Dù các địa phương đã ra quân, kiểm soát cũng như áp dụng nhiều biện pháp rắn, xử phạt nhưng tình trạng khai thác trộm tài nguyên vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
>> Tài nguyên chảy máu - Kỳ 2: Mới cho thăm dò đã khai thác sạch
>> Tài nguyên chảy máu
Một chiếc tàu hút cát vừa được đăng kiểm ngang qua trạm chốt chặn - Ảnh: H.S
|
Để ngăn chặn tình trạng “sa tặc”, TX.Điện Bàn áp dụng quy định các ghe, tàu vận chuyển cát được cấp một phiếu để kiểm soát và chỉ cho khai thác vào ban ngày. Tuy nhiên, để hút trộm cát, những chủ ghe thường không nộp phiếu mà cứ lặng lẽ đi hút cát trộm chỗ khác.
“Khi kiểm tra, người ta trình phiếu nhưng qua xác minh thì các phiếu này đã dùng cho một lần khai thác cát trước đó mà chủ ghe, tàu không nộp phiếu lại”, một cán bộ phân tích cách thức lợi dụng của các chủ ghe khai thác trộm cát. Nhiều trường hợp sau khi bị bắt giữ, ngành chức năng phải đưa ra bằng chứng đấu tranh thì họ mới chịu nhận.
Cũng theo cán bộ này, cho dù lấy ở ngay mỏ nhưng không đúng theo giờ quy định (khai thác từ 6-17 giờ hằng ngày) hoặc vận chuyển không đúng giờ giấc cũng được coi là trái phép”.
Ông Phan Minh Dũng, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn cho biết vừa qua, địa phương đã bắt giữ 10 tàu hút cát trái phép.
“Trước mắt để răn đe, chúng tôi đã xử phạt 8 ghe với mức 30 triệu đồng/chiếc, nếu tái phạm có thể thu giữ phương tiện”, ông Dũng nói.
|
Trong khi đó, ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN-MT Quảng Nam) cho biết, Công ty Phúc Thịnh Đạt khai thác cát trái phép tại xã Duy Trinh (H.Duy Xuyên) nhận chỉ khai thác 1.000m3 trong số 5.000m3 cát bị khai thác trái phép tại khu vực thôn Chiêm Sơn. Sau khi xảy ra sự việc, Công an tỉnh phối hợp với Phòng TN-MT xử lý và ra quyết định xử lý hành chính, xử phạt đơn vị này 100 triệu đồng.
Cấp mỏ khai thác đúng quy hoạch
Theo BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hiện đang rất “khát” nguồn vật liệu để san lấp. Được biết, số lượng vật liệu phục vụ cho san lấp tại dự án đoạn qua Quảng Nam hiện thiếu tương đương 14 triệu m3 đất cát.
“Nhiều khu vực cát có chất lượng tốt tại địa bàn H.Duy Xuyên (Quảng Nam) không nằm trong quy hoạch mở mỏ nên xuất hiện tình trạng người dân đóng ghe thuyền không có đăng kiểm để khai thác cát là có thật”, ông Nguyễn Thế Hởi, Trưởng phòng TN-MT H.Duy Xuyên nhìn nhận vấn đề.
“Để giải quyết cái gốc thì phải đánh giá nhu cầu về cát xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó có kế hoạch, tiến hành cấp mỏ cho các doanh nghiệp đồng thời quản lý chặt các phương tiện ghe thuyền khai thác cát”, ông Hởi nói thêm.
Theo ông Phan Minh Dũng, nhu cầu về vật liệu xây dựng sắp tới cho dự án đường cao tốc hiện rất lớn, nhất là vào các năm 2016 và 2017. Do đó, tỉnh cần cấp phép theo đúng quy hoạch và tăng cường quản lý, kiểm soát.
“Đối với quản lý khai thác cát trái phép thì phải phòng là chính, quản lý ngay từ đầu vào chứ không chờ đến khi vi phạm mới bắt và xử lý. Do đó, có 3 việc phải làm là: quản lý được phương tiện; quản lý được các mỏ; quản lý các điểm trung chuyển cát”, ông Dũng nhận định.
Mới đây, tại cuộc họp bàn giải pháp ngăn chặn khai thác cát trái phép, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê bình Sở GTVT trong việc buông lỏng công tác quản lý phương tiện vận tải đường thủy nội địa trong thời gian vừa qua.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sở kiểm điểm nghiêm túc, đồng thời triển khai tổ chức kiểm tra, kiểm soát toàn bộ phương tiện vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, trước tiên là các địa phương dọc theo tuyến sông Vu Gia - Thu Bồn.
Giám đốc Công an tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan và công an địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra khai thác cát sỏi lòng sông. Sắp tới, sẽ thành lập tổ chốt chặn do Sở GTVT làm chủ công với sự phối hợp các thành viên gồm: PC49, CSGT…
Bình luận (0)