Nguy cơ giả xuất xứ Việt Nam tăng cao

Mai Phương
Mai Phương
13/02/2019 09:00 GMT+7

Bộ Công thương liên tục cảnh báo tình trạng hàng hóa nước ngoài giả xuất xứ VN để xuất khẩu sang nhiều thị trường.

"Mượn" VN hưởng lợi

Ngay những ngày sát Tết Nguyên đán 2019, Bộ Công thương đã cảnh báo tình trạng xe đạp điện xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU) tăng mạnh, trùng với thời điểm Ủy ban Châu Âu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Ủy ban Châu Âu, xuất khẩu xe đạp điện từ VN sang EU trong 11 tháng năm 2018 là 138.467 chiếc, đạt kim ngạch 66,9 triệu euro, tăng 47,4% về lượng và 22,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Điều này có thể dẫn đến nguy cơ Ủy ban Châu Âu tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của VN, gây ảnh hưởng liên đới tới các DN xuất khẩu chân chính. Do đó, Bộ Công thương thông báo sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho mặt hàng xe đạp điện, trong đó đặc biệt lưu ý tới khả năng xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ VN.
Ngày 11.2, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng nhận định, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại VN đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt, hàng hóa nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ VN để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN tham gia hoặc sử dụng xuất xứ để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Thậm chí, có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Vietnam” để gian lận, gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại VN.
Ngoài việc giả xuất xứ, hiện tượng “chuyển tải” đơn hàng từ các nước sang VN để lẩn tránh thuế khi xuất khẩu sang thị trường khác ngày càng nhiều khiến hàng loạt sản phẩm của VN bị nhiều nước điều tra "lẩn tránh" về xuất xứ. Theo thống kê, chỉ tính từ tháng 1 - 11.2018, VN đã có 19 vụ điều tra chống lẩn tránh được các nước khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu như sắt, thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử… Đặc biệt, hầu hết các vụ điều tra đều đi đến kết luận là có tồn tại hành vi lẩn tránh và sau đó hàng hóa VN sẽ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khiến thuế nhập khẩu vào các nước tăng mạnh.

Nguy cơ bị đánh thuế trừng phạt

VN đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do mà mới nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó các loại hàng hóa sẽ dần dần được hưởng thuế nhập khẩu thấp hoặc giảm về 0%. Bên cạnh đó, hàng hóa VN xuất khẩu đi một số nước khác cũng được hưởng thuế khá thấp. Ví dụ tại thị trường Mỹ, VN hiện là nước đứng thứ 5 có thặng dư xuất khẩu, chỉ sau Trung Quốc, EU, Mexico và Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc, EU và Mexico đều đã bị Mỹ thực hành chính sách áp thuế nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Trường đại học Fullbright VN, rủi ro lớn hiện nay là việc hàng Trung Quốc chuyển tải sang VN để xuất khẩu vào Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt. Hoạt động này có thể là xuất nhập đơn giản hay thông qua hoạt động chế biến giả tạo của DN nội địa hay DN có vốn đầu tư nước ngoài tại VN.
Nếu không được kiểm soát và ngăn chặn thì đó có thể trở thành cớ để Mỹ trừng phạt VN. “Một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện ra thì các DN bị trừng phạt là ở VN. Không chỉ riêng DN mà là cả nhóm sản phẩm. Nếu bị Mỹ đánh thuế trừng phạt, tác động đến nền kinh tế VN sẽ tiêu cực hơn rất nhiều so với các nước trên”, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN, phân tích: cơ hội xuất khẩu của hàng hóa VN gia tăng khi các FTA đi vào thực hiện. Tuy nhiên nguy cơ hàng hóa nước ngoài lợi dụng khai thác xuất xứ VN để hưởng lợi cũng khá lớn. Thậm chí, việc giả xuất xứ trên thực tế cũng từng xuất hiện ngay cả khi VN mới được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) bằng chứng nhận xuất xứ Form A.
Vì vậy, cần nhanh chóng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, các hiệp hội ngành hàng tăng cường gắn kết các DN trong ngành để giám sát lẫn nhau. Cơ quan cấp chứng nhận xuất xứ tăng cường kiểm tra để xác định là cấp đúng cho đối tượng DN và hàng hóa. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng phải thường xuyên cập nhật thống kê lượng hàng hóa xuất khẩu để phát hiện các trường hợp tăng đột biến mà không phải do tăng trưởng hoạt động sản xuất ở VN.
Đồng thời phía VN cũng phải phối hợp, trao đổi với các nước thành viên trong các hiệp định thương mại để có thông tin về hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại…
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), do VN chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại VN nên thế nào là hàng “Made in Vietnam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Như hiểu theo nghĩa là hàng hóa có xuất xứ VN để hưởng ưu đãi thuế quan hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại VN hay hàng hóa có thương hiệu của VN.
Vì vậy việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại VN là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.