Chuyên gia Nhật vào thử nghiệm không xin phép Hà Nội
Theo ông Chung, đơn vị Nhật Bản vào thử nghiệm việc xử lý làm sạch sông Tô Lịch đã không hề xin phép thành phố, mà thông qua Công ty cấp thoát nước Hà Nội. “Quá trình làm thì xảy ra câu chuyện có mưa”, dẫn đến vụ lùm xùm Hà Nội xả nước hồ Tây “cuốn trôi” thành quả thử nghiệm, như báo chí đã đưa.
Tuy nhiên, ông Chung “khẳng định với các bác (cử tri) là tôi chịu trách nhiệm về việc này, trước khi xả nước hồ Tây đã thông báo đầy đủ cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư của Nhật Bản (JEBO), trực tiếp Công ty JVE là anh Tuấn Anh - Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT”.
Sau khi JVE và JEBO đề nghị được thử nghiệm thêm, đích thân ông Chung đã chủ trì một cuộc họp, mời đầy đủ các thành phần vào ngày 29.10 và ra thông báo kết luận ngày 5.11, được “mọi người thống nhất rất cao”.
Để thông báo rõ với cử tri, ông Chung đã đọc nguyên văn thông báo kết luận này, cho biết: “Hà Nội hoan nghênh, khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức cá nhân dùng công nghệ tiên tiến để thực hiện nghiên cứu, đầu tư trên địa bàn TP.Hà Nội, nhất là trong lĩnh vực môi trường. UBND thành phố đánh giá cao đề xuất thử nghiệm… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tổ chức JEBO và JVE đã không tuân thủ yêu cầu của thành phố”.
Cụ thể, “việc mời các cơ quan báo chí, sử dụng thông tin truyền thông trong quá trình thử nghiệm để khuếch trương công tác thí điểm khi chưa có kết quả thử nghiệm, không phối hợp với các cơ quan khi xử lý thông tin, là gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Đề nghị ông Chủ tịch JEBO, JVE và các cá nhân tham gia nghiên cứu nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như của thành phố trong lĩnh vực môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường”.
JVE không được công bố kết quả thử nghiệm với báo chí khi chưa được cơ quan chức năng đánh giá
UBND TP.Hà Nội cũng đề nghị JEBO chuẩn bị gửi Sở Xây dựng các hồ sơ, tài liệu cụ thể, bao gồm: tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ nano, có bản thuyết trình toàn bộ về công nghệ, có giấy chứng nhận công nhận công nghệ của Chính phủ Nhật hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Hồ sơ giới thiệu năng lực của JEBO, danh sách các công trình, dự án đã được xử lý bằng công nghệ nano tại Nhật Bản và tại các nước khác. JEBO chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam và UBND TP.Hà Nội về tính xác thực và hợp pháp của các tài liệu trên.
Cùng với đó, ông Chung giao Sở Xây dựng rà soát, giới thiệu 1 hồ nước đọng trên địa bàn thành phố để JEBO thí điểm làm sạch nước, xử lý mùi, bùn bằng công nghệ nano. Quá trình thực hiện phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật Việt Nam và thành phố; phải lấy mẫu không khí, nước, bùn tại các thời điểm trước, trong và sau xử lý để đánh giá các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn của Việt Nam; mời các đơn vị khoa học độc lập có năng lực, kinh nghiệm để thẩm định và đánh giá tính chính xác, khách quan.
JEBO phải tổ chức hội thảo khoa học, mời các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, các sở ngành của thành phố tham gia để đánh giá kết quả thử nghiệm. Không công bố thông tin cho công luận khi chưa được các cơ quan chức năng đánh giá. Toàn bộ chi phí tổ chức hội thảo và xử lý hồ do JEBO chi trả.
Khi thực hiện, UBND TP.Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị mời Đại sứ Nhật Bản, các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá công nghệ theo quy định.
“Không phải thành phố này mà cho một công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, làm bức xúc xã hội. Tôi phải nói thực với các bác như thế. Thông báo của tôi, tôi gửi cho quận, quận sẽ gửi về tổ dân phố để các bác nắm rõ”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
“Tôi dám khẳng định không có một công nghệ nào không thu gom nước thải mà có thể xử lý sạch sông”
Về chủ trương của Hà Nội trong xử lý các con sông ô nhiễm, ông Chung cho biết, hiện tỷ lệ xử lý nước thải của Hà Nội là 22% - quá thấp. Đến 2022, nhà máy nước thải Yên Xá vào hoạt động thì có thể xử lý được nước thải của một phần quận Đống Đa, một phần quận Ba Đình, một phần quận Tây Hồ, một phần quận Cầu Giấy, một phần quận Hà Đông, một phần quận Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì. Sẽ phải đào gần 200 km để thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt của các quận Hà Nội bằng 1 đường ống riêng.
Nhưng vấn đề là từ nay đến 2022 sẽ phải làm gì để xử lý ô nhiễm sông? Theo ông Chung, Hà Nội “vẫn đang phối hợp với một số trung tâm khoa học để phân tích trong phòng thí nghiệm, làm sao đưa ra giải pháp xử lý được mùi”.
“Cũng có nhà đầu tư đề xuất hay là làm 1 cái cống hộp 2 đáy. Tôi không phải chuyên ngành này, nhưng tôi dám khẳng định không có một công nghệ nào không thu gom nước thải mà lại đòi xử lý sạch sông, khi mỗi ngày có 180.000 m3 nước thải sinh hoạt người dân xung quanh thải vào Tô Lịch”, ông Chung nói.
Về công nghệ nano mà JEBO và JVE đang thử nghiệm, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết thêm: “Theo tôi biết, công nghệ này ở Nhật Bản chưa có 1 công trình nào được xử lý. Tôi đã nói rõ là anh (JEBO và JVE) đưa hồ sơ cho tôi, anh đã xử lý những công trình nào để làm cơ sở xem xét. Cái này thành phố công khai minh bạch rồi".
Bổ cập nước sông Hồng vào Tô Lịch rồi nó chảy xuống Hà Nam thì cũng vẫn thế
“Các bác cũng thắc mắc là đưa nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây rồi làm sạch sông Tô Lịch mất bao nhiêu tiền. Đây cũng là một nhóm nhà khoa học phối hợp với Công ty thoát nước Hà Nội, đề xuất đưa nước sông Hồng vào lọc nước hồ Tây, rồi hàng tháng 6 - 8 lần xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch. Báo cáo với các bác cũng chỉ là làm loãng nước sông Tô Lịch ra thôi. Cuối cùng vẫn phải thu gom vẫn phải xử lý, chứ chúng ta xả ra sông rồi nó cũng chảy về Hà Nam, Thái Nguyên thì cũng vẫn thế. Tôi dám khẳng định với các bác chưa một cái nào được trình tới tôi. Phương án bổ cập nước thì mới đang nghiên cứu. Chưa biết các vị ấy nghiên cứu tới đâu nhưng chính thức bằng văn bản thì tôi chưa nhận được”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời kiến nghị cử tri.
|
Bình luận (0)