Nguy cơ thương hiệu Việt tiếp tục bị đánh cắp

01/07/2016 06:28 GMT+7

Nhiều sản phẩm Việt nổi tiếng gắn với các chỉ dẫn địa lý của VN từng bị đánh cắp tại nước ngoài, một số nhãn hàng bị các doanh nghiệp nước ngoài 'mượn' sử dụng một cách vô tư.

Nguy cơ này càng gia tăng khi VN gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN.
Sản phẩm “liên thông” ngay trên bao bì
Nước mắm Thái Lan xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu được gắn nhãn mác nước mắm Phú Quốc. Bún, phở, mì khô xuất khẩu của Thái, trên bao bì lại viết là “Vietnamese’s New Noodle” (Bún mới của người Việt)...
Chuyên gia thương hiệu, ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch HĐQT Tri Tri Corporation nhận định đây là nguy cơ bị “đồng hóa” thương hiệu trong ASEAN để rồi người tiêu dùng trên thế giới không phân biệt được đâu là hàng Thái, đâu là hàng Việt.
Người Thái rất cao cơ khi biết lấy chất “tinh túy” của thương hiệu Việt để làm hàng xuất khẩu. Tình trạng này rất đáng báo động.
Theo ông Chiến, càng hội nhập nguy cơ mất thương hiệu càng lớn. Thực tế, tiến đến thị trường tiêu thụ chung rất quan trọng cho ngành hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, nhận thức về cơ hội kinh doanh và tranh thủ cơ hội đó đối với doanh nghiệp (DN) Việt vẫn còn yếu kém. Chẳng hạn, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng nhanh của DN các nước đều bắt đầu in nhiều ngôn ngữ.
Chẳng hạn hàng Thái muốn bán vào thị trường Malaysia thì sẽ in cả tiếng Malaysia và tiếng Anh. Hàng Indonesia khi bán vào Thái Lan thì in cả tiếng Thái và tiếng Anh. Ông Chiến nói: “Thử lấy hàng Kitcat của Hãng Nestle, sản xuất ở Malaysia nhưng bán tại VN, thì ngay trên bao bì ghi rõ “made in Malaysia” bằng tiếng Việt và tiếng Anh đầy đủ. Trong khi hàng hóa VN nay vẫn đang “đứng lên ngồi xuống” trong quy định bao bì in bao nhiêu phần trăm chữ tiếng Anh, bao nhiêu phần trăm tiếng Việt thì các nước trong khu vực đã đi xa đến đâu rồi. Ngôn ngữ trên sản phẩm các nước thể hiện tính liên thông khu vực rất lớn, điều này DN nội địa chưa làm được, ngay trên thị trường ASEAN”.
Bên cạnh đó, sản phẩm may mặc cũng đối diện nhiều nguy cơ bị lạm dụng thương hiệu. Bởi ASEAN được định vị là thị trường tiêu thụ lớn mà những quốc gia “đại công xưởng thế giới” như Trung Quốc thèm muốn.
Theo ông Lý Trường Chiến, khi DN Trung Quốc muốn đưa hàng vào các thị trường ASEAN, họ đưa qua đường VN và gắn “made in Vietnam”, sau đó có thể nghiễm nhiên bán hàng vào ASEAN rất dễ dàng.
Còn theo ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hiệp hội Marketing VN, từ trước đến nay những sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản gắn liền với chỉ dẫn địa lý của các địa phương là những đối tượng dễ bị xâm hại thương hiệu nhất. Ví dụ câu chuyện của cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc đã được bán tràn lan ở Trung Quốc.
Việc này có thể hiện diện ở những nước khác ngay trong khu vực ASEAN, nhất là các nước đang phát triển và hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện. Bởi trong khi các DN chú trọng bảo vệ thương hiệu của riêng mình thì những thương hiệu gắn liền với địa phương và quốc gia lại chưa được đăng ký bảo hộ đúng mức ở thị trường nước ngoài nên từ đó sẽ bị các DN địa phương sử dụng để gây ngộ nhận cho người dùng. Chưa kể, nguy cơ các sản phẩm này sẽ quay lại thị trường VN, xâm nhập vào thị trường vùng sâu vùng xa và dần dần lan tỏa rộng hơn trên thị trường VN.
Nguy cơ mất thương hiệu
Chuyên gia tư vấn thương hiệu Robert Trần nhận định văn hóa ẩm thực khu vực ASEAN có nhiều yếu tố tương đồng, cho dù có những vị canh, mặn, chua đặc trưng, song người Việt vẫn có thể dễ dàng ăn thức ăn của người Thái, người Campuchia, người Lào... và ngược lại.
Điều này có nghĩa là rủi ro mất thương hiệu tiêu dùng nhanh, thực phẩm của các nhãn hàng có thương hiệu tốt tại VN rất cao. Sau sản phẩm nước mắm Phú Quốc đang được “mượn” tại Thái Lan, ai biết trước được một ngày đẹp trời, chúng ta lại phát hiện quả thanh long Bình Thuận, xoài cát Hòa Lộc, bưởi năm roi, vú sữa lò rèn... không bị mất tại các thị trường này?
Trước mắt, mặt hàng bún khô, phở khô của VN rất được thị trường các nước ưa chuộng. Để giữ được chỉ dẫn địa lý, tài sản vô hình của thương hiệu quốc gia, vai trò của các địa phương, hiệp hội rất quan trọng.
Các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội DN phải tập trung rà soát và sớm đăng ký bảo hộ thương hiệu của sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý tại các thị trường ASEAN và cả các thị trường hàng ASEAN xuất khẩu đến.
“Vai trò của các hiệp hội, lãnh đạo địa phương phải tăng tốc hơn nữa, bởi sức nóng của hội nhập đang đến sát sau lưng rồi, nếu vẫn đủng đỉnh, chúng ta tự thiêu cháy mình trong thị trường cạnh tranh này”, ông Robert Trần nhận định.
Đồng quan điểm, ông Lê Phụng Hào cho rằng đối với chỉ dẫn địa lý, bản thân một cá nhân hay DN không có quyền đăng ký sở hữu trí tuệ. Vì vậy cần phải có sự quan tâm và thực hiện của chính quyền địa phương và ngay cả quốc gia với các thương hiệu mang tầm cao hơn.
“Chỉ có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở những thị trường có xuất khẩu thì khi bị làm nhái, làm giả chúng ta mới có cơ sở pháp lý để khởi kiện. Bên cạnh đó, ở những nước chưa có khung pháp lý hoàn thiện như Lào, Myanmar, Campuchia... thì có thể thực hiện thêm biện pháp thương mại như tăng cường quảng bá, mở rộng kênh phân phối để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận được hàng thật và có cơ sở so sánh, chọn lựa hàng chất lượng tốt”, ông Lê Phụng Hào nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.