Ngưỡng thích ứng an toàn với Covid-19

13/01/2022 07:07 GMT+7

Biến thể Omicron đang khiến số ca nhiễm tăng mạnh tại nhiều nơi, nhưng giới chuyên gia cho rằng điều này giúp đưa đến viễn cảnh có thể sống chung an toàn với Covid-19 .

Chìa khóa vắc xin, thuốc chữa

Phát biểu tại sự kiện của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) hôm qua, TS Anthony Fauci, Trưởng cố vấn y tế tổng thống Mỹ, thừa nhận việc xóa sổ Covid-19 là điều “phi thực tế” và dự báo biến thể Omicron sẽ lây nhiễm cho tất cả mọi người với khả năng lây lan của nó, theo AFP. Ông cũng cho rằng nước này đang tiếp cận ngưỡng có thể sống chung với Covid-19 và coi nó như loại bệnh có thể kiểm soát được.

Người dân đợi xét nghiệm Covid-19 tại New York

AFP

CNN dẫn số liệu chính thức cho biết trong tuần qua, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày tại Mỹ là hơn 754.200 ca, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 4,5 lần so với đỉnh điểm của đợt bùng phát hồi tháng 9.2021 do biến thể Delta. Số liệu thực tế có thể còn cao hơn vì nhiều người tự xét nghiệm tại nhà và không báo cáo với chính quyền. Biến thể Omicron đang chiếm 98,3% số ca nhiễm mới tại Mỹ. Số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện tính đến ngày 11.1 là hơn 145.900 người, mức kỷ lục từ đầu dịch. Số ca tử vong trung bình mỗi ngày là 1.646 ca.

Theo ông Fauci, giai đoạn mới bắt đầu khi có đủ mức độ miễn dịch trong cộng đồng, có đủ thuốc để điều trị dễ dàng khi có ca nhiễm mới. Tuy nhiên, ông thừa nhận với những số liệu nói trên, Mỹ vẫn chưa đạt đến ngưỡng đó. Đến nay, còn 1/5 người Mỹ đủ điều kiện tiêm vắc xin (khoảng 65 triệu người) vẫn chưa tiêm và mới có hơn 62% dân số đã tiêm đầy đủ.

Chậm tiêm vắc xin, Ba Lan vượt mốc chết chóc 100.000 ca tử vong vì Covid-19

Ánh sáng cuối đường hầm ?

Không chỉ riêng tại Mỹ, giới chuyên gia tại châu Âu cũng đánh giá rằng sự lây lan của biến thể Omicron đang đẩy Covid-19 dần trở thành căn bệnh bình thường.

Ông Marco Cavaleri, Trưởng văn phòng Các mối đe dọa sức khỏe sinh học và chiến lược vắc xin thuộc Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA), nhận định: “Với độ miễn dịch gia tăng trong dân chúng và với Omicron, sẽ có rất nhiều ca miễn dịch tự nhiên xuất hiện bên cạnh việc tiêm chủng, chúng ta sẽ tiến nhanh đến viễn cảnh Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu”.

Mỹ, Pháp cho nhân viên y tế mắc Covid-19 đi làm

Trước tình trạng số bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng cao, cộng với việc nhiều nhân viên y tế phải cách ly vì mắc bệnh, cơ quan y tế một số nơi tại Mỹ và Pháp đang có những biện pháp bất thường để ứng phó.

Theo AP, nhiều bệnh viện tại các bang Arizona, California hay Rhode Island của Mỹ cho phép nhân viên y tế mắc Covid-19 đi làm nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Họ được yêu cầu mang khẩu trang N95 và được khuyến cáo điều trị bệnh nhân Covid-19. Tại Pháp, nhân viên y tế có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng được đi làm tiếp thay vì cách ly. Tuy nhiên, họ được khuyến cáo không nên tiếp xúc với bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin hoặc người có nguy cơ bệnh nặng hơn. Những người này cũng phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với đồng nghiệp và không thể tham gia các hoạt động chung khi không đeo khẩu trang như lúc ăn uống.

Người dương tính tại Pháp nếu đã tiêm vắc xin phải cách ly ít nhất 5 ngày trong khi tại Mỹ, nhân viên y tế có thể đi làm lại sau 7 ngày nếu xét nghiệm âm tính.

Tuy nhiên, ông Cavaleri lưu ý rằng châu Âu vẫn đang trong đại dịch và hệ thống y tế chịu áp lực lớn từ số ca nhiễm Omicron bùng phát. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ước tính hơn một nửa dân số châu Âu có thể nhiễm Omicron trong vòng 2 tháng tới, theo AFP.

WHO nhấn mạnh tuy các loại vắc xin hiện nay vẫn duy trì hiệu quả trong việc ngăn tình trạng của bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng hoặc tử vong, nhưng thế giới cần loại vắc xin được nâng cấp để không chỉ ngăn bệnh nặng mà trước hết là giúp tránh bị nhiễm vi rút.

Em bé sinh trong đại dịch Covid-19 có thể bị chậm phát triển

Theo WHO và EMA, chiến lược dùng những loại vắc xin hiện có để tiêm nhắc cho người dân là không phù hợp và không bền vững. “Nếu chúng ta tiêm liều tăng cường mỗi 4 tháng, chúng ta sẽ gặp những vấn đề tiềm tàng với phản ứng miễn dịch. Thứ hai, đương nhiên là việc tiêm nhắc liên tục sẽ khiến người dân mệt mỏi”, ông Cavaleri nói và gợi ý các nước nên giãn thời gian giữa mũi tiêu chuẩn với mũi tiêm nhắc lâu hơn, điều chỉnh đồng bộ với lịch tiêm vắc xin cúm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.