Nguy cơ xung đột lan khỏi Ukraine

07/06/2024 08:27 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận với truyền thông nước ngoài về kịch bản chấm dứt chiến sự Ukraine, cũng như nguy cơ leo thang xung đột giữa Nga và phương Tây.

Trong lúc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nỗ lực vận động cộng đồng thế giới ủng hộ kế hoạch hòa bình của nước này tại hội nghị Thụy Sĩ ngày 15 - 16.6, người đồng cấp Nga Vladimir Putin đề cập đến khả năng chấm dứt chiến sự cũng như những đồn đoán về nguy cơ nổ ra chiến tranh toàn diện với NATO, theo RT đưa tin hôm qua.

Hai viễn cảnh của chiến sự Ukraine theo Nga

Hôm 5.6, trong sự kiện bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF), Tổng thống Putin lần đầu gặp trực tiếp các đại diện truyền thông quốc tế kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo RT, nhà lãnh đạo cho hay đã nhận được lá thư từ Tổng thống Mỹ Joe Biden về cuộc khủng hoảng Ukraine, và ông viết thư trả lời rằng nếu muốn chiến sự chấm dứt, Mỹ và các đồng minh nên ngừng ngay hành động viện trợ vũ khí cho Kyiv.

Tổng thống Biden 'dội nước lạnh' vào hy vọng gia nhập NATO của Ukraine?

Về lời kêu gọi của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg để Ukraine được phép sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga, Tổng thống Putin cảnh báo phương Tây sẽ bị kéo vào cuộc chiến leo thang với Nga nếu tiếp tục gửi thêm những dòng vũ khí uy lực hơn cho Kyiv. Chủ nhân Điện Kremlin cho hay quân đội chính quyền Moscow sẽ bắn hạ các tên lửa phương Tây, bao gồm Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) của Mỹ và các hệ thống tên lửa của Anh, Pháp.

Nguy cơ xung đột lan khỏi Ukraine- Ảnh 1.

Thành viên đơn vị Ukraine tại tiền tuyến ngày 4.6

Reuters


Nhà lãnh đạo Nga đề cập đến khả năng triển khai các dòng tên lửa quy ước có tầm bắn đến Mỹ và đồng minh châu Âu nếu phương Tây cho phép Ukraine dùng tên lửa viện trợ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

"Nếu chúng tôi phát hiện những nước trên (phương Tây) can dự vào cuộc chiến chống Liên bang Nga, chúng tôi có quyền hành động tương tự", Reuters dẫn lời ông Putin. Ông cũng cho hay có thể cung cấp vũ khí hiện đại của Nga cho các bên thứ ba tấn công các mục tiêu của phương Tây.

Tổng thống Nga đồng thời cảnh báo phương Tây sai lầm khi nghĩ rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân, và không nên xem nhẹ học thuyết hạt nhân của Điện Kremlin. Học thuyết hạt nhân được Nga công bố năm 2020 đưa ra các trường hợp cho phép Tổng thống Nga cân nhắc triển khai vũ khí hạt nhân: thứ nhất là đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt, thứ hai là khi đối phương sử dụng vũ khí quy ước có thể đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga.

Bộ binh thiếu hụt, Ukraine đến nhà tù mộ quân

Phương Tây cam kết viện trợ

Trong chuyến thăm Phần Lan hôm qua, Tổng thư ký Stoltenberg khuyến cáo các thành viên NATO nên đảm bảo nguồn viện trợ vũ khí đều đặn cho Ukraine, tránh tái diễn tình trạng đứt gãy trong vài tháng qua, theo Reuters. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cũng cho biết NATO hiện chưa có kế hoạch đưa quân tham chiến ở Ukraine. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc lại quan điểm của chính quyền Berlin rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ để ứng phó các đợt tấn công từ biên giới Nga.

Trong một diễn biến khác, ngày 5.6, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha gặp người đồng cấp Trung Quốc Tôn Vệ Đông cho hoạt động tham vấn chính trị, theo trang The Kyiv Independent dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Ukraine. Ông Sybiha cập nhật tình hình tổ chức hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ cho ông Tôn, và một lần nữa thuyết phục Trung Quốc tham gia. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang vận động cho kế hoạch hòa đàm khác, với sự tham gia của cả Nga và Ukraine. 

Tổng thống Nga đề cập bầu cử Mỹ năm 2024

Tại cuộc gặp báo chí nước ngoài ở St.Petersburg, Tổng thống Putin cho biết Nga không kỳ vọng về khả năng thay đổi chính sách sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, theo RT.

Thậm chí, trong trường hợp Tổng thống Joe Biden đương nhiệm thất cử trước ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, chủ nhân Điện Kremlin dự báo quan hệ Moscow - Washington nhiều khả năng vẫn duy trì thế đối kháng. Tuy nhiên, ông Putin cho rằng hệ thống tư pháp của Mỹ rõ ràng đang trở thành công cụ đối phó cựu Tổng thống Trump.

"Thế giới biết rõ rằng việc xét xử ông Trump, đặc biệt ở tòa án với các cáo buộc dựa trên những sự kiện diễn ra nhiều năm trước mà không có chứng cứ trực tiếp, chỉ là hành động sử dụng hệ thống tư pháp trong một cuộc đấu tranh chính trị nội bộ", RT dẫn lời Tổng thống Putin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.