AFP ngày 4.4 đưa tin 10 nhóm vũ trang ở Myanmar đã họp trực tuyến và bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào phản đối chính quyền quân sự, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột giữa quân đội với các lực lượng này. Khoảng 20 nhóm vũ trang thiểu số hiện kiểm soát nhiều khu vực tại Myanmar, đa số ở vùng biên giới. “Các lãnh đạo của hội đồng quân sự phải nhận trách nhiệm về những gì đang diễn ra ở Myanmar”, theo ông Yawd Serk, thủ lĩnh nhóm Hội đồng Khôi phục bang Shan.
Tuần trước, quân đội Myanmar tuyên bố ngừng bắn trong vòng 1 tháng với các nhóm vũ trang thiểu số, nhưng vẫn có ngoại lệ nếu hoạt động an ninh và hành chính của chính phủ bị đe dọa. Tuyên bố không đề cập đến việc phải ngừng vũ lực sát thương đối với người biểu tình, nhưng ông Yawd Serk khẳng định việc ngừng bắn cũng phải buộc quân chính phủ “ngừng mọi hành vi bạo lực”, bao gồm hành vi bạo lực đối với người biểu tình. Ông nhấn mạnh rằng 10 nhóm vũ trang chắc chắn đứng về phía những người biểu tình.
|
Cũng trong hôm qua, nhân dịp lễ Phục sinh, nhiều người biểu tình viết những thông điệp phản đối chính quyền quân sự lên những quả trứng để đăng lên mạng xã hội và để ở nhiều cổng nhà, nhằm phản đối chính biến cũng như tình trạng bạo lực đã khiến 557 người thiệt mạng và hơn 2.750 người bị bắt. Nhiều người biểu tình đổ ra đường tại Mandalay vào hôm qua, trong đó có một số người mang theo cờ và chạy xe máy. Một nhân chứng cho biết một người biểu tình 30 tuổi bị trúng đạn và thiệt mạng vào sáng qua tại bang Kachin. Trong khi đó, chính quyền quân sự khẳng định lực lượng an ninh đang “kiềm chế tối đa” khi đối phó người biểu tình.
Liên quan tình hình đầu tư tại Myanmar, Tập đoàn dầu khí Total của Pháp quyết định vẫn hoạt động, bất chấp một số ý kiến phản đối vì quan ngại tiền thuế sẽ vào tay chính quyền quân sự. Theo Reuters, Total khẳng định sẽ không dừng khai thác tại mỏ khí Yadana ở Myanmar nếu việc vận hành vẫn an toàn. CEO của Total Patrick Pouyanne cho biết tập đoàn lo ngại rằng nếu dừng sản xuất để phản đối tình trạng bạo lực tại Myanmar, các nhân viên sẽ đối diện nguy cơ lao động cưỡng bức dưới chính quyền quân sự. Bên cạnh đó, Total cũng không muốn cắt giảm một nguồn năng lượng lớn, do khí được khai thác dùng để cung cấp cho nhà máy điện tại Yangon cũng như tại Thái Lan.
Bình luận (0)