Nguy cơ khó lường từ đường ống Nord Stream

30/09/2022 06:40 GMT+7

Sau khi những điểm rò rỉ trên 2 đường ống khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 nối từ Nga sang Đức được phát hiện, các bên liên quan đã đưa ra loạt cáo buộc nhắm vào nhau.

AFP đưa tin người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) Kristoffer Bottzauw ngày 28.9 thông báo hơn một nửa lượng khí đốt trong các đường ống Nord Stream 1 (NS1) và Nord Stream 2 (NS2) ở biển Baltic đã thoát ra ngoài. Ông Bottzauw cũng dự đoán toàn bộ lượng khí đốt còn lại sẽ rò rỉ hết trước ngày 2.10.

Bong bóng khí từ NS2 nổi lên vùng biển có đường kính 1 km gần Bornholm, Đan Mạch ngày 27.9

Reuters

Lo thảm họa năng lượng

Việc NS1 và NS2 đồng loạt bị rò rỉ đã gây lo ngại trong những ngày qua. Theo Reuters, nhà điều hành NS2 ngày 26.9 báo cáo áp suất ở đường ống này giảm đột ngột. Sau đó, DEA cho biết 1 trong 2 đường ống NS2 nằm gần đảo Bornholm ở vùng biển Đan Mạch đã bị rò rỉ, đồng thời yêu cầu tàu thuyền tránh khỏi khu vực. Đến ngày 27.9, Cơ quan Hàng hải Thụy Điển phát cảnh báo về 2 điểm rò rỉ trên NS1. Tối 28.9, lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển tiếp tục thông báo họ phát hiện điểm rò rỉ thứ hai trên NS2, nâng tổng số điểm rò rỉ cho đến nay lên 4 vị trí. Đáng chú ý, nhà địa chấn học Thụy Điển Bjorn Lund cho biết ông đã ghi nhận các vụ nổ ở vùng nước xung quanh nơi NS1, NS2 rò rỉ vào ngày 26.9.

Leo thang nghiêm trọng nếu Nga thực sự tấn công Nord Stream

Hiện nguyên nhân vụ việc chưa được làm rõ. Hãng thông tấn TASS dẫn thông báo của Nord Stream AG, nhà điều hành NS1, cho biết họ không thể tính toán thời gian các đường ống sẽ được khôi phục. Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bodskov hôm 28.9 cũng nói phải chờ ít nhất 1-2 tuần để khu vực này ổn định rồi họ mới có thể xem xét những nơi đường ống bị hư hại. Điều này đồng nghĩa với việc khí đốt từ NS1 và NS2 sẽ không chảy đến châu Âu trong mùa đông năm nay, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng. Theo The New York Times, sau khi thông tin về các vụ rò rỉ được đưa ra, giá khí đốt tương lai của châu Âu đã tăng vọt lên 191 USD/MWh, gấp 5 lần mức giá của 1 năm trước.

Các vụ rò rỉ này còn gây lo ngại thảm họa về khí hậu. Dù NS1 đã bị đóng và NS2 chưa đi vào hoạt động, cả hai đường ống này đều chứa đầy khí đốt tự nhiên với thành phần chủ yếu là khí metan. Theo The Guardian, DEA ngày 28.9 cho biết các đường ống chứa tổng cộng 778 triệu m3 khí đốt, tương đương 32% lượng CO2 Đan Mạch phát thải mỗi năm. Với thông tin này, các nhà khoa học ước tính 200.000 đến hơn 400.000 tấn metan đã rò rỉ vào khí quyển.

Rò rỉ khí metan tác động đến khí hậu toàn cầu như thế nào?

Ai đứng sau vụ việc ?

Một loạt lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố những vụ rò rỉ này là hành động phá hoại có chủ ý, đồng thời cảnh báo EU sẽ "phản ứng mạnh mẽ và thống nhất" trước bất kỳ cuộc tấn công nào vào cơ sở hạ tầng năng lượng của khối. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng gọi đây là hành động phá hoại. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng tại Quốc hội Đức Marie-Agnes Strack-Zimmermann nói bà không có bằng chứng, nhưng tin rằng Nga có khả năng đứng sau vụ việc.

Bước ngoặt mới nguy hiểm

Ảnh

Reuters

Reuters dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh) ngày 30.9 sẽ tổ chức lễ ký kết thỏa thuận sáp nhập các vùng lãnh thổ mới và có bài phát biểu quan trọng. Lãnh đạo các phe ly khai ở Ukraine và các quan chức do Nga hậu thuẫn hôm qua đã đến Moscow, theo CNN. Các nhà quan sát nhận định động thái này sẽ đẩy tình hình tại Ukraine đến bước ngoặt mới, nguy hiểm nhất từ trước đến nay. Sau khi sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine, không loại trừ khả năng Nga có thể sử dụng tất cả phương tiện nước này có, kể cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ nơi mà Nga xem là lãnh thổ của mình.

Theo TASS, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28.9 đã gọi những cáo buộc nhắm vào Nga là “ngu ngốc và vô lý”. Ông Peskov cũng nói Nga cực kỳ lo ngại về các vụ rò rỉ và không thể loại trừ việc đã xảy ra các cuộc tấn công. Người phát ngôn này còn lưu ý rằng nhiều công ty Mỹ đang thu lợi nhuận khổng lồ từ việc bán khí đốt cho châu Âu, ám chỉ Mỹ đứng sau vụ việc.

Cáo buộc phá hoại nổi lên sau vụ rò rỉ đường ống Nord Stream

Đáp lại, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson phủ nhận Washington có liên quan, đồng thời cáo buộc Nga đang lan truyền thông tin sai lệch, theo The New York Times. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 29.9 tiếp tục tuyên bố vụ việc xảy ra tại vùng lãnh thổ "hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát" của các cơ quan tình báo Mỹ. Washington chưa phản hồi cáo buộc này.

Hiện các lực lượng vũ trang, lực lượng bảo vệ bờ biển, cơ quan hàng hải, năng lượng, cảnh sát và tình báo Thụy Điển, Đức, Đan Mạch đang mở cuộc điều tra về vụ việc. Tổng cục An ninh Liên bang Nga cũng mở một cuộc điều tra "khủng bố quốc tế" sau khi các đường ống bị rò rỉ. Theo AFP, Hội đồng Bảo an LHQ chiều 30.9 sẽ tổ chức một cuộc họp theo yêu cầu của Nga để thảo luận về vấn đề này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.