Theo trang News.com.au ngày 3.2, các chuyên gia được mời tham dự phiên điều trần của Ủy ban Mỹ - Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ cho rằng có khả năng Bắc Kinh sẽ lợi dụng đại dịch Covid-19 để châm ngòi
khủng hoảng quân sự với Đài Loan và trong khu vực.
Tâm điểm Đài Loan, biển Hoa Đông
Tại phiên điều trần nhằm dự báo về Biển Đông, biển Hoa Đông và
Đài Loan trong năm 2021, giám đốc Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) Peter Jennings dự báo Trung Quốc có thể sẽ “thử các giới hạn”, làm gia tăng khả năng xảy ra khủng hoảng lớn liên quan Đài Loan hoặc biển Hoa Đông trong năm 2021.
Theo ông, khả năng đó có thể không liên quan khả năng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đổ bộ tấn công tại các bãi biển phía bắc Đài Loan, nhưng có thể liên quan việc cản trở về hàng hải, đóng cửa không phận, tấn công mạng, phóng tên lửa gần/bay qua Đài Loan, dùng các phần tử phá hoại, dùng lực lượng PLA trong các hoạt động vùng xám hoặc khả năng chiếm các đảo như Kim Môn, Mã Tổ và Đông Sa.
Chuyên gia này cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục khảo sát bằng hành động quân sự, thử xem phản ứng quốc tế và tiếp tục phép thử. “Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu Bắc Kinh gây khủng hoảng xuyên eo biển (Đài Loan). Có thể Trung Quốc đại lục tính toán rằng cơ hội ngắn hạn đang đến gần để gây áp lực khiến Đài Loan nhượng bộ về tình trạng chính trị trong tương lai”, ông nhận định.
Theo ông, không chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách tiến hành một hoạt động quân sự lớn ở Biển Đông, nhưng có quan điểm sẽ tiến hành nếu thấy có lợi thế. “Tôi mong Mỹ duy trì chính sách lâu dài về hỗ trợ Đài Loan. Điều đó liên quan đến lòng tin của mạng lưới đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương”, ông phát biểu và cho rằng các nước cùng tư tưởng nên khẩn cấp nỗ lực đối phó ảnh hưởng mang tính cưỡng ép của Trung Quốc, và cam kết vì mục đích chung.
Chiến thuật vùng xám
Cũng tại phiên điều trần, chuyên gia phân tích về Trung Quốc Taylor Fravel tại Viện
Công nghệ Massachusetts (MIT- Mỹ) lưu ý rằng Bắc Kinh gần đây đã nhấn mạnh về việc đạt được mục đích mà
không sử dụng vũ lực.
Các chiến thuật vùng xám bao gồm việc phớt lờ các ranh giới quốc tế, lôi kéo về kinh tế và cưỡng ép. “Một chính trị gia hàng đầu Indonesia từng nói với tôi rằng Trung Quốc không có quyền lực mềm thực tế nào ở Đông Nam Á, nhưng có rất nhiều quyền lực tiền”, ông kể.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ các chuyên gia tại phiên điều trần đồng ý về mối đe dọa tiềm ẩn trước mắt. Chuyên gia Robert Sutter tại Trường Ngoại giao Elliott (Mỹ) cho rằng Trung Quốc vẫn còn nhiều lý do để tránh đối đầu với Mỹ.
Tương tự, giáo sư kinh tế quốc tế Mary Lovely tại Đại học Syracuse (Mỹ) nhận định rằng nền
kinh tế thế giới ổn định sẽ có lợi cho Trung Quốc, nhưng nước này cũng có các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm các thách thức trong và ngoài nước. Theo bà, Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm lợi ích từ thương mại và đầu tư quốc tế, và giới lãnh đạo nước này đã nỗ lực ngoại giao để đạt lợi ích đó.
Đài Loan củng cố quân dự bị
Theo Đài CNA, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan ngày 3.2 thông báo về việc đưa ra quy định mới về lực lượng dự bị, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Theo chính sách mới sẽ áp dụng từ năm 2022, lực lượng dự bị sẽ huấn luyện mỗi đợt kéo dài 2 tuần, thay vì 5-7 ngày như hiện nay, và có thể tiến hành hằng năm thay vì 2 năm một lần. Chính sách mới sẽ áp dụng thí điểm từ năm 2022-2023, trước khi chính thức triển khai rộng rãi từ năm 2024. Hiện lực lượng dự bị của Đài Loan có khoảng 770.000 người. Thông báo được đưa ra sau khi người đứng đầu Cơ quan Phòng vệ Đài Loan, ông Nghiêm Đức Phát, cho hay cơ quan này sẽ có biện pháp nhằm đảm bảo lực lượng dự bị là lực lượng hỗ trợ đáng tin cậy nhằm bảo vệ Đài Loan trước việc Trung Quốc đại lục gia tăng hoạt động quân sự quanh Đài Loan.
|
Bình luận (0)