Nguy cơ ngộ độc, tử vong khi ăn hạt muồng tây để trị bệnh tiểu đường

Lê Cầm
Lê Cầm
26/05/2022 04:00 GMT+7

Mặc dù muồng tây có tác dụng chữa bệnh nhưng không phải để trị tiểu đường, ngoài ra hạt muồng tây là nơi tập trung nhiều độc tố có thể gây yếu cơ, liệt toàn thân, thậm chí tử vong.

Vừa qua, bà Phạm Thị X, 56 tuổi, ở Kiên Giang, được biết hạt muồng tây có thể chữa bệnh tiểu đường nên hai vợ chồng bà ăn hạt muồng tây với mong muốn ngừa bệnh.

Sau 3 tháng ăn hạt muồng tây, vợ chồng bà X. thấy người mệt mỏi, suy nhược, chân tay yếu nên đi khám tại bệnh viện địa phương. Giữa tháng 4.2022, hai vợ chồng bà chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai điều trị trong tình trạng teo cơ, liệt toàn thân.

Không ăn hạt muồng tây để trị tiểu đường

Bác sĩ Huỳnh Văn Mười, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM, cho biết với người bệnh tiểu đường, việc điều trị phải thường xuyên xét nghiệm để theo dõi lượng đường huyết, tránh những biến chứng nguy hiểm, chứ không phải dùng bài thuốc truyền miệng, dân gian.

Toàn bộ cây muồng tây đều có độc tố anthraquinone nhưng tập trung ở hạt. Y học đã ghi nhận chúng gây độc với cơ, thần kinh, đặc biệt gây hoại tử cơ, thoái hóa cơ, tổn thương gan, não và tử vong trên người và động vật. Do đó, dù có dược tính chữa bệnh thông thường nhưng toàn cây muồng tây đều có độc, vì vậy, khi dùng làm thuốc cần hỏi thêm ý kiến của thầy thuốc.

Với người bệnh tiền tiểu đường, có lượng đường trong máu cao, nhưng chưa đến mức bị tiểu đường thì nên thay đổi lối sống để tránh tiến triển thành tiểu đường, nhất là tuân thủ ăn uống lành mạnh, tập thể dục.

Người tiểu đường ưu tiên axit béo không bão hòa từ các nguồn thực phẩm cá hồi, cá ngừ, cá thu, dầu nành, dầu phộng,… để tránh rối loạn chuyển hóa; tăng cường rau xanh, trái cây ít ngọt để cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất.

Bác sĩ Mười khuyến cáo người bệnh tiểu đường cần chia nhỏ bữa ăn (5-6 bữa/ngày) để tránh tăng đường huyết quá mức sau ăn và hạ đường huyết khi xa bữa ăn. Người bệnh cần hạn chế tinh bột (carbohydrate) trong bữa ăn; hạn chế các thực phẩm chứa đường đơn (bánh, kẹo, nước ngọt) để tránh đường huyết tăng cao sau ăn; sử dụng lượng chất béo vừa phải.

Riêng người bệnh tiểu đường biến chứng tim mạch nên hạn chế muối, thức ăn nhiều cholesterol như da, mỡ (trừ mỡ cá), nội tạng động vật, đồ chiên, xào, nướng và đồ ăn nhanh.

Dược liệu chữa bệnh trong y học cổ truyền nhưng chứa độc tố

Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết cây muồng tây (Senna occidentalis (L.) Link), còn được gọi với nhiều tên khác nhau như cốt khí muồng, muồng lá khế, vọng giang nam.

Đây một loài thực vật nằm trong phân họ Vang, thuộc họ Đậu (Leguminosae), được tìm thấy ở nhiều khu vực nhiệt đới của Nam Mỹ bao gồm cả vùng Amazon thuộc Brazil, được sử dụng rộng rãi như một cây thuốc ở một số quốc gia. Ở Việt Nam, cây mọc tự nhiên ở trung du và miền núi, kể cả đồng bằng, phổ biến và có thể bắt gặp ở khắp nơi.

Trong y học cổ truyền, các bộ phận khác nhau của cây này (hạt, rễ, lá và thân) đã được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc nhuận tràng, giảm đau, hạ sốt, lợi tiểu, bảo vệ gan, cũng như để điều trị bệnh lao, bệnh lậu, đau bụng kinh, thiếu máu, cúm, các bệnh về gan và đường tiết niệu.

Đặc biệt, hạt của cây với thành phần chính là các axit béo và nhiều hợp chất nhóm anthranoid (chrysophanol, emodin, aloe-emodin, các anthron, các sennosid,….) có tác dụng nhuận tràng, hạt cũng được sử dụng chữa tê thấp, bệnh ngoài da, hậu sản, lỵ, khó tiêu và cả tác dụng trị tiểu đường.

Các nghiên cứu về độc tính đã cho thấy tác dụng gây độc mạnh của hạt Cassia occidentalis đối với động vật, còn các nghiên cứu lâm sàng trên người hiện nay gần như chưa có.

Hạt muồng tây là nơi tập trung nhiều độc tố

shutterstock

Ngộ độc muồng tây có thể gây yếu cơ, tử vong

Các dấu hiệu ngộ độc hạt muồng tây khác nhau ở các loài động vật với các triệu chứng như mất điều hòa, yếu cơ, giảm trọng lượng cơ thể, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Thoái hóa cơ xương là tổn thương chủ yếu được tìm thấy ở phần lớn các loài động vật bị ngộ độc hạt muồng tây. Cơ chế của ngộ độc đã được mô tả là do suy giảm chức năng của ty thể và suy giảm glycogen. Dianthron (một hợp chất trong nhóm anthranoid) có trong hạt muồng đã được xác định có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh trên ty thể khi ngộ độc hạt này.

Ở Brazil, một số chế phẩm từ hạt muồng tây cũng được thương mại hóa chủ yếu có tác dụng nhuận tràng (do cơ chế co thắt đại tràng của các anthranoid) nên được sử dụng để điều trị táo bón. Tuy nhiên, khi sử dụng cần phải có liều lượng, ví dụ như đối với chế phẩm chứa các sennosid chiết xuất từ hạt muồng tây chỉ dùng từ 8,6 đến 17,2 mg, ngày 2 lần cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên, 8,6 mg, ngày 1 lần trước khi ngủ cho trẻ từ 6-11 tuổi. Các dạng sản phẩm khác thì sẽ có liều lượng khác nhau.

Hoa của cây muồng tây có sắc vàng rực rỡ

shutterstock

Phụ nữ có thai và người đang cho con bú, những người đang sử dụng digoxin, warfarin và các thuốc lợi tiểu cũng nên tránh sử dụng muồng tây do có thể xảy ra tương tác thuốc.

Theo dược sĩ Triết, từ các thông tin ở trên có thể thấy hạt muồng tây trên thực tế đã được sử dụng trong y học rất nhiều và liều lượng cũng khác nhau tùy vào bộ phận dùng, dạng chế phẩm, thành phần hoạt chất… Độc tính cũng đã được nghiên cứu nhiều trên động vật nhưng chưa có nhiều cơ sở dữ liệu về độc tính trên người.

Vì vậy, phải xác định rõ ràng đây là thuốc, không thể dùng thường xuyên như thực phẩm, khi sử dụng đều cần có sự tư vấn của chuyên gia và bác sĩ điều trị để tránh ngộ độc có thể xảy ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.