Nguyên bộ trưởng có phải là danh?

16/02/2019 10:12 GMT+7

Các bộ trưởng có danh không? Quả thực, đây là vấn đề còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, với quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội xóa tư cách nguyên bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng , thì nguyên bộ trưởng phải được hiểu là danh.

Tiếp theo các quyết định của Đảng, Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức liên quan đến việc xử lý các quan chức nhà nước đã về hưu. Có 2 vấn đề đặt ra ở đây, là xử lý như thế nào và xử lý đến cấp nào?
Về vấn đề thứ nhất - xử lý như thế nào, thì xử lý ở đây có thể hiểu là xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, xử phạt hình sự. Xét về mức độ nghiêm khắc, thì xử lý kỷ luật là mức nhẹ nhất - nhẹ nhất nhưng lại không phải là dễ nhất.
Mọi chuyện có vẻ vận hành theo chiều ngược lại. Xử phạt hình sự là cánh xử lý nặng nhất, nhưng lại dễ nhất. Lý do là vì theo quy định của pháp luật, thời hiệu đối với các tội danh tham nhũng là rất dài. Tùy vào từng tội danh cụ thể, thời hiệu đối với tội tham nhũng nói chung có thể kéo dài từ 5 năm, 10 năm đến 20 năm.
Thậm chí, phạm tội tham ô, tội nhận hối lộ nếu thuộc trường hợp rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, thì quy phạm về thời hiệu sẽ không được áp dụng. Nghĩa là quan chức phạm tội còn sống thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính sẽ khó khăn hơn, vì thời hiệu đối với các vi phạm hành chính cơ bản chỉ là 1 năm, cùng lắm là 2 năm đối với một số vi phạm. Cứ sau 2 năm nghỉ hưu là các quan chức có thể thảnh thơi khỏi cần lo lắng về những vi phạm hành chính mình mắc phải khi còn đương chức. (Hiện dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức đang đề nghị đưa thời hiệu lên 5 năm).
Xử lý kỷ luật là khó khăn nhất vì tuy thời hiệu tối đa cũng là 2 năm, nhưng thời hạn để xử lý thì chỉ có 2 tháng hoặc cùng lắm là 4 tháng theo quy định của luật Cán bộ, công chức và nghị định có liên quan. Đó là chưa nói tới việc những hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức được pháp luật quy định như hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc… là không có ý nghĩa đối với một quan chức đã về hưu. Như vậy, áp dụng pháp luật hiện hành để xử lý kỷ luật các quan chức về hưu là không hề đơn giản.
Thiếu sáng kiến lập pháp, mọi chuyện có vẻ sẽ bế tắc ở đây. Tuy nhiên, một sáng kiến lập pháp phải bắt đầu từ một khuôn khổ khái niệm phù hợp. Và đây là vấn đề quan trọng nhất.
Xử phạt là đánh vào lợi ích - lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần. Mà như vậy thì phải nhắm vào các lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần mà một quan chức về hưu đang có để xử phạt thì mới được. Phạt tiền, phạt lao động công ích… là những hình phạt mà các nhà lập pháp bao giờ cũng có thể lựa chọn. Tuy nhiên, đây không khéo là xử phạt hành chính mất rồi, chứ không còn là xử lý kỷ luật nữa.
Thế thì chúng ta có thể đánh vào các lợi ích tinh thần được không?
Ở đời, thường có chức thì có tước; có chức thì có danh. Tất cả các đại sứ về hưu không còn chức đại sứ, nhưng còn danh đại sứ và vẫn được gọi là đại sứ. Nhiều quan chức cao cấp khác về hưu không còn chức nhưng vẫn còn danh. Ví dụ, các đại biểu Quốc hội luôn luôn còn danh. Các vị này vẫn được gọi là đại biểu Quốc hội của một hoặc một số khóa nào đó.
Thế thì hình thức kỷ luật khả thi nhất đối với các quan chức về hưu là thu hồi tước hoặc danh của họ. Đối với những người có tước thì có thể xóa bỏ tước. (Tuy nhiên, có vẻ như ở nước ta không ai có tước cả). Đối với những người có danh thì có thể xóa bỏ danh.
Vấn đề đặt ra là các bộ trưởng có danh không? Quả thực, đây là một vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, với quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội xóa tư cách nguyên Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng (nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương) thì nguyên bộ trưởng phải được hiểu là danh.
Thực ra, sự lúng túng ở đây là do từ “nguyên” gây ra. Từ “nguyên” thường được hiểu là “trước đây là”, “đã từng là”. “Nguyên bộ trưởng” vì vậy là cụm từ để chỉ một thực tế khách quan là một người đã từng làm bộ trưởng. Thực tế khách quan này là không thể xóa bỏ được. Nếu chúng ta quan niệm “nguyên bộ trưởng” là danh, thì danh này mới có thể xóa bỏ được. Trong trường hợp này, để chỉ một quan chức đã từng là bộ trưởng, chúng ta phải tìm một thuật ngữ khác để thay thế. Ví dụ, chọn thuật ngữ “cựu bộ trưởng” chẳng hạn. (điều đáng nói ở đây là: trong tiếng Việt, “cựu bộ trưởng” hoặc “nguyên bộ trưởng” có vẻ chẳng khác gì nhau).
Tóm lại, kỷ luật các quan chức về hưu chủ yếu nên đánh vào danh của họ. Song song với việc tước bỏ danh, pháp luật còn có thể quy định về việc tước bỏ các danh hiệu khác (như anh hùng lao động), thu hồi huân, huy chương nếu họ có.
Ngoài ra, vấn đề thời hiệu, cũng cần được quan tâm trong quá trình lập pháp. Thời hiệu 2 năm từ khi vi phạm và thời hiệu 2 năm từ khi về hưu là hai chuyện khác nhau. Nếu thời hiệu kỷ luật là 2 năm kể từ khi vi phạm, thì không khéo khi một vị quan chức vi phạm về hưu, thời hiệu sẽ không còn. Nếu quy định thời hiệu dài hơn thì lại sẽ xung đột với quy định của pháp luật hiện hành.
Trên đây là những việc có thể làm, nhưng có đáng làm hay không lại một câu chuyện khác.
Về vấn đề thứ hai - xử lý đến cấp nào, nếu tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, thì tất cả các quan chức cũng nên như vậy. Đặt vấn đề chỉ xử lý các quan chức về hưu chỉ từ cấp thứ trưởng trở lên sẽ không đạt được sự bình đẳng đáng mong ước nói trên. Đã có chức thì có danh. Đã có danh thì về hưu có thể bị tước bỏ. Như vậy, bị xử lý sẽ là tất cả cán bộ, công chức có chức vụ. Những người không có chức vụ quả thực chẳng có danh để có thể tước bỏ của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.