Dùng nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch là 'rẻ nhất, tối ưu nhất'

Vũ Hân
Vũ Hân
13/08/2019 20:13 GMT+7

Cho nước sông Hồng vào hồ Tây, sau đó xả vào sông Tô Lịch để làm sạch "dòng sông chết" này là phương án được lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho là rẻ và tối ưu nhất.

Liên quan đến tranh luận xung quanh phương pháp làm sạch sông Tô Lịch, đặc biệt sau vụ Hà Nội xả nước Hồ Tây làm "trôi" thành quả thử nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản, chiều 13.8, lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc này.
Theo ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, chế phẩm Redoxy-3C (mà Hà Nội đặt riêng và do một doanh nghiệp phân phối độc quyền) đã được thí điểm thành công và triển khai làm sạch 100% số hồ của Hà Nội.
Phản hồi đề nghị so sánh chất lượng và giá cả Redoxy -3C với phương pháp chuyên gia Nhật thử nghiệm, ông Võ Tiến Hùng cho biết, đến 17.9 này doanh nghiệp mới công bố chất lượng thử nghiệm, còn giá thành là chưa rõ.
“Quan điểm của Hà Nội là hết sức trân trọng các ý tưởng thử nghiệm, tổ chức triển khai thí điểm. Chúng tôi được thành phố giao đón tiếp 5 đoàn đến đánh giá, thí điểm xử lý ô nhiễm sông hồ và đã tạo điều kiện tối đa, nhưng chưa đạt theo yêu cầu. Đương nhiên, phương pháp nào tốt và rẻ là sẽ được lựa chọn. Tôi nghĩ như vậy, dù chúng tôi chỉ là đơn vị thực hiện”, ông Hùng nói.
Đẩy ô nhiễm xuống hạ lưu?
Cũng theo ông Hùng, hiện Hà Nội rất quan tâm đến việc cải thiện nước sông Tô Lịch và thực hiện song song nhiều giải pháp, trong đó có việc tách nước thải đưa về trạm xử lý Yên Xá chứ không xả thẳng ra sông, dự kiến 4, 5 năm nữa sẽ xong; xây dựng trạm xử lý nước thải Yên Xá; đồng ý cho phía Nhật Bản vào thử nghiệm; nghiên cứu bổ cập nước sông Hồng vào hồ Tây, từ hồ Tây xả nước ra sông Tô Lịch.
“Đây là dự án được nhiều người quan tâm. Chúng tôi đã hội thảo với các nhà khoa học thì tất cả đều đánh giá cao dự án này, vì để cải tạo bền vững thì phải có sự thay đổi nước. Hồ phải có nước ra nước vào, sông phải có dòng chảy. Nguồn dồi dào nhất, gần nhất, dễ xử lý nhất là sông Hồng. Kể cả sau dự án tách nước thải về trạm xử lý Yên Xá rồi bổ cập lại cũng chỉ tạo được dòng chảy 30 – 40 cm, nên vẫn phải bổ cập nước từ sông Hồng vào hồ Tây, sau đó bổ cập cho sông Tô Lịch. Đây là lợi ích kép. Thành phố đang giao các sở thẩm tra, nếu được sẽ phê duyệt”, ông Hùng nói.
Báo chí "truy vấn": với phương pháp này Hà Nội sẽ dồn nước thải xuống hạ lưu và các tỉnh cuối nguồn như Hà Nam sẽ phải gánh ô nhiễm cho Thủ đô?.
Trả lời câu hỏi này, ông Võ Tiến Hùng cho biết: "Hà Nội sẽ không để nước thải vào sông Tô Lịch nữa mà đưa về trạm Yên Xá (dự kiến 4 năm nữa xây dựng xong). Chúng tôi cũng đã làm việc với các tỉnh hạ lưu là đóng đập lại, dùng trạm bơm để ngăn nước thải gây ô nhiễm chảy xuống. Mặt khác, khi không bổ cập thì nước sông Tô Lịch vẫn cứ chảy xuống hạ lưu chứ không phải là không. Bổ cập nước thì đương nhiên nước thải sẽ được pha loãng, vẫn đỡ hơn nước thải chưa được pha loãng".
Về kinh phí cho dự án này, sau khi phóng viên lặp lại câu hỏi lần thứ 3, ông Võ Tiến Hùng mới cho biết: “Kinh phí hiện nay chúng tôi đang xây dựng, khoảng hơn 150 tỉ. Đây là phương án rẻ nhất và tối ưu nhất”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.