Nguy cơ đại dịch khi Covid-19 lan rộng

29/02/2020 07:43 GMT+7

Thế giới chuẩn bị ứng phó nguy cơ dịch Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu giữa lúc số ca nhiễm mới bên ngoài Trung Quốc đại lục gia tăng.

Tính đến ngày 28.2, dịch Covid-19 do vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã lây nhiễm hơn 83.800 người trên toàn thế giới và làm chết 2.867 người. Riêng Trung Quốc đại lục hôm qua đã ghi nhận 327 ca nhiễm mới, thấp nhất kể từ ngày 23.1. Điều này nâng tổng số ca nhiễm ở Trung Quốc đại lục lên hơn 78.800 với gần 2.800 trường hợp tử vong.
Hiện số ca nhiễm lẫn tử vong ở Trung Quốc đại lục vẫn là cao nhất, nhưng ổ dịch mới lần lượt bùng phát tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Mỹ Latin, châu Âu và châu Phi, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Chỉ trong ngày 28.2, có hơn 10 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, bao gồm Nigeria, New Zealand, Lithuania và Belarus.

[VIDEO] Đóng cửa trường, hủy sự kiện: thế giới cấp tốc chuẩn bị trước nguy cơ đại dịch Covid-19

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo tất cả quốc gia trên thế giới nên chuẩn bị sẵn sàng ứng phó nguy cơ dịch Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, theo Reuters.
“Không có quốc gia nào có thể tuyên bố miễn nhiễm trước dịch Covid-19 vì đó là một sai lầm chết người”, ông Tedros nói trong buổi họp tại trụ sở WHO ở TP.Geneva (Thụy Sĩ).
Tổng giám đốc WHO cho biết thêm hiện có 20 vắc xin phòng Covid-19 đang được phát triển.

“Thời điểm quyết định”

Ở châu Âu, số người chết vì Covid-19 tại Ý đã tăng lên 17 và số ca nhiễm tăng lên hơn 650, cao nhất châu lục này. Bên cạnh đó, giữa lúc số ca nhiễm tăng gấp đôi lên 38 với 2 người chết tại Pháp, Tổng thống nước này Emmanuel Macron lo ngại: “Chúng ta có một cuộc khủng hoảng trước mắt”. Còn Đức có 60 ca nhiễm, cách ly khoảng 1.000 người và Tây Ban Nha ghi nhận 25 trường hợp nhiễm. Trong khi đó, chính phủ Hy Lạp tuyên bố tăng cường kiểm soát biên giới và cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch Covid-19.

Nhiều điều chưa biết về SARS-CoV-2

Các nhà khoa học cảnh báo vẫn còn nhiều điều chưa biết về SARS-CoV-2 và cho rằng phải mất tới 18 tháng mới phát triển được vắc xin.
Đáng lo ngại là trường hợp một nữ bệnh nhân Covid-19 ở Nhật Bản đã bình phục, nhưng vẫn dương tính với SARS-CoV-2 sau khi xét nghiệm lại. Trường hợp tái nhiễm sau khi bình phục cũng đã được ghi nhận ở Trung Quốc đại lục và giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ bệnh nhân hồi phục đã mang SARS-CoV-2 trong người nhưng vẫn không có khả năng miễn dịch.
Giám đốc CDC Robert Redfield cho biết cơ quan này đang đánh giá xem SARS-CoV-2 có thể tồn tại bao lâu trên các bề mặt khác nhau. “Trên bề mặt bằng đồng và thép thì khoảng 2 giờ, nhưng bìa cứng hoặc nhựa thì có thể hơn và chúng tôi đang xem xét điều này”, ông Redfield nói.
Hàn Quốc có số ca nhiễm cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục, và ghi nhận hơn 570 ca nhiễm mới trong ngày 28.2, nâng tổng số trường hợp nhiễm lên 2.337 với 16 ca tử vong.

[VIDEO] Phó tổng thống Iran cũng nhiễm virus corona, ít nhất 26 người chết vì dịch Covid-19

Trong khi đó, Iran có 34 người chết vì Covid-19, cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục, và hơn 388 ca nhiễm, bao gồm Thứ trưởng Bộ Y tế Iraj Harirchi và Phó tổng thống Masoumeh Ebtekar.
Tổng giám đốc WHO Tedros cho biết Hàn Quốc, Iran và Ý đang ở “thời điểm quyết định” (tức giai đoạn đầu của sự bùng phát dịch bệnh) nên cần phải có hành động nhanh chóng.

Dự trữ vật tư y tế

Chính quyền các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới tăng cường dự trữ vật tư y tế, đồng thời yêu cầu tất cả trường học đóng cửa và hủy bỏ các sự kiện lớn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, theo AFP.
Chẳng hạn, Triều Tiên không có ca nhiễm nhưng chính phủ yêu cầu kéo dài thời gian nghỉ học cho đến khi có thông báo tiếp theo. Còn chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu tất cả trường học đóng cửa đến cuối tháng 3, hủy các sự kiện lớn trong 2 tuần tới.

[VIDEO] Hồi hộp cho "số phận" Olympic Tokyo 2020 vì diễn biến dịch Covid-19 ở Nhật Bản

Nhật Bản vẫn cam kết Thế vận hội sẽ diễn ra ở Tokyo vào tháng 7, nhưng WHO đang thảo luận với các nhà tổ chức về vấn đề này. Số ca nhiễm ở Nhật Bản tăng lên 226, với 5 trường hợp tử vong, không bao gồm hơn 700 trường hợp nhiễm và 5 người chết từ du thuyền Diamond Princess bị cách ly ở Yokohama.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ đang cân nhắc dùng đặc quyền theo Đạo luật Sản xuất quốc phòng năm 1950 nhằm tăng cường sản xuất khẩu trang do Trung Quốc kiểm soát nhiều nguyên liệu thô và mặt hàng này ít được sản xuất tại Mỹ. Hiện Mỹ có 60 ca nhiễm và hơn 8.400 người đang được theo dõi ở bang California vì Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.