều quỹ đất trống rất đẹp ngay trong đô thị, nên tìm hướng cho đấu thầu sử dụng để thêm nguồn quỹ duy trì cảnh quan, môi trường sông Tô Lịch, vừa tránh lãng phí đất.
GS Vũ Trọng Hồng cũng nêu băn khoăn về cơ chế chính sách nếu triển khai dự án có thể có vướng mắc trong pháp luật về đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường, du lịch, văn hóa, luật Thủ đô... “Nhưng cần rõ ràng nhất là cơ chế phối hợp giữa Công ty thoát nước Hà Nội và Công ty JVE. Do vậy, vai trò của lãnh đạo TP.Hà Nội là rất quan trọng nếu muốn hồi sinh sông Tô Lịch”, GS Hồng nêu ý kiến.
Về giải pháp kỹ thuật, GS Hồng bày tỏ: “Tôi băn khoăn nhất là giải quyết triệt để được 2 vấn đề: thực trạng ô nhiễm dòng sông hiện nay và làm sao để duy trì bổ cập nước sạch thường xuyên cho sông Tô Lịch? Có thể tận dụng nguồn nước thải của TP được thu gom qua hệ thống cống riêng về Nhà máy xử lý nước Yên Xá đang xây dựng, sau xử lý đạt tiêu chuẩn thì dẫn ngược lại sông Tô Lịch thay vì đổ ra sông Nhuệ, sông Đáy như dự kiến hiện nay. Hoặc TP.Hà Nội với Bộ NN-PTNT phối hợp dẫn nước sông Hồng về hồ Tây rồi bổ cập nước cho sông Tô Lịch thường xuyên, tạo dòng chảy khi dòng sông đã được xử lý triệt để ô nhiễm. Có nước lưu thông, dòng sông mới trong xanh, mới là dòng sông sống đúng nghĩa”.
PV Thanh Niên đã liên lạc với đại diện Công ty JVE nhưng chưa có phản hồi chi tiết hơn về nguồn vốn từ phía Nhật Bản cụ thể như thế nào, có đặt mục tiêu kinh doanh khi hồi sinh sông Tô Lịch theo đề xuất hay thực hiện dự án để tặng không cho TP.Hà Nội...
Hiện tại, sau nhiều ý tưởng thí điểm và kế hoạch áp dụng đối với sông Tô Lịch, theo khảo sát của PV Thanh Niên, sông Tô Lịch vẫn đang rất ô nhiễm. Nước sông chỉ một màu đen kèm theo bùn thải đen sì. Dọc con sông dài khoảng 15 km có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo thống kê của Sở TN-MT Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý thải ra sông gây ô nhiễm nghiêm trọng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.