Nguy cơ thiếu điện mùa khô?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
10/04/2023 06:30 GMT+7

Lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của quý đầu năm giảm. Thông tin này khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ thiếu điện trong mùa khô năm nay.

Thời tiết nắng nóng, thủy điện cạn nước…

Số liệu tổng kết từ Tập đoàn Ðiện lực VN (EVN) trong tháng 3 cho thấy sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 23,22 tỉ kWh, giảm 0,7% so với tháng 3.2022. Tính lũy kế hết quý đầu năm nay, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 61,83 tỉ kWh - giảm 1,6% so với cùng kỳ, tương đương giảm 1,2 tỉ kWh.

Nguy cơ thiếu điện mùa khô? - Ảnh 1.

Việc chậm ban hành Quy hoạch điện 8 gây khó khăn cho ngành điện

ÐÀO NGỌC THẠCH

Ðây là năm đầu tiên trong vòng 5 năm qua, sản lượng sản xuất của ngành điện tại quý đầu năm giảm. Theo EVN, về cơ cấu, nguồn điện huy động cao nhất trong 3 tháng qua từ nhiệt điện than đạt 28,03 tỉ kWh, chiếm khoảng 45,3% tổng sản lượng huy động; thủy điện đạt 15,38 tỉ kWh, chiếm gần 25%; điện tái tạo đạt 10,22 tỉ kWh, chiếm 16,5%; tuabin khí đạt 7,14 tỉ kWh, chiếm 11,6% và điện nhập khẩu đạt 953 triệu kWh, chiếm 1,5%. 

So sánh với sản lượng điện huy động cùng kỳ năm ngoái, các nguồn điện trên đều giảm, chỉ có điện nhập khẩu tăng mạnh. Trong đó, điện than giảm khoảng 340 triệu kWh, thủy điện giảm 1,1 tỉ kWh, điện tái tạo giảm 210 triệu kWh, điện tuabin khí giảm 420 triệu kWh, điện nhập khẩu tăng hơn 500 triệu kWh… Lý giải sản lượng điện sụt giảm, đại diện EVN cho biết trong quý 1, sản lượng sản xuất điện tại miền Bắc tương đối ổn định, miền Trung tăng và miền Nam giảm. Song tính tổng nguồn cả 3 miền thì có giảm nhẹ, do nhu cầu tiêu thụ điện trong sản xuất kinh doanh giảm.

Ðại diện EVN phân tích: "Mọi năm, tại thời điểm này mới đầu mùa khô ở miền Nam nhưng năm nay do nhuận tháng 2 âm lịch nên mùa khô đến sớm. Trong khi đó, tại miền Bắc chưa vào mùa nóng nhưng nhiệt độ trung bình tăng cao hơn so với mấy năm trước. Thời tiết nóng hơn, tình hình nước về các hồ thủy điện từ đầu năm nay có xu hướng giảm so với trung bình nhiều năm. Ðồng thời, dự báo thời tiết và nhiệt độ mùa hè năm nay sẽ nóng hơn so với mức bình thường nên tình hình cung cấp điện cũng có những khó khăn hơn, nhất là ở phía bắc. Nếu nắng nóng gay gắt kéo dài trong mùa hè ở miền Bắc, có thể dẫn tới nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ về lưới điện, gây gián đoạn cung cấp điện vào một số thời điểm".

Theo EVN, từ tháng 4 bắt đầu mùa khô, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 745 triệu kWh/ngày. Mức này không cao so với mọi năm, song Tập đoàn tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, đặc biệt tiết kiệm. Chủ trương của Tập đoàn là tiết kiệm triệt để thủy điện đa mục tiêu, nhất là các thủy điện ở miền Bắc để giữ nước, đảm bảo cung cấp điện lâu dài đến hết mùa khô. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động cao các nhà máy nhiệt điện than, tuabin khí để giữ nước các hồ thủy điện.

