Các kim loại độc hại, chẳng hạn như chì, là thành phần chính trong các công nghệ được thường xuyên sử dụng trên khắp thế giới. Một nghiên cứu mới cho thấy con người đã hấp thụ các kim loại này vào cơ thể qua hàng ngàn năm.
Lịch sử lâu dài
Các nhà nghiên cứu ở Israel phát hiện rằng hiện tượng nhiễm độc chì trong xương của con người đã tồn tại từ 12.000 năm trước. Họ cảnh báo rằng công nghệ hiện đại có thể chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, theo StudyFinds ngày 16.8.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Hebrew ở thành phố Jerusalem (Israel) đã kiểm tra các hài cốt tại một khu chôn cất được sử dụng đến tận thế kỷ 17 ở Ý. Họ phát hiện mức độ nhiễm chì trong xương con người phản ánh chặt chẽ tỷ lệ sản xuất chì trên toàn cầu trong suốt nhiều thế kỷ, theo nghiên cứu đăng trên chuyên san khoa học Environmental Science and Technology.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết thêm rằng khi thế giới bắt đầu khai thác kim loại hiếm và sử dụng chúng để sản xuất nhiều hàng hóa hơn, tỷ lệ hấp thụ chì vào người cũng tăng lên theo. Điều này đúng với cả những người tiếp xúc nhiều với chì và cả những người chỉ hít phải nó.
Giáo sư Yigal Erel, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Nói đơn giản, chúng ta sản xuất càng nhiều chì thì càng có nhiều người có xu hướng hấp thụ nó vào cơ thể. Điều này có ảnh hưởng rất độc hại”.
“Xanh” nhưng không “sạch”
Nhóm nghiên cứu nói rằng ngay cả những sản phẩm “sạch nhất” ngày nay cũng có thể làm tăng mức độ phơi nhiễm của con người với các kim loại độc hại, bất chấp các quy định toàn cầu đã cấm sử dụng nhiều chất độc hại trong sản xuất. Họ đặc biệt lưu ý rằng các thiết bị điện tử, pin, tấm pin mặt trời và thậm chí cả tuabin gió cũng đang có nhu cầu cao và có thể làm tăng mức độ ô nhiễm kim loại toàn cầu.
“Mối quan hệ chặt chẽ giữa tỷ lệ sản xuất chì và nồng độ chì trong cơ thể con người trong quá khứ cho thấy rằng nếu không có quy định thích hợp, chúng ta sẽ tiếp tục phải chịu những tác động tổn hại đến sức khỏe của ô nhiễm kim loại độc hại”, giáo sư Erel cảnh báo.
Theo ông, việc tiếp xúc với chì có thể diễn ra theo nhiều cách, từ chế độ ăn uống, ô nhiễm không khí đến sự hấp thụ của đất. Ông cũng cho biết thêm rằng ngay cả công nghệ xanh như các tấm pin mặt trời cũng sẽ hư hỏng theo thời gian, từ đó giải phóng các thành phần độc hại của chúng vào không khí mà chúng ta hít thở.
“Việc mở rộng sử dụng kim loại phải đi đôi với vệ sinh công nghiệp. Lý tưởng nhất là tái chế kim loại an toàn và tăng cường xem xét khía cạnh môi trường và độc chất trong việc lựa chọn kim loại để sử dụng trong công nghiệp”, giáo sư Erel nhận định.
Bình luận (0)