Theo quy định, cát mặn chỉ có thể sử dụng san lấp mặt bằng nhưng chủ các vựa cát lại mua về rửa mặn, pha với cát sông và bán ra thị trường làm cát xây dựng!
Việc sử dụng phải những loại cát bẩn này chính là nguyên nhân khiến nhiều công trình xây dựng, nhà dân bị hư hại, xuống cấp nhanh chóng. Đặc biệt, những dự án xây dựng vốn đầu tư lớn nếu không cẩn thận cũng “dính” cát bẩn và tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.
Lợi nhuận khủng từ cát bẩn
Thuê một tàu đánh cá của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), 3 giờ sáng một ngày cuối tháng 1, chúng tôi đi ra vùng biển Cần Giờ. Mất khoảng 1 giờ di chuyển, chúng tôi đến khu vực cách xa đất liền khoảng 10 hải lý. Đây là khu vực nằm giáp ranh giữa BR-VT và TP.HCM, nổi tiếng với các tàu "ăn" cát mặn.
Ảnh: Đình Sơn
|
Trong màn đêm đen kịt, từ xa xuất hiện những ánh đèn cao áp và văng vẳng tiếng máy nổ. Càng lại gần, tiếng động cơ gầm rú càng lớn làm xé toạc màn đêm tĩnh lặng. Lúc này trước mắt chúng tôi có khoảng 11 con tàu tải trọng lớn đang cật lực hút cát đưa lên các sà lan. Đến trưa hôm sau, các sà lan đã đầy cát và tàu bắt đầu “rút” về các bãi tập kết ở BR-VT. Đây là một khu đất rộng lớn được chia làm hai khu vực để cát mặn và cát ngọt. Cát mặn chở về đây được bơm nước ngọt rửa. Sau đó dùng máy xúc “pha” với cát ngọt (cát sông) theo một tỷ lệ mà giới đầu nậu trong nghề tiết lộ khoảng 6 - 4 (60% cát mặn và 40% cát ngọt). Từ đây, nguồn “cát bẩn” được vận chuyển đi khắp nơi bán cho các công trình xây dựng.
|
Theo chủ một vựa cát xây dựng tại TP.HCM, hơn 90% lượng cát xây dựng hiện nay đang bán trên thị trường là cát đã được pha trộn với cát mặn. Điều này gây hại cho các công trình vì cát mặn là loại vật liệu không đủ điều kiện kỹ thuật để dùng trong xây dựng. Nguồn cát mặn phần nhiều lấy từ các công trình nạo vét cửa sông, cửa biển, khơi thông luồng lạch, vốn chỉ cho mục đích san lấp mặt bằng. Nhưng các chủ vựa vật liệu xây dựng thường mua cát mặn về rửa qua một lượt, sau đó bơm trộn với cát ngọt rồi bán với giá cát ngọt để kiếm lời. “Cát san lấp mặt bằng khoảng 100.000 đồng/m3 còn cát xây dựng có giá cao gấp 2 đến 3 lần. Chính vì lợi nhuận quá lớn nên hầu như chủ vựa cát xây dựng nào cũng pha cát bẩn để kiếm lợi. Khi bán, người ta thường bày cát ngọt ra để khách hàng chọn nhưng khi giao thì gần như 100% là cát đã được pha trộn. Việc pha cát mặn với cát ngọt diễn ra hằng ngày nhưng chỉ những người trong nghề mới biết”, vị này thừa nhận.
Giám đốc kỹ thuật một công ty xây dựng cho biết, cát mặn thường được bán cho các công trình xây dựng của người dân. Nhưng nhiều chủ thầu xây dựng cũng "khoái" cát mặn vì khi trộn hồ dễ hơn, đỡ tốn nước và giữ ẩm lâu hơn, dễ dàng tô trét, ít tốn công.
Có thể làm sập công trình
Để kiểm tra độ xác thực của thông tin "90% lượng cát xây dựng trên thị trường hiện nay là cát pha, cát bẩn", chúng tôi đã lấy ngẫu nhiên 10 mẫu cát xây dựng tại các điểm bán vật liệu và các công trình xây dựng ở một số quận, huyện đem đến Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) phân tích. Kết quả, có đến 9 mẫu vượt tiêu chuẩn hàm lượng clorua trong cát xây dựng; trong đó 5 mẫu cát vượt tiêu chuẩn đến 700% so với quy định hàm lượng clorua (độ nhiễm mặn - PV) trong cát không quá 0,01%.