Chậm ban hành chính sách gây nguy cơ thiếu điện

Trong khi đó, các chính sách liên quan ngành điện được ban hành rất chậm. GS-TSKH Trần Ðình Long, Viện trưởng Viện Ðiện lực VN, nhận xét: Nhìn vào tỷ lệ các nguồn huy động điện cho thấy, điện than vẫn chiếm ưu thế lớn nhất, tỷ lệ trên tổng nguồn còn cao hơn quý đầu năm ngoái. Trong khi hơn 1 năm qua, ngành điện "rên xiết" vì giá than thế giới leo thang. Trong khi nguồn điện tái tạo trong 2 năm qua bị chững lại do chính sách giá FIT ưu đãi hết thời hạn, khiến thủy điện và điện than phải phát cao hơn để bù nguồn cung. Năm 2022, sau khi tiết kiệm hết sức, EVN vẫn lỗ hơn 26.000 tỉ đồng và 3 tháng đầu năm tiếp tục lỗ hàng chục tỉ đồng.

Nguy cơ lỗ sẽ tiếp tục tăng khi sản lượng điện vẫn tiếp tục phụ thuộc lớn vào điện than và thủy điện. Hiện tại, khai thác thủy điện - giá thành rẻ nhất trong hệ thống điện của cả nước - có dấu hiệu chững lại, khó mở rộng đầu tư và tăng sản lượng trong bối cảnh mùa khô đến. Trong khi đó, nguồn năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục chờ cơ chế, giá mới… rõ ràng là hết sức lãng phí. "Việc chậm có chính sách, thời gian từ chủ trương đưa ra đến khi được thực hiện trong chiến lược phát triển điện tái tạo tại VN đi chậm hơn nhiều so với xu hướng phát triển và thực tế đang diễn ra. Ðó là điều cơ quan quản lý cần nhìn nhận thấu đáo và phải "sốt ruột" hơn nữa", GS-TSKH Trần Ðình Long nêu quan điểm.

Nguy cơ thiếu điện mùa khô? - Ảnh 2.

Ðồng quan điểm, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, nói ngay: Nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần là hoàn toàn có thể xảy ra khi các chính sách điều chỉnh, sửa đổi và mới theo nhu cầu của ngành điệu đều chậm ban hành. 

Ông Ngãi dẫn chứng các vấn đề phát sinh từ Quy hoạch điện 7 ngày càng trầm trọng trong khi Quy hoạch điện 8 trình lên trình xuống đến nay vẫn chưa được ban hành. Thế nên, các dự án đầu tư mở rộng để tăng sản lượng điện đáp ứng nhu cầu đều bị chững lại. Trên thực tế, căng thẳng nguồn cung cũng như quá tải về lưới điện ở nhiều khu vực vào các thời gian cao điểm mùa khô đã diễn ra nhiều năm qua. Trong bối cảnh nhiều dự án năng lượng tái tạo trong giai đoạn trước năm 2020 được cho là phá vỡ quy hoạch, cho thấy những chỉ báo về khó khăn trong việc huy động nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai. 

"Từ giá điện bán lẻ chưa được điều chỉnh trong hơn 4 năm qua, dẫn đến lỗ lã kéo dài, nhiều dự án đầu tư hạ tầng bị trì trệ, đến giá mua điện các dự án năng lượng tái tạo đến nay cũng đang giậm chân tại chỗ cho dù khung giá Bộ đưa ra đã có hơn 2 tháng rồi. Theo tôi, Quy hoạch điện 8 cần sớm được ban hành để các dự án vướng mắc do phải chờ chính sách được tháo gỡ sớm. Bên cạnh đó, hạ tầng ngành điện đang rất cần nguồn vốn lớn để đầu tư, cần phải mở rộng kêu gọi thu hút vốn đầu tư nước ngoài và vốn tư nhân vào để ngành phát triển bền vững", ông Ngãi nhấn mạnh.

 EVN cho biết gặp rất nhiều vướng mắc trong đầu tư xây dựng các dự án điện trọng điểm. Có 88 dự án nguồn và lưới điện trải dài từ bắc vào nam do Ban Chỉ đạo xây dựng các dự án điện trong quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia của EVN, đang gặp rất nhiều vướng mắc do Quy hoạch điện 8 vẫn chưa được phê duyệt nên chưa có đủ cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo; một số dự án lưới điện truyền tải còn vướng mắc về điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện 7 điều chỉnh; xây dựng các dự án lưới điện gặp nhiều khó khăn trong thỏa thuận hướng tuyến, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nhiều thủ tục đầu tư kéo dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.