Nguy cơ cá sấu sổng chuồng tại TP.HCM

24/02/2012 03:11 GMT+7

Nhiều bạn đọc hoang mang sau thông tin một người dân ở thôn Bình Khánh, xã Diên Hòa, Diên Khánh, Khánh Hòa bắt được con cá sấu nặng 12 kg. Liệu ở TP.HCM, nơi có đàn cá sấu lớn nhất nước, việc nuôi cá sấu có đảm bảo an toàn?

Sau khi vòng quanh xem các điểm nuôi cá sấu của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn huyện Hóc Môn, Bình Chánh và quận 12, chúng tôi thực sự cảm thấy rất bất an.

Chuồng trại tiềm ẩn nguy cơ cao

Trại nuôi cá sấu Hoa Cà (đường Hà Huy giáp, P.Thạnh Lộc, Q.12) có khuôn viên khá rộng, trại có 40 chuồng với hơn 500 con, chủ yếu là cá sấu bố mẹ. Dù tường rào, nền đất đều được xây bê tông kiên cố, nhưng chuồng nuôi của đơn vị này lại nằm sát với bờ bao, cách đó là con rạch rất lớn. Trước đây, bờ bao này đã từng bị vỡ. Nay tuy đã được gia cố, rộng và dày hơn, nhưng nếu gặp thời tiết xấu, lũ lớn, triều cường cao, bờ bao có thể vỡ, nước tràn vào toàn bộ trại nuôi, lúc đó nguy cơ cá theo dòng nước ra sông, rạch sẽ rất lớn.

Trại nuôi cá sấu giống Hoa Việt (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) đang nuôi hơn 200 cá sấu bố mẹ. Trang trại tuy nằm cách biệt với khu dân cư, chắn 2 lớp tường rào nhưng chỉ dùng lưới B40 khá sơ sài. Khi chúng tôi hỏi liệu cá sấu có nguy cơ sổng chuồng, chị Liên, người quản lý trại khẳng định không thể có chuyện đó vì đây là cá nuôi lâu nên khá thuần, chỉ ăn no và nằm đó thôi (!?).

Đến trại nuôi của hộ bà V. ở kênh 1, nông trường Phạm Văn Hai, chúng tôi khá bất ngờ khi chuồng nuôi cá sấu ở đây trông giống như chuồng... heo. Chung quanh chuồng, cây cối mọc um tùm. Điều khá nguy hiểm là lưới B40 ở các chuồng của bà V. đã khá cũ, có chỗ bị rách, nên người chăm sóc tìm các miếng tôn vụn bít lại, trông cực kỳ thiếu an toàn. Chuồng nuôi cá của bà V. cách kênh, rạch chưa đầy 2 bước chân, nếu cá thoát được khỏi chuồng sẽ gặp ngay kênh rạch, ra ngoài quá dễ.

Cần quản lý chặt chẽ

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nguy cơ sổng chuồng của cá sấu tại các điểm nuôi là rất có khả năng xảy ra. Cá sấu sống theo bầy, một chuồng nuôi đến vài chục, thậm chí vài trăm con. Mỗi khi cho cá ăn hay vệ sinh chuồng trại, cá thường tập trung vào góc chuồng, chúng nằm chồng lên nhau và cùng bám vào lưới B40, nếu việc này lặp lại nhiều lần, lưới sẽ bị gãy, nếu người nuôi không chú ý, cá sấu thoát ra ngoài là điều hoàn toàn có thể.

Chưa hết, một số cơ sở có đàn cá sấu lớn thường xảy ra tình trạng mất cá sấu. Cá sấu mất có thể do bị trộm. Trong trường hợp cá sấu bị trộm, bọn trộm thường lén lút để đưa đi, chẳng may trong lúc vội vàng, cá sấu thoát ra ngoài thì sao? Bọn trộm chắc chắn sẽ không khai việc cá thoát ra ngoài, chủ cơ sở thì chỉ khai cá sấu chết.

Theo chúng tôi, để bảo đảm tuyệt đối an toàn trong việc gây nuôi cá sấu, ngoài bảo đảm chuồng trại, Chi cục Kiểm lâm nên tăng cường kiểm tra chặt chẽ số lượng đàn cá sấu, từ nhập, xuất, chết, đến mất do trộm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc cá sấu sổng chuồng mà người dân không dám khai báo hoặc không hay biết. Nên chăng, tập trung các hộ nuôi cá sấu thành những khu nuôi riêng biệt, bảo đảm các điều kiện an toàn chuồng trại, tránh xa kênh rạch, sông hòng bảo đảm an toàn cho người dân xung quanh.

Thanh Đông - Hải Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.