Nguyễn Du viết 'Thanh minh trong tiết tháng ba', vậy Thanh minh là gì?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
03/04/2024 13:18 GMT+7

Trong trích đoạn 'Cảnh ngày xuân' (trích từ 'Truyện Kiều' của đại thi hào Nguyễn Du) trong sách giáo khoa, có câu 'Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh'. Vậy Thanh minh là gì, có ý nghĩa như thế nào?

Cụ thể, trong trích đoạn Cảnh ngày xuân (Truyện Kiều, tác giả Nguyễn Du trong sách giáo khoa lớp 9 tập 1 hiện hành (NXB Giáo dục Việt Nam), có nội dung: Ngày xuân con én đưa thoi/Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi/Cỏ non xanh tận chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa/Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh/Gần xa nô nức yến anh/Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Nguyễn Du viết 'Thanh minh trong tiết tháng ba', vậy Thanh minh là gì?- Ảnh 1.

THÚY HẰNG

Nguyễn Du viết 'Thanh minh trong tiết tháng ba', vậy Thanh minh là gì?- Ảnh 2.

Trích đoạn Cảnh ngày xuân (Truyện Kiều, tác giả Nguyễn Du) trong sách giáo khoa lớp 9 tập 1 hiện hành (NXB Giáo dục Việt Nam

THÚY HẰNG

Thanh minh là gì?

Theo chú thích dưới trích đoạn Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du trong sách giáo khoa lớp 9 hiện hành, "thiều quang" là ánh sáng đẹp, tức là ánh sáng ngày xuân. Ý cả câu "chín chục ngày xuân mà nay đã ngoài sáu mươi ngày, tức là đã qua tháng giêng, tháng hai và đã bước sang tháng ba". Còn "Thanh minh" được lý giải là "tiết vào đầu tháng ba, mùa xuân khí trời mát mẻ, trong trẻo, người ta đi tảo mộ, tức là đi viếng và sửa sang lại phần mộ của người thân". Từ "đạp thanh" trong trích đoạn trên được lý giải là "giẫm lên cỏ xanh", vào tiết Thanh minh, người người đi chơi xuân ở chốn đồng quê, giẫm lên cỏ xanh nên gọi là đạp thanh.

Trong đời sống thực tế, nhiều thế hệ người Việt đã quen với tục lệ đi tảo mộ, thăm viếng, sửa sang lại phần mộ tổ tiên, ông bà, người thân trong tiết Thanh minh.

Phóng viên Báo Thanh Niên trao đổi với PGS-TS Triệu Thế Việt, giảng viên ngành Đông phương học, Trường ĐH Gia Định về ý nghĩa của "Thanh minh", phong tục tảo mộ trong tiết Thanh minh và giá trị của nó trong đời sống hiện đại.

Nguyễn Du viết 'Thanh minh trong tiết tháng ba', vậy Thanh minh là gì?- Ảnh 3.

Tết Thanh minh tại một nghĩa trang tại Trà Vinh

THÚY HẰNG

PGS-TS Triệu Thế Việt cho biết từ trích đoạn trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du chúng ta có thể thấy tiết Thanh minh hiện lên trong khung cảnh, tiết trời mùa xuân vô cùng tươi đẹp. Có thể nói đây là tiết trời đẹp nhất trong năm. Trong tiết Thanh minh, người người đi tảo mộ, cúng kiếng, đốt nhang cho phần mộ tổ tiên, ông bà, người thân - phần lễ. Và cũng trong ngày này, còn có phần hội - được đi chơi, được gặp gỡ nhau, được bước ra khỏi ngôi làng của mình.

Trong nền kinh tế nông nghiệp xa xưa, cả mùa vụ có khi người ta chỉ quanh quẩn trong ngôi làng, ruộng lúa, vườn rau của mình thì tiết Thanh minh là cơ hội hiếm hoi để người người được bước ra khỏi làng, được trẩy hội, được gặp gỡ nhau, trò chuyện, ngắm cảnh trong tiết trời lý tưởng ngày xuân. Bởi vậy, Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: Gần xa nô nức yến anh/Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

"Tiết Thanh minh hiện lên với cảnh sắc, tiết trời tươi đẹp nhất của ngày xuân. Trong tiết trời ấy, người ta đi tảo mộ, đi lễ hội. Thanh minh là ngày hội, không phải ảm đạm những cảm xúc đau buồn. Trong tâm thức của người phương Đông thì đi Thanh minh - đứng trước những ngôi mộ là sự tri ân, tưởng nhớ những người đã khuất. Trong ánh mắt của người phương Đông, cái chết không phải là sự tận cùng của thế giới", PGS-TS Triệu Thế Việt chia sẻ.

"Người Việt chọn tảo mộ trong tiết Thanh minh tươi đẹp khi mà 'Cỏ non xanh tận chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa'. Điều này cho thấy cách nhìn về cái chết trong mắt người phương Đông thật sự văn minh. Trong câu chuyện phương Đông, ai đó dù đã mất, không còn trên thế gian nhưng sẽ để lại những điều đẹp đẽ", PGS-TS Triệu Thế Việt nói thêm.

Nguyễn Du viết 'Thanh minh trong tiết tháng ba', vậy Thanh minh là gì?- Ảnh 4.

