Nguy cơ mất việc vì robot

14/12/2016 08:34 GMT+7

Toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với VN.

Nếu không có những quyết sách kịp thời, hàng chục triệu lao động VN sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi robot (người máy).
Đó là cảnh báo của các chuyên gia tại buổi đối thoại chính sách việc làm “VN cần làm gì để đáp ứng được thay đổi về công nghệ và kỹ năng lao động”, do Bộ LĐ-TB-XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 13.12.
86% lao động dệt may - da giày có thể sẽ mất việc
Theo một nghiên cứu mới của ILO, có đến 86% lao động (LĐ) trong ngành dệt may - da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa. 3/4 số LĐ làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện - điện tử có thể sẽ bị thay thế bởi robot. Đây là những ngành xuất khẩu chính của VN, chiếm gần 40% tổng số việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, ngành dệt may - da giày chủ yếu là thâm dụng LĐ và kỹ năng tay nghề thấp. Năng suất LĐ của các ngành này thấp báo động, chỉ ở mức 20% của Thái Lan và gần tương đương với Campuchia.
Chúng ta đang phải cạnh tranh với robot. Tiền lương của robot đang giảm đi. Trong khi tiền lương của người LĐ lại đang tăng lên. Khi các chi phí tăng, người ta sẽ chuyển hết sang robot vì robot không đình công, không phải mua bảo hiểm, có thể làm việc 24/24
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN

Bà Nguyễn Thiên Lý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10, lo lắng: “Đây là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp (DN) dệt may. Với lợi thế nhân công giá rẻ, các đơn hàng gần đây đã chuyển dần sang Campuchia, Myanmar, Bangladesh... Chỉ cái gì khó không ai làm, rẻ không ai nhận mới đến lượt DN VN. Mặc dù sẽ rất khó khăn cho cả DN và LĐ nhưng để tăng năng suất và cạnh tranh đơn hàng, chúng tôi buộc phải đầu tư, cải tiến thiết bị công nghiệp. Mỗi máy cắt tự động có thể thay thế 12 - 15 LĐ. Các thiết bị khác tiết kiệm từ 2 - 3 LĐ”.
Tuy nhiên, theo bà Lý, một vấn đề khác DN gặp phải đó là có rất nhiều công nghệ mới người LĐ không nắm bắt để vận hành máy móc. Thực tế, DN này phải đào tạo lại rất nhiều LĐ. “Tôi rất mong nhà nước nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ DN đào tạo. Các trường cao đẳng nghề cho các DN tiếp cận công nghệ mới tốt nhất, có sự hỗ trợ để chúng tôi đào tạo chuyên gia công nhân có tay nghề tốt”, bà Lý nói.
Tại DN điện tử Canon, bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng cấp cao Công ty TNHH Canon VN, cho biết trong 6 - 7 năm trở lại đây Canon VN đã cắt giảm khoảng 5.000 LĐ. “Từ 13.000 LĐ, giờ chúng tôi chỉ còn 8.000 LĐ, nhiều công việc trên dây chuyền sản xuất trước đây do con người làm đã được robot đảm nhận thay thế”.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), dự báo trong khoảng 10 - 15 năm tới, thậm chí nhanh hơn (5 - 10 năm tới), tự động hóa sẽ trở thành làn sóng. “Chúng ta đang phải cạnh tranh với robot. Tiền lương của robot đang giảm đi. Trong khi tiền lương của người LĐ lại đang tăng lên. Khi các chi phí tăng, người ta sẽ chuyển hết sang robot vì robot không đình công, không phải mua bảo hiểm, có thể làm việc 24/24... Chúng ta sáng tạo ra robot, điều khiển và tương tác với robot. Vì vậy, trong cuộc cách mạng mới, rất cần một thế hệ người LĐ sáng tạo”, ông Lộc bày tỏ.
Cần có chính sách bảo vệ người lao động
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn LĐ VN, đề xuất: “Chúng ta phải có chính sách bảo vệ người LĐ. Tôi rất tiếc trước đây trong bộ luật LĐ quy định, các DN phải có quỹ đào tạo dự phòng cho người LĐ, đặc biệt là LĐ nữ. Sau nhiều lần sửa đổi, chúng ta đã bỏ quy định này. Tới đây, khi sửa đổi bộ luật LĐ, nên đưa quy định này vào để khi DN thay thế LĐ, họ có thể tiếp tục làm việc trong các ngành khác”.
Ngoài ra, theo ông Chính, một số nước có chính sách đến thời điểm nào đó đánh thuế vào robot để đảm bảo quyền cho người LĐ. Nên chăng, VN cũng cần áp dụng quy định này.
Tuy nhiên, Phó giám đốc ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương David Lamotte cho rằng, đón đầu những xu hướng đang thay đổi tại nơi làm việc và những đổi mới công nghệ, VN nên cải thiện các kỹ năng cần thiết cho lực lượng LĐ thông qua sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng LĐ và các cơ sở đào tạo để hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng nghề.
“Thời đại khoa học công nghệ, kiến thức chuyên môn thay đổi nhanh chóng, để không bị robot “đánh cắp” việc làm, cần trang bị cho người LĐ kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng ứng phó với thay đổi… Những kỹ năng này, trong hệ thống giáo dục của mình làm chưa tốt, dạy nghề phải song song với dạy kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên”, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Thị Hồng Lan nhìn nhận, muốn thay đổi thì không chỉ một phía, nhà nước, các bộ ngành, DN và bản thân người LĐ đều phải hành động. “Tôi đồng ý, chúng ta phải đầu tư vào con người. DN phải chủ động phối hợp với các viện nghiên cứu để thay đổi cách thức quản lý. Về phía người LĐ, phải xác định học suốt đời, nếu không sẽ bị đào thải”, bà Lan nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.