Nguy cơ mắc đái tháo đường ở trẻ béo phì

29/03/2013 16:38 GMT+7

(TNO) Đái tháo đường (ĐTĐ) loại 2 thường chỉ thấy ở người lớn có liên quan đến người thừa cân béo phì. Nhưng với tốc độ gia tăng trẻ béo phì, số ca mắc ĐTĐ ở trẻ em đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

(TNO) Đái tháo đường (ĐTĐ) loại 2 thường chỉ thấy ở người lớn có liên quan đến người thừa cân béo phì. Nhưng với tốc độ gia tăng trẻ béo phì, số ca mắc ĐTĐ ở trẻ em đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

>> Bệnh bàn chân do đái tháo đường
>> Người bị stress dễ mắc đái tháo đường
>> Ứng dụng tế bào gốc điều trị bàn chân đái tháo đường
>> Trà đen có ích cho người đái tháo đường?
>> Cấp insulin miễn phí cho trẻ đái tháo đường
>> Ăn đậu giúp giảm nguy cơ đái tháo đường
>> 10 món ăn bài thuốc trị đái tháo đường

Đái tháo đường (ĐTĐ) loại 2 là tình trạng không dung nạp gluco của cơ thể do sự đề kháng insulin. Bệnh này thường gặp ở người trưởng thành do rối loạn chuyển hóa. Còn ở trẻ em, bệnh đái tháo đường nếu có thường là đái tháo đường loại 1. Tới 90% trẻ em bị ĐTĐ là ở thể này. Nhưng bên cạnh đó 10% ĐTĐ ở trẻ em là loại 2.

Do tính chất cuộc sống thay đổi, chế độ dinh dưỡng thay đổi, số em bé bị bệnh này đang tăng dần và có thể vượt qua con số 10% trong thời gian tới. Các triệu chứng nhận biết ĐTĐ loại 2 ở trẻ em là biểu hiện: ăn nhiều, đái nhiều, uống nhiều, sụt cân. Ngoài ra, con bạn liên tục kêu khát, mệt mỏi, giảm thị lực và xuất hiện các đám biến đổi sắc tố da. Khát nhiều là do em bé mất nước nên có hiện tượng rối loạn nước và điện giải trong cơ thể. Tình trạng mệt tiến triển là do cơ thể không dung nạp được đường dẫn tới sự thiếu hụt năng lượng trong cơ thể.

Hai triệu chứng thính lực và thị lực đặc trưng cho thể bệnh loại 2 vì ĐTĐ loại 2 vốn là bệnh gây biến chứng vi mạch nhiều nhất.

Biến chứng vi mạch sẽ tác động mạnh đến cơ quan thị giác và thính giác. Tình trạng bị tổn thương tế bào nội môi mạch máu, dẫn tới sự xơ cứng và suy giảm chức năng vi tuần hoàn đã giảm nuôi dưỡng cho hai cơ quan này. Hệ quả, võng mạc kém nhạy với ánh sáng và tai thì kém nhạy với âm thanh. Điều này đã là nguyên cớ gây ra giảm thị lực và thính lực ở trẻ nhỏ.

“Đôi bạn thân”: béo phì - ĐTĐ

Béo phì và ĐTĐ loại 2 có mối quan hệ tương đối mật thiết. Gần như các bệnh nhân ĐTĐ loại 2 trong giai đoạn đầu đều có béo phì. Tình trạng béo phì làm gia tăng lượng mỡ xung quanh tụy. Điều này làm giảm khả năng tiết insulin. Đồng thời, lượng mỡ trong cơ thể tăng thì làm tăng sự rối loạn nhận cảm insulin của tế bào, hay nói một cách đơn giản là tăng đề kháng với insulin. Béo phì càng cao thì tính đề kháng càng mạnh.

Mặc dù không phải 100% trẻ béo phì đều bị ĐTĐ loại 2 và không phải 100% trẻ mắc bệnh này đều do béo phì vì vẫn có những trẻ bị ĐTĐ loại 2 mà cân nặng không rơi vào trạng thái béo phì. Song, béo phì trong ĐTĐ loại 2 vẫn là vấn đề nổi trội.

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu giảm thị lực, giảm thính lực, rối loạn sắc tố da (sạm da vùng gáy, nách) và béo phì nên cho trẻ đi khám chuyên khoa để biết chính xác về tình trạng sức khỏe. 

Dinh dưỡng hợp lý là rất quan trọng cho dự phòng ĐTĐ loại 2. Không để trẻ bị dư cân, béo phì. Còn đã ở trong tình trạng này cần nghiêm túc có chế độ ăn, vận động để kiểm soát cân nặng. Việc này cần theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo dinh dưỡng để trẻ vẫn có đủ năng lượng cho đang giai đoạn tăng trưởng.

Cương quyết chống các yếu tố nguy cơ khác như: tĩnh tại, xem ti vi, máy tính nhiều giờ, ưa thực phẩm nhiều dầu, mỡ. Tạo cho trẻ thói quen vận động tích cực: bơi, đi bộ, thể dục thể thao, đạp xe đạp, tập võ thuật... sẽ bảo vệ hệ thống chuyển hóa đường cho con trẻ.

Bác sĩ Hồng Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.