Nguyễn Hoài Hương và họa sĩ Việt nói gì về ‘nữ hoàng’ của mỹ thuật?

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
25/03/2021 10:30 GMT+7

Trong khuôn khổ triển lãm của họa sĩ Nguyễn Hoài Hương (diễn ra đến 28.3) là tọa đàm thú vị về sơn mài - biểu tượng "nữ hoàng" của các chất liệu mỹ thuật Việt Nam, với sự tham gia của nhiều tên tuổi nổi tiếng.

Từ cuối thập niên 1980 đến nay, có một bộ tứ tạo ấn tượng mạnh trong giới mỹ thuật, đó là: Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Hoài Hương và Đỗ Hoàng Tường. Dù mỗi họa sĩ vẫn miệt mài trên con đường sáng tạo mỹ thuật của riêng mình - thỉnh thoảng mới bày chung nhau một "cuộc chơi" - nhưng trên hết vẫn là tình bạn đẹp và đam mê cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Bí mật làm nên thành công cho sơn mài Việt Nam ở... Phú Thọ ?
Với Nguyễn Hoài Hương, triển lãm cá nhân Giấc mơ vừa khai mạc sáng 20.3 tại TP.HCM không chỉ bề thế về quy mô, đa dạng về vật liệu, chất liệu, mà còn tạo nên dấu ấn mới cho tranh sơn mài của họa sĩ tài hoa này. Trong các vật liệu, chất liệu đã dùng để sáng tác, sơn mài mới đến với Nguyễn Hoài Hương gần 4 năm nay, nhưng có lẽ là chất liệu hợp hơn cả.

Tác phẩm Giấc mơ trưa 2 của họa sĩ Nguyễn Hoài Hương tại triển lãm

Tác phẩm Nhật nguyệt 4 (sơn mài, 120cm x 210cm, 2019)

Hát chầu văn (sơn mài, 120cm x 210cm, 2019) của Nguyễn Hoài Hương

ẢNH: NVCC

Nhận xét về các tác phẩm của họa sĩ Hoài Hương, nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng: “Tranh sơn mài của Hoài Hương lộng lẫy, rực rỡ nhưng không phải cái lộng lẫy vàng son cổ điển, mà nó tươi mới với một bảng màu không thường thấy trong sơn mài truyền thống: màu tím Huế, màu xanh dương, màu xanh lá cây, màu nâu đất nhạt và màu vàng chanh, tất cả có độ trong mà không quá bóng bẩy. Còn về hình thì hình thiếu nữ khỏa thân, hoa sen, lá sen, lá chuối…. mang nặng tính trang trí, nhưng rất riêng biệt của Hoài Hương, chúng được sắp đặt trong một không gian phi thực, nhưng không có ý vị siêu thực. Một số bức sơn mài trừu tượng là tiếp tục cuộc chơi về màu sắc, về chất thể để thỏa mãn khoái cảm thị giác, nó mạnh mẽ và duyên dáng”.
Xem triển lãm của Nguyễn Hoài Hương, phát biểu tại buổi tọa đàm Giấc mơ diễn ra ngay sau đó, tiến sĩ Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, lên tiếng kêu gọi những người có trách nhiệm, trong đó có các họa sĩ, hãy chung tay để bảo tồn và phát huy thế mạnh của tranh sơn mài, đặc trưng Việt Nam. Còn học trò thân thiết của danh họa Nguyễn Gia Trí là họa sĩ Nguyễn Xuân Việt nhấn mạnh: “Sơn mài là chất liệu có chiều sâu, có giá trị nhất trong các thể loại. Sơn mài Việt Nam tiếp thu toàn bộ giá trị của sơn dầu phương Tây. Nhưng đau lòng là nhiều bức tranh sơn mài của các thế hệ gạo cội của chúng ta đã bị làm giả, bày bán giá cao trên trường quốc tế. Trong khi đó, các họa sĩ lựa chọn theo đuổi sơn mài trong nước rất vất vả”.

