Sán não nguy hiểm ra sao?
Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết bệnh sán não là tình trạng nhiễm phải ấu trùng sán, ấu trùng di chuyển đến sống ký sinh làm tổ trong não và hệ thần kinh trung ương. Chế độ ăn uống không hợp vệ sinh, đặc biệt là những món ăn chưa được nấu chín hoặc đồ sống được cho là yếu tố nguy cơ cao gây ra sán não. Đây là bệnh lý nghiêm trọng nhưng có thể điều trị được nếu phát hiện sớm.
"Trứng sán, ấu trùng sán thường tồn tại ở thực phẩm chưa nấu chín kỹ hoặc thực phẩm sống như cá sống, thịt sống, nem chạo, tiết canh… khi một người ăn những thực phẩm này sẽ có khả năng cao bị nhiễm sán, thường gặp nhất là nhiễm sán dây lợn. Những ấu trùng sán sau khi đi vào cơ thể sẽ di chuyển đến các cơ quan như cơ, đáy mắt, da, gan, phổi và đặc biệt là não", bác sĩ Hà chia sẻ.
Trường hợp phổ biến nhất là kén sán ký sinh ở não từ một đến nhiều ổ gây ra bệnh sán não. Người bị bệnh sán não sẽ gặp các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, động kinh, co giật, tình trạng mất ngủ kéo dài, đau đầu, suy giảm trí nhớ, nhìn mờ, nhìn đôi, liệt mặt, liệt nửa người, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Các triệu chứng của bệnh sán não thường khiến nhiều người lầm tưởng với viêm màng não, u não, động kinh, tai biến mạch máu não, rối loạn tâm thần... người bệnh tốn kém nhiều chi phí và thời gian cho những chẩn đoán nhầm lẫn này. Khi người bệnh đến bác sĩ chuyên khoa ký sinh trùng khám thì bệnh đã diễn tiến nặng, gây ra những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Để chẩn đoán bệnh sán não, bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử người bệnh có thói quen ăn thịt tái, thực phẩm sống nấu chưa chín kỹ, triệu chứng lâm sàng, kết hợp với xét nghiệm miễn dịch chẩn đoán ký sinh trùng sán dây dương tính hoặc chụp cắt lớp (CT) ở não thấy có tổn thương do sán ở não.
Người bệnh phải được điều trị tích cực bằng phác đồ theo chỉ định của bác sĩ như sử dụng các loại thuốc diệt sán kết hợp với các thuốc điều trị triệu chứng như giảm đau, thuốc chống động kinh... và trong một số trường hợp nặng, có thể phải thực hiện phẫu thuật dẫn lưu não thất và lấy kén sán ra ngoài.
Phòng bệnh sán não như thế nào?
Bệnh sán não là một bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh bằng chế độ ăn uống vệ sinh như sau:
Về ăn uống
Ấu trùng sán, trứng sán có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 100 độ C trong vài phút, vì vậy nên thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh lợn, lòng lợn, gỏi thịt/cá sống, thịt lợn tái, thịt bò tái... không ăn sống hoặc tái các loại rau trồng ở vùng bùn lầy hoặc nước trũng như rau ngổ, rau muống, rau cần, rau diếp cá... mà phải nấu chín kỹ mới ăn.
Đặc biệt, cần biết cách nhận diện thịt lợn nhiễm ấu trùng sán (hay còn gọi là thịt lợn gạo). Thịt lợn đóng vai trò là trung gian lây bệnh mang trong mình các ấu trùng sán dây. Những miếng thịt có các ấu trùng hình bầu dục, màu trắng đục nhìn giống “hạt gạo”, bên trong chứa dịch thể và đầu sán. Những ấu trùng này ký sinh ở các cơ hay hoạt động nhiều của lợn như cơ lưỡi, cơ đùi sau... Tuyệt đối không ăn thịt lợn gạo kể cả đã được nấu chín kỹ.
Giữ gìn vệ sinh
Rửa tay với xà phòng trong các trường hợp: Trước khi chế biến thực phẩm; mỗi khi tiếp xúc từ thực phẩm sống qua thực phẩm chín; trước khi ăn; sau mỗi lần đi vệ sinh.
Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ nấu ăn, chén bát. Có dụng cụ riêng sử dụng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín.
Giữ môi trường sống sạch sẽ, sử dụng nhà tiêu tự hoại.
Hạn chế thả rông lợn.
Nếu nuôi lợn thì phải tuân thủ những quy trình xử lý phân, hay ngăn cách địa điểm nuôi với môi trường sống.
Bình luận (0)