Theo các chuyên gia, sử dụng cát mặn trong xây dựng sẽ khiến tường bị ố đỏ, bị nổ, chảy nước vàng, nhìn bên ngoài thấy nứt như tổ chim. Lâu ngày sơn tường sẽ bị nước mặn “ăn” bong tróc, gạch bị ăn mòn.
Các công trình xây dựng dân dụng thường "dính" phải loại cát pha mặn - Ảnh: D.Đ.Minh
|
Ông Hà Ngọc Anh Minh, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty xi măng Holcim VN, cho biết cát nhiễm mặn mang đến nhiều sự cố tiềm ẩn đối với công trình. Thông thường, bê tông sẽ có khả năng bảo vệ cốt thép bằng độ dày lớp bê tông và môi trường kiềm bao quanh cốt thép. Lớp bê tông bảo vệ sẽ hạn chế việc thấm nước, ngăn cản sự khuếch tán của các tác nhân ăn mòn. Nhưng khi sử dụng cát nhiễm mặn có chứa nhiều ion clorua hơn so với cát ngọt sẽ phá vỡ môi trường kiềm bảo vệ quanh cốt thép, gây ăn mòn. “Việc ăn mòn cốt thép trong bê tông làm giảm tiết diện ngang của thép, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực. Về lâu dài, còn tạo thành các vết nứt và bong tróc trên bề mặt bê tông do sự tích tụ gỉ sét quanh cốt thép gây ra. Khi bị nứt, quá trình ăn mòn càng tăng nhanh vì lúc đó hiệu quả bảo vệ của lớp bê tông không còn nữa. Điều này sẽ khiến công trình bị hư hại, có thể bị sụp đổ”, ông Minh cho hay.
Nhà ông Nguyễn Chí Anh (ấp 3, xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè) được cho là nạn nhân của tình trạng này. Căn nhà mới xây được hơn 1 năm nhưng một bên bức tường đã xuất hiện dày đặc các vết ố, nổ, bong tróc sơn. Bức tường xuất hiện các vết nứt như mạng nhện. Ông Chí Anh cho biết vào mùa mưa tình trạng trên còn nặng hơn, tường bị rỉ nước màu vàng. Ông đã phải chống thấm bên ngoài thêm một lần nữa, sơn lại tường nhưng vẫn không giảm. Trước đó, một căn nhà của ông ở Bình Tân còn bị nặng hơn khi sơn tường bị bong tróc từng mảng lớn, gạch bị mục nát. Sau nhiều lần sửa chữa không có kết quả, ông đã mua gạch men ốp hết toàn bộ căn nhà. Nguyên nhân được cho là mua phải cát mặn để xây dựng nên nước mặn trong cát ăn mòn vật liệu, làm cho căn nhà bị hư hại.
Về trường hợp trên, theo ông Minh, để xác định chắc chắn cát có nhiễm mặn hay không, cần mang cát đến các phòng thí nghiệm xây dựng để đánh giá. Tại công trường, có thể đánh giá sơ bộ bằng mắt thường như cát nhiễm mặn có vỏ sò nhiều lẫn trong cát. Nhằm đảm bảo chất lượng bê tông cho công trình, tránh những sự cố do cát nhiễm mặn mang lại, người dân có thể mua bê tông tươi tại các đơn vị cung cấp bê tông có uy tín để tránh mua phải cát bẩn.
Phạt như “gãi ngứa”
Một lãnh đạo Bộ đội biên phòng TP.HCM nhìn nhận, khai thác cát lậu đã nhiều năm rồi, nhưng các đối tượng thường dùng tàu có thể tháo đáy, bơm cát ra ngoài phi tang và nói rằng “lấy nước mặn về để nuôi thủy sản”. Trong khi đó, quy định hiện nay chỉ xử phạt hành chính hành vi vận chuyển khoáng sản theo luật giao thông 500.000 đến 1 triệu đồng nên không đủ răn đe, “chỉ như gãi ngứa”. Chính vì vậy nên tình trạng hút cát lậu vẫn hoành hành khắp nơi.
|
Bình luận (0)