Tác phẩm Trừu tượng 3 (sơn mài, 120cm x 210cm, 2020) của Nguyễn Hoài Hương

Mùa Xuân 2

Tác phẩm Dạ liên tại triển lãm

ẢNH: NVCC

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ bày tỏ niềm tự hào về tranh sơn mài Việt Nam: “Tranh sơn mài của các nước Đông Nam Á chỉ là mỹ nghệ, riêng sơn mài Việt Nam đã đẩy lên đến tận cùng của nghệ thuật sơn mài thế giới với các tác phẩm của danh họa: Nguyễn Gia Trí, Hoàng Tích Chù, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn... Kể cả tranh sơn mài Trung Quốc cũng chỉ tầm “học trò” của tranh sơn mài Việt Nam”. Ông Thủ cho rằng giới họa sĩ Việt hiện đại cần làm một cuộc cách mạng, sáng tạo hơn, tự làm mới mình để đưa sơn mài Việt Nam lên những tầm cao mới.
Họa sĩ Huyền Lam - Phó chủ nhiệm CLB Sơn mài TP.HCM, phân tích thêm: “Chất liệu sơn mài không chỉ đòi hỏi tài năng mà còn kỹ năng, đầu tư về tiền bạc, thời gian, công sức rất nhiều. Chính vì thế, không phải ai cũng có thể dễ dàng theo đuổi con đường gian nan cùng sơn mài”.
Họa sĩ Nguyễn Hoài Hương lập luận: “Nói khó khăn thì nghề nào cũng có cái khó. Vấn đề là sự lựa chọn của từng người. Nếu thiếu tình yêu, thiếu nhiệt huyết thì không thể thành công. Chỉ cần hiểu đơn giản sơn mài là sơn ta. Họa sĩ ngày xưa bắt buộc phải mài mới là sơn mài, còn ngày nay thì tùy theo kỹ thuật của mỗi người, có người mài nhiều, người mài ít nhưng nhất thiết phải dùng sơn ta”.

Họa sĩ Nguyễn Hoài Hương (trái) tại buổi tọa đàm về sơn mài

Họa sĩ Hoài Hương đang trả lời phỏng vấn báo chí...

... và ký tặng người hâm mộ đến xem triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Ảnh: Hòa Bình

Chất liệu sơn ta mà họa sĩ Nguyễn Hoài Hương, Hồ Hữu Thủ, Mã Thanh Cao nhắc đến là lại sơn được trồng ở tỉnh Phú Thọ. Nhiều họa sĩ Việt đương đại thành công với sơn mài đều ghi nhận sơn Phú Thọ khác hẳn với sơn trồng ở Campuchia hoặc các nước Đông Nam Á khác. Họa sĩ Hiền Nguyễn chuyên về sơn mài cho hay, sơn ta trồng ở Phú Thọ cho màu vẽ trong, dẻo, khiến người họa sĩ có thể tả được độ sâu thăm thẳm, đầy chất Á Đông. Các họa sĩ từ thời Đông Dương vẽ sơn mài truyền thống sử dụng chất liệu sơn ta, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật rất khác biệt so với việc sử dụng sơn Nhật chẳng hạn. “Sau này, chúng ta nên gọi chung là sơn Việt Nam nên cũng cần thay đổi thuật ngữ sơn mài”, họa sĩ Mã Thanh Cao và họa sĩ Hồ Hữu Thủ cùng nêu ý kiến.
“Nếu sơn dầu được mệnh danh là "vua" thì sơn mài là biểu tượng "nữ hoàng" của các chất liệu mỹ thuật Việt. Thể loại “nữ hoàng” yêu cầu sự tập trung cao độ cho từng công đoạn hết sức cầu kỳ, khắt khe, nghiêm ngặt. Một tác phẩm sơn mài đòi hỏi rất nhiều công phu: làm vóc, vẽ, gắn trứng, rây vàng bạc, vẽ chồng nhiều lớp, ủ khô nhiều lần, mài chi tiết, rồi lại vẽ tiếp, rồi lại nhấn, toát, đánh bóng. Sơn mài vừa là chất liệu truyền thống, vừa có sự huyền bí, quyến rũ, ai nhìn thấy tranh sơn mài cũng xao xuyến”, họa sĩ Nguyễn Hoài Hương đúc kết.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.