Người dân ở Trà Vinh cúng phần mộ ông bà, tổ tiên trong Tết Thanh minh. Sau phần lễ - dọn dẹp phần mộ, cúng đồ ăn, trái cây, đốt nhang tưởng nhớ người thân, bà con sẽ quây quần cùng nhau ăn uống, nói chuyện ở cạnh đó. Đây cũng dịp kết nối, gặp gỡ những người trong dòng họ lâu ngày xa cách.

THÚY HẰNG

Thanh minh trong đời sống hiện đại có khác đi ý nghĩa?

Tảo mộ trước Tết Nguyên đán và Thanh minh có phải là một hay khác nhau? Theo PGS-TS Triệu Thế Việt, nhiều người thường nhầm lẫn tảo mộ trước tết và tảo mộ trong Thanh minh.

Tảo mộ trước Tết Nguyên đán là con cháu ra phần mộ của ông bà, tổ tiên để đốt nhang, "mời" ông bà tổ tiên về ăn tết, nhân tiện sẽ dọn lại phần mộ tổ tiên. Còn tảo mộ trong Thanh minh là người ta sẽ đến mộ phần của người thân trong tiết Thanh minh để trồng thêm cỏ, thêm hoa, sửa sang ngôi mộ, dọn dẹp lối đi cho ngay ngắn.

PGS-TS Triệu Thế Việt cho biết hiện nay tục lệ dịp Tết Thanh minh nghiêng về phần lễ hơn là phần hội. 

Phần "hội là đạp thanh" như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du hiện nay ở một số cộng đồng có thể không còn do trong đời sống công nghiệp hiện đại, hoạt động văn hóa giải trí đa dạng, mỗi người có quá nhiều những sự lựa chọn cho mình, có thể họ không còn chọn cách đi chơi bằng việc đi từ ngôi nhà tới khu viếng mộ.

Nguyễn Du viết 'Thanh minh trong tiết tháng ba', vậy Thanh minh là gì?- Ảnh 5.
Nguyễn Du viết 'Thanh minh trong tiết tháng ba', vậy Thanh minh là gì?- Ảnh 6.
Nguyễn Du viết 'Thanh minh trong tiết tháng ba', vậy Thanh minh là gì?- Ảnh 7.

Chợ Trà Vinh (TP.Trà Vinh) trong Tết Thanh minh đông vui, nhộn nhịp từ sáng sớm, mọi người hối hả mua thịt heo quay, bông, trái cây để đi viếng mộ, cúng ông bà, tổ tiên

THÚY HẰNG

Đáng chú ý, theo PGS-TS Triệu Thế Việt, hiện nay trong đời sống hiện đại, nhiều người khi qua đời sẽ được người thân hỏa táng, gửi tro cốt trong chùa, hoặc rải tro cốt xuống sông, do đó không có mộ phần. Tuy nhiên, tục lệ truyền thống thanh minh vẫn có thể thực hiện. "Tôi đã dự một buổi lễ mà một người thả một bè hoa xuống sông, thắp nén nhang để tưởng nhớ lại người bố của anh khi còn sống, điều này hoàn toàn ổn", ông Việt kể.

PGS-TS Triệu Thế Việt cho rằng: "Dù thế nào, thì ý nghĩa của việc tri ân, tưởng nhớ nguồn cội, tổ tiên của mỗi người trong Tết Thanh minh vẫn còn nguyên vẹn. Ý nghĩa lớn nhất của Thanh minh là để con cháu tri ân tiền nhân. Mỗi dịp Thanh minh là dịp để con cháu không quên những người thân đã khuất. Họ có thể không tồn tại về thể xác nhưng tâm hồn của họ, những ký ức tươi đẹp nhất về họ vẫn sống trong tim những người ở lại. Một người mất (và kể cả những người đang sống) - chỉ thật sự mất khi họ không còn sống trong trái tim người thân nữa".

Thanh minh năm 2024 vào ngày nào?

Tiết Thanh minh là một trong 24 tiết khí của một năm, là tiết khí thứ 5, bắt đầu sau ngày Lập xuân 60 ngày và sau ngày Đông chí 105 ngày. Tiết Thanh minh sẽ kéo dài trong khoảng 15-16 ngày. Tết Thanh minh chính là ngày đầu tiên của tiết khí này. Thanh minh năm 2024 bắt đầu từ ngày 4.4.2024.

Trong Tết Thanh minh, từ sáng sớm, người thân trong gia đình đã sửa soạn một mâm lễ cúng tươm tất, đủ đầy với hoa, trái cây, bánh, nhang đèn, mang tới phần mộ của ông bà, tổ tiên. Trước khi cúng kiếng, người ta sẽ dọn dẹp lại sạch sẽ mộ phần, sửa sang lại ngôi mộ cho tươm tất, quét dọn đường đi, trồng thêm hoa tươi, cây cảnh xung quanh mộ phần để nơi này được khang trang. Tùy vào mỗi địa phương, tùy vào sản vật theo mùa, mâm cúng ở phần mộ người thân có thể với những món ăn, trái cây cúng khác nhau. Tuy nhiên lòng thành của người đi cúng là quan trọng nhất, tri ân người xưa, tưởng niệm người thân đã không còn ở bên mình, giáo dục cho con cháu, thế hệ sau về sự tri ân nguồn gốc, tổ tiên